Phụ huynh quyết định thu-chi ngoài ngân sách

“Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” có từ 7 đến 9 người, được thành lập ở mỗi trường học. Phụ huynh tham gia hội không chỉ có quyền giám sát mà còn có quyền quyết định các khoản thu chi ngoài ngân sách của nhà trường để đảm bảo mục tiêu giáo dục.

Đây là nội dung trong đề án “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” do Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội soạn thảo. Đề án đã nhận được sự đồng tình của Sở GD-ĐT Hà Nội.

Hiệu trưởng không được tham gia hội đồng giám sát

Từ tháng 10/2013 đến hết tháng 7/2014, “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” sẽ được thí điểm tại 5 trường học trên địa bàn quận Hoàng Mai, Hà Nội. Sau khi thí điểm thành công, hội đồng này sẽ được nhân rộng sang các địa phương, quận huyện trên địa bàn.

Đề án hội đồng giám sát được xây dựng đang được nhiều người dân kỳ vọng sẽ là một “liều thuốc mạnh” để chống lại lạm thu, vấn đề gây bức xúc cho nhiều cha mẹ học sinh đầu năm học.

T.S Nguyễn Tùng Lâm, người xây dựng đề án cho biết, “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” được tham gia trực tiếp vào các hoạt động thu chi, các khoản ngoài ngân sách của trường học. Hội đồng được quyền cùng bàn bạc với ban giám hiệu trường học, Hội phụ huynh tính toán về các khoản cần đóng góp đầu năm học; mức đóng góp từng khoản; việc chi bổ sung cho các hoạt động của trường…

Hội cũng xây dựng kế hoạch với hiệu trưởng và cùng chịu trách nhiệm về các khoản thu chi chứ không phải đối lập với nhà trường. Sau khi thống nhất, Hội đồng được quyền giám sát thực hiện thoả thuận của nhà trường.

Phụ huynh quyết định thu-chi ngoài ngân sách - 1

Phụ huynh không chỉ giám sát mà còn có quyền quyết định thu chi đầu năm học,
ảnh minh họa, ảnh Đức Nguyễn.

“Hội đồng giám sát cộng đồng trong trường học sẽ “trao quyền” cho phụ huynh, nhưng không chỉ là giám sát mà còn có quyền quyết định các khoản thu chi ngoài ngân sách. Hiệu trưởng và giáo viên các trường không được tham gia hội này mà chỉ là những người đứng ra giải trình khi hội giám sát phát hiện ra lạm thu”, T.S Lâm nói.

T.S Lâm cho biết, hiện nay ở các trường học đều có ban đại diện cha mẹ học sinh, ban này tham gia giám sát chất lượng giáo dục trường học và các khoản thu chi trong năm học. Tuy nhiên, ban này đang bị “biến tướng” trở thành cánh tay đắc lực của nhà trường trong việc thu khoản ngoài ngân sách. Nhiều phụ huynh dù bức xúc về các khoản thu nhưng vì con em họ học trong trường nên họ không dám ý kiến.

“Để ban này hoạt động hiệu quả, Bộ GD-ĐT đã ban hành cả điều lệ hoạt động để tạo hành lang pháp lý cho tổ chức này hoạt động. Nhưng dường dư ban này vẫn bị “điều khiển” bởi nhà trường, nhiều phụ huynh vẫn biết một số khoản đóng góp của con em mình là lạm thu nhưng không dám nói”, TS Lâm chia sẻ.

Tiêu chí để chọn thành viên cho hội phải là những người có trình độ, năng lực, tâm huyết với giáo dục. Hội sẽ được thành lập ở mỗi trường học, gồm từ 7 đến 9 người. Những người tham gia hội chính là phụ huynh, thành viên ở Hội Cựu chiến binh, Hội Người cao tuổi, Hội Phụ nữ, Hội Khuyến học...ở mỗi địa phương. Họ là những người không có dính dáng gì đến lợi ích của nhà trường.

Phụ huynh sẽ bớt “đau đầu” về khoản thu chi

Theo TS. Lâm, khi hội đồng làm đúng chức năng, nhiệm vụ thì sẽ giảm được lạm thụ đầu năm học. Bởi trước đây, phụ huynh chỉ trông chờ vào ban phụ huynh của trường làm rõ các vấn đề lạm thu. Nhưng ban này lại bị hiệu trưởng chi phối, đẩy lên làm “bù nhìn” liên quan các khoản thu đầu năm. Đại diện ban phụ huynh nói đóng bao nhiêu tiền thì các phụ huynh khác đều phải nghe theo. Do vậy, nhiều người vẫn cứ nộp tiền và vẫn cứ kêu mà không dám lên tiếng bởi con em học mình còn học ở trường.

Còn khi có “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học”, hiệu trường đề xuất khoản tiền thu chi, thành viên hội đồng giám sát sẽ thẩm định xem nhà trường làm có đúng không. Thậm chí, khi thu các khoản thu chi ngoài ngân sách thì ngoài chữ ký của hiệu trưởng bên cạnh vẫn phải có chữ ký của thành viên hội đồng giám sát.

“Tức là quy trình của hội chặt chẽ hơn, khi thu bất cứ khoản thu nào, thành viên của hội phải công khai với cha mẹ học trước. Nếu phụ huynh nhất trí đồng thuận thì thành viên của hội đồng giám sát sẽ cùng với nhà trường ký văn bản thu, chi. Như vậy phụ huynh sẽ không còn lo khoản tiền mình đóng góp bị sử dụng sai mục đích”, TS Lâm nói.

Hội khuyến học của từng địa phương sẽ là người giám sát hoạt động của “Hội giám sát cộng đồng trường học”. Hội khuyến học sẽ đi tìm hiểu Hội cựu giáo chức, Hội cựu chiến binh xem ai là người có năng lực chọn lấy 4 người cho mỗi trường để tham gia hội giám sát. Hội khuyến học đề nghị với Ủy ban mặt trận tổ quốc ở từng địa phương, quận huyện ra quyết định công nhận “Hội đồng giám sát cộng đồng trường học” và tổ chức này sẽ tổ chức buổi họp đầu tiên để bầu chủ tịch, phó chủ tịch và thực hiện quy chế của hội.

Khi phát hiện ra sai sót về vấn đề lạm thu, thành viên hội giám sát sẽ họp và nói với hiệu trưởng để sửa sai. Nếu hiệu trưởng không sửa được thì hội đồng giám sát sẽ báo lên phòng giáo dục cấp quận huyện, để đơn vị này có biện pháp xử lý.

Theo TS. Lâm, trong trường hợp cả “hội đồng giám sát cộng đồng trường học” và hiệu trưởng “câu kết” với nhau để xảy ra vấn đề lạm thu, phụ huynh phát hiện sẽ tố giác lên phòng giáo dục quận huyện. Đơn vị này sẽ có trách nhiệm xử lý nặng cả hội đồng giám sát và hiệu trưởng.

“Điểm khác biệt lớn nhất của hội đồng giám sát, hội đồng này ngoài tham gia vào hoạt động thu chi, còn có quyền tham gia phân bổ tài chính dân đóng góp để đảm bảo chất lượng dục và giám sát xem nhà trường có làm đúng mục tiêu không. Hội đồng giám sát không bị ai điều khiển, không phải là bù nhìn”, TS Lâm cho hay.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đức Nguyễn ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN