Méo mặt với học phí trường tư

Ngành giáo dục không có quy định cụ thể về tiền trường trong khối trường ngoài công lập, chỉ dừng ở mức “thỏa thuận” và thông báo nên năm nay, học phí của các trường tư thục, quốc tế tại Hà Nội lại tiếp tục cao ngất ngưởng.

Đến hẹn lại “nhảy múa”

Năm học 2013-2014, Hà Nội thông báo sẽ giữ nguyên mức học phí các trường công lập như năm trước, đồng thời ngành giáo dục cũng ráo riết thanh kiểm tra các khoản thu đầu năm, khiến cho các trường công lập dè dặt trong việc thu tiền. Tuy nhiên, đối với các trường ngoài công lập, việc tăng học phí và các khoản thu tiền trường là chuyện hiển nhiên vào mỗi dịp đầu năm học.

Theo TS Nguyễn Tùng Lâm, Chủ tịch Hội Khoa học Tâm lý - Giáo dục Hà Nội: “Học phí trường tư dựa trên thỏa thuận giữa phụ huynh và nhà trường. Việc tăng học phí ở trường ngoài công lập là hoàn toàn có cơ sở, bởi trong khi trường công lập được nhà nước đầu tư, hỗ trợ nhiều thứ còn trường tư thì phải tự lo liệu. Tuy nhiên, điều đáng nói là hiện nay vẫn chưa có cơ chế giám sát chất lượng và cam kết của nhà trường lúc tuyển sinh. Các trường hầu hết đều nói tốt, nhưng lúc học mới biết là chất lượng không phải lúc nào cũng đúng như thế”.

Đóng tiền đầu năm học cho cậu con trai học tại Trường tiểu học Đoàn Thị Điểm hết gần 18 triệu đồng, chị Thanh Ngọc (ngõ 85, Hạ Đình, Thanh Xuân) bần thần như “mất sổ gạo”. Chị Ngọc chia sẻ: “Đến đầu năm học là gia đình lại chạy đôn chạy đáo lo tiền học cho con. Dù biết là học trường tư tốn kém, nhưng tiền học thì cứ tăng hàng năm. Vừa rồi, tôi phải đóng học phí 3 tháng (mỗi tháng 3 triệu đồng), tiền ăn bán trú 1,4 triệu đồng, tiền xe đưa đón 850.000 đồng. Ngoài ra còn các khoản tiền khác như: cơ sở vật chất, bảo hiểm, đồng phục, sinh hoạt ngoại khóa...”.

Méo mặt với học phí trường tư - 1

Trong giờ học Tiếng Anh của Trường phổ thông Việt - Úc Hà Nội. Ảnh: V.U

Anh Mạnh Hùng (phường Tương Mai, quận Hai Bà Trưng) có con học tại Trường tiểu học Ngôi sao Hà Nội cho biết: “Đầu năm học nào tôi cũng phải đóng tiền phí hỗ trợ cơ sở vật chất 2 triệu đồng. Năm nay con lớn hơn, lại phải mua đồng phục mới giá 1,25 triệu đồng (gồm 2 bộ mùa hè, 1 bộ thể thao, 1 áo mùa đông), bảo hiểm thân thể 100.000 đồng, học phí 3 triệu đồng/tháng, tiền ăn 50.000 đồng/ngày, chăm sóc bán trú 400.000 đồng/tháng, lớp Tiếng Anh tăng cường 1,5 triệu đồng/tháng, xe đưa đón hơn 1 triệu đồng/tháng. Đấy là tôi chưa kể đến tiền quỹ lớp”.

Không riêng gì trường hợp anh Hùng, chị Ngọc, nhiều phụ huynh có con đang học các trường tư ở Hà Nội cũng đang “méo mặt” vì khoản học phí của con. Hầu hết các trường thường “ăn chắc” nên yêu cầu phụ huynh đóng khoản tiền gộp đầu năm khá lớn khiến không ít phụ huynh phải đi vay mượn lo tiền học cho con.

Trường “Tây” phí khủng

Trong số các trường ngoài công lập ở Hà Nội, tiền trường  “khủng” nhất là các trường quốc tế và trường có hệ song ngữ. Ví dụ như Trường phổ thông Việt - Úc Hà Nội, để vào trường, mỗi học sinh phải đóng phí dự tuyển 1-2 triệu đồng (tùy theo cấp học), phí giữ chỗ 10,5 triệu đồng. Mỗi học sinh phải đóng thêm: Quỹ hỗ trợ phát triển trường 7,5 triệu đồng/năm (tiểu học), 8,7 triệu đồng (THCS); Tiền ăn 16 triệu đồng/năm (tiểu học), 19,5 triệu đồng/năm (THCS); Tiền xe đưa đón 19 triệu đồng/năm (tiểu học), 21 triệu đồng/năm (THCS). Chưa kể, học sinh còn phải đóng thêm tiền đồng phục, sách giáo khoa, lệ phí thi nghề…

Méo mặt với học phí trường tư - 2

Các khoản thu trong năm của Trường phổ thông Việt - Úc  hệ bán quốc tế

Tương tự, Trường Hà Nội Academy (hệ đào tạo song ngữ) cũng có mức thu ngất ngưởng. Năm nay, để dự tuyển vào trường học sinh sẽ phải đóng tiền phí ghi danh 4,4 triệu đồng/lần, phí mua hồ sơ 66.000 đồng/bộ. Trong khi đó, học phí cấp tiểu học là 93 triệu đồng/năm; học phí THCS 106,6 triệu đồng/năm; phí phát triển trường: 8,8 triệu đồng/năm; đồng phục: 2,6 triệu đồng/bộ; sách giáo khoa và tài liệu chương trình quốc tế: 4,6-5,2 triệu đồng/năm (tùy theo cấp học); học phẩm: 2,8 triệu đồng/năm học; tiền ăn: 2-2,5 triệu đồng/tháng; tiền xe đưa đón từ 2,6-2,9 triệu đồng/tháng (theo kilomet)…

Thông thường, phụ huynh có con học trường tư đều là những gia đình có điều kiện kinh tế khá giả, nhưng không phải ai cũng vui vẻ trước sự “biến hóa” của tiền trường. Bởi, việc tăng học phí, thêm khoản thu ở một số trường tư hiện nay chưa có sự bàn thảo với phụ huynh học sinh, chỉ thông báo cho phụ huynh biết khi năm học mới bắt đầu. Dù không đồng tình, song nhiều phụ huynh do ngại chuyển trường cho con nên vẫn cố gắng tìm cách “xoay sở” để đóng góp.

Các quy định của ngành giáo dục hiện nay vẫn chưa có khung học phí cụ thể áp dụng cho trường ngoài công lập. Học phí trường ngoài công lập được xây dựng dựa trên cơ sở nhà trường và phụ huynh tự thỏa thuận. Nhà trường chỉ có trách nhiệm công khai mức học phí, công khai các khoản thu chi và cam kết về chất lượng... Đây cũng là kẽ hở để các trường ngoài công lập dựa vào để tăng học phí, tiền trường mỗi dịp đầu năm học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia đình xã hội)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN