Môn Hóa: Không có mẹo để chọn đáp án

“Qua nhiều năm luyện thi và nghiên cứu đề thi đại học tôi thấy môn Hóa không có mẹo để chọn đáp án. Khi làm bài, tất cả câu hỏi từ dễ đến khó, học sinh cần bình tĩnh, đọc kỹ, phân tích bản chất để áp dụng phương pháp giải”.

Đó là chia sẻ của Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên luyện thi môn Hoá nhiều năm tại Hà Nội.

Xu hướng đề thi

Thầy Tuấn cho biết, từ năm 2009 trở lại đây, đề thi môn Hóa ổn định, không có biến động nội dung dễ hơn hoặc khó hơn. Đề thi hoàn toàn phù hợp với chương trình sách giáo khoa. Vì vậy học sinh có thể yên tâm ôn luyện và thi cử.

Tuy nhiên, đề thi đại học khác đề thi tốt nghiệp ở chỗ đề thi đại học yêu cầu học sinh hiểu và vận dụng. Còn đề thi tốt nghiệp chỉ dừng ở mức độ để học sinh biết. Chính vì cái hiểu và vận dụng cho nên khi trả lời bài thi học sinh cần phải bình tĩnh dựa trên kiến thức căn bản mình đã được học để suy luận giải quyết bài tập.

Thí sinh nên chia đọc đề thi theo 3 lượt

Thầy Tuấn cho hay, thông thường trong đề thi số lượng câu lý thuyết và câu tính toán là 50/50. Do vậy, khi làm bài thi thí sinh nên đọc đề theo 3 lượt.

Lượt 1: Thí sinh nên đọc toàn bộ các câu hỏi lý thuyết ngắn và làm bài. Các câu hỏi lý thuyết quá dài sẽ không đọc, bởi câu ngắn học sinh rất dễ lấy điểm.

Lượt 2: Thí sinh đọc đến câu hỏi bài tập tính toán có nội dung không quá dài và đọc một hai dòng mà thấy đề quen thì quyết định làm luôn, thấy đề lạ, không quen thì bỏ câu đó lại làm sau.

Lượt 3: Thí sinh đọc và suy xét làm những câu còn lại trong đề.

Theo thầy Tuấn, thí sinh đọc đề thi theo 3 lượt nêu trên, một mặt sẽ không bỏ sót những câu hỏi dễ, những câu hỏi mang tính căn bản. Mặt khác tạo đà tâm lý tốt và tránh được lỗi sai trong câu hỏi căn bản.

Môn Hóa: Không có mẹo để chọn đáp án - 1

Thạc sĩ Nguyễn Anh Tuấn, giáo viên luyện thi Hóa

Lỗi thí sinh bị mất điểm

Khi làm bài thi, phần thí sinh mất điểm nhiều hơn lại là phần câu hỏi lý thuyết. Các em đã ôn chắc chắn kiến thức ở chương trình sách giáo khoa thì có thể hoàn toàn yên tâm. Tuy nhiên khi gặp câu hỏi lý thuyết học sinh cần lưu ý đến việc tư duy và suy luận để có đáp án chính xác nhất.

Thí sinh hay chủ quan ở câu dễ. Bởi vì nhiều em dành thời gian cho câu hỏi dễ không nhiều và thích chọn bài tập tính toán làm trước. Vì vậy khi các em làm bài tập tính toán trước sẽ vấp phải một số bài khó, học sinh đi vào làm bài toán sẽ mất nhiều thời gian. Đến khi gần hết giờ còn ít thời gian, các em mới quay sang làm câu hỏi lý thuyết thì lại trong tâm thế vội vàng. Do vậy, sự suy xét kỹ càng các câu hỏi lý thuyết không còn được trọn vẹn, chính xác.

Ví dụ đối với bài tập hoá hữu cơ: Khi đề bài cho tìm số tripeptit mạch hở tối đa được tạo bởi sự hoá hợp glyxin và alanin, đáp án đúng sẽ là 6. Nhưng thường học sinh đọc đề vội lại chọn nhầm đáp án là 8.

Hoặc ngược lại, khi đề bài cho đun hỗn hợp glyxin với alanin thì đáp án đúng là 8, nhưng khi học sinh không đọc kỹ lại chọn đáp án là 6.

Ví dụ đối với hoá vô cơ: khi đề cho Fe phản ứng với dung dịch HNO3 khi lượng axit dư thì đáp án đúng là thu được sản phẩm muối sắt(III) và khi Fe dư thì thu được muối sắt (II). Nhưng học sinh khi không đọc kỹ đề lại cho rằng Fe dư sẽ suy luận ra kết quả là muối sắt (III), đáp án này hoàn toàn là sai.

Để khắc phục lỗi này, thí sinh khi làm môn Hóa hãy giữ bình tĩnh, không nóng vội, cứ từ từ giải những câu hỏi nằm trong tầm tay trước.

Làm bài Hóa sẽ không có mẹo

Thầy Tuấn cho biết, qua nhiều năm luyện thi và nghiên cứu đề thi đại học, môn Hóa không có mẹo để chọn đáp án. Khi làm bài thi, tất cả câu hỏi từ dễ đến khó, học sinh cần bình tĩnh đọc kỹ, phân tích bản chất để áp dụng phương pháp giải.

Đặc biệt, nhiều thí sinh khi đi thi cứ tưởng có thủ thuật này, thủ thuật khác mà không cần giải bài tập vẫn chọn được đáp án đúng thì trong môn Hóa tuyệt nhiên không có chuyện đó. Do vậy, thí sinh không nên học tủ theo các thủ thuật mà khi làm bài phải chú trọng về bản chất để tìm ra đáp án đúng nhất.

Mặt khác, môn Hóa yêu cầu học sinh hiểu được bản chất vấn đề mà bản chất ở đây hoàn toàn nằm trong khung chương trình sách giáo khoa các em học sinh đã được học và ôn luyện. Thế nên trong khi làm bài thí sinh cần đọc kỹ để suy xét bản chất, biểu diễn các phản ứng thích hợp và áp dụng các phương để giải bài tập.

Không để tâm lý căng thẳng

- Trước ngày thi, thí sinh không nên học dồn dập, vì học như vậy sẽ gây tâm lý căng thẳng, kiến thức tiếp thu không hiệu quả.

- Thí sinh nên hệ thống lại kiến thức và chọn làm những bài tập cơ bản, khi học luôn tạo cho mình tâm lý thoải mái, không làm những bài tập quá khó.

- Thí sinh giữ gìn sức khỏe, có chế độ ăn uống hợp lý, không thức quá khuya. Đặc biệt không ăn những thức ăn lạ bản thân chưa từng ăn. Bởi khi thí sinh ăn những đồ này dễ gây đau bụng ảnh hưởng đến sức khỏe.

- Ngoài ra thí sinh chuẩn bị vật dụng cần thiết trước khi vào phòng thi như: bút, giấy báo dự thi, thẻ dự thi, máy tính cầm tay…

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Điểm thi đại học năm 2018 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN