Lùm xùm 'Tiếng Anh liên kết': Liệu phụ huynh có tự nguyện?

Sự kiện: Giáo dục

Nhiều trường mầm non đến THCS ở Hà Nội lâu nay triển khai chương trình Tiếng Anh liên kết trên tinh thần tự nguyện. Tuy nhiên, không ít phụ huynh bức xúc vì thực tế hai từ “tự nguyện”chỉ là trên danh nghĩa. Thậm chí, có trường còn triển khai cùng lúc hai chương trình liên kết để mời chào học sinh tham gia, trong khi chất lượng và hiệu quả không ai kiểm soát.

Lùm xùm 'Tiếng Anh liên kết': Liệu phụ huynh có tự nguyện? - 1

Đơn của các phụ huynh phản ảnh chương trình Tiếng Anh liên kết không hiệu quả. ảnh: N.H

“Mẹ nên cho con học để đảm bảo 100% quân số”

Chị Nguyễn Thị Hải Miên, phụ huynh có con đang là học sinh lớp 3 của một trường ở quận Long Biên phản ánh bức xúc, lớp 3, con bắt đầu được học chương trình Tiếng Anh của Bộ GD&ĐT. Trong khi đó, từ lớp 1, nhà trường đã triển khai chương trình tiếng Anh liên kết Language link và chương trình Tiếng Anh song ngữ. Như vậy, cùng lúc con phải học cả 3 chương trình tiếng Anh. Mỗi chương trình là một giáo trình, giáo viên khác nhau. Điều phụ huynh này không muốn cho con theo học chương trình liên kết nữa là bởi, sau hơn 2 năm học, năng lực tiếng Anh của con không hề được cải thiện.

Lùm xùm 'Tiếng Anh liên kết': Liệu phụ huynh có tự nguyện? - 2

Lùm xùm 'Tiếng Anh liên kết': Liệu phụ huynh có tự nguyện? - 3

Đơn của các phụ huynh phản ảnh chương trình Tiếng Anh liên kết không hiệu quả. ảnh: N.H

Theo chị Miên, ban đầu, chị nghĩ con mình không hứng thú với môn học nên học không tốt, tuy nhiên, khi đem vấn đề phản ánh lên nhóm kín của lớp thì nhiều phụ huynh khác cũng chia sẻ tình trạng tương tự ở con họ. Chị Miên cho rằng, nhu cầu học tiếng Anh của con là có thật nhưng cùng lúc phải học 3 chương trình sẽ chồng chéo, không hiệu quả trong khi số tiền gia đình phải đóng hàng tháng lên hơn 1 triệu đồng/tháng. Cụ thể, học phí học chương trình tiếng Anh liên kết Language Link một tháng 660.000 đồng; học phí chương trình liên kết Song ngữ 400.000 đồng/tháng. “Trong khi cấp tiểu học học phí miễn nhưng tiền học liên kết lên tới hơn 1 triệu mà không hiệu quả thì phụ huynh không mong muốn”, chị Miên nói.

Đầu năm học này, nhiều phụ huynh của Trường tiểu học Khu đô thị Việt Hưng, huyện Gia Lâm (Hà Nội) gửi đơn lên ban giám hiệu nhà trường xin được ngừng học chương trình tiếng Anh liên kết và chương trình song ngữ liên kết sau 2-3 năm học vì cho rằng không hiệu quả.

Một phụ huynh của lớp 3A6 trình bày trong đơn như sau: “Con đã theo học chương trình tiếng Anh liên kết Language Link và chương trình Song ngữ từ khi bắt đầu vào học năm lớp 1. Tuy nhiên, sau hai năm học chương trình liên kết, gia đình nhận thấy, học lực của con không cải thiện, con cũng không hứng thú với môn học cũng như cách dạy học của chương trình. Gia đình cam kết con giữ kỷ luật trong thời gian các tiết trống đó”.

Một trường hợp khác cũng phản ánh tới Tiền Phong câu chuyện học chương trình tiếng Anh liên kết ép buộc mang mác “tự nguyện”. Đó là câu chuyện của chị Nguyễn Hà Linh, có con đang theo học một trường mầm non ở quận Hoàng Mai (Hà Nội). Sau gần 3 năm học chương trình liên kết, đầu tháng 10/2018, chị Linh trao đổi với giáo viên để xin phép cho con rút khỏi danh sách học tiếng Anh liên kết ở trường. Lý do chị Hà Linh đưa ra là, con chị đã được gia đình đăng ký học ở Trung tâm ngoài với mức phí gần 40 triệu đồng/ năm nên không muốn theo học chương trình liên kết ở trường nữa.

Phụ huynh này cho rằng, từ khi con 2 tuổi, nhà trường triển khai chương trình dạy học tiếng Anh liên kết chị đều đăng ký cho con. Khi đó, con học chương trình Eduplay. Tuy nhiên, sau hơn 3 năm ròng rã, con vẫn không nói được câu đơn giản nào. Sốt ruột, chị phải đăng ký đầu tư bài bản ở một trung tâm lớn để mong cải thiện tình hình ngoại ngữ. Sau đó, trường họp phụ huynh xin ý kiến về việc đổi sang chương trình language Link với mức học phí tăng từ 450.000 đồng (Eduplay) lên 600.000 đồng.

Nhưng điều khiến chị Linh bất ngờ là khi xin được nghỉ, cô giáo của lớp đã thuyết phục đủ mọi nhẽ để phụ huynh không hủy chương trình. Chị Linh nói, chị cảm thấy ái ngại khi cô cho rằng: “Mẹ nên cho con học để đảm bảo 100% quân số nếu không trường sẽ phải hủy bỏ chương trình này. Mong mẹ hợp tác để lớp được hoàn thành chương trình như đã thống nhất trong cuộc họp phụ huynh”. 

Các hiệu trưởng nói gì?

Bà Nguyễn Thị Hằng Nga, Hiệu trưởng Trường tiểu học đô thị Việt Hưng cho biết, thực hiện việc nâng cao năng lực ngoại ngữ cho học sinh nên ngay từ lớp 1, trường đã đưa chương trình vào dạy học. Để có sự lựa chọn, trường đăng ký liên kết với hai trung tâm để phụ huynh có sự lựa chọn trên tinh thần tự nguyện. Cũng có nhiều phụ huynh đăng ký cùng lúc cả hai chương trình. Cũng theo bà Nga, cứ đầu mỗi năm học, nhà trường giới thiệu chương trình Tiếng Anh liên kết với các trung tâm cho phụ huynh.

Cụ thể, trường triển khai hai chương trình liên kết cùng lúc là chương trình Langguage Link và chương trình Song ngữ học Toán và môn Khoa học bằng tiếng Anh. Bà Nga tiết lộ, năm học 2017-2018, trường có 1.468 học sinh thì có 960 em đăng ký học chương trình liên kết này. Trong quá trình triển khai, phụ huynh nào cảm thấy không có nhu cầu học nữa thì được nhà trường hướng dẫn làm đơn xin nghỉ, nhà trường đều duyệt cho học sinh đó nghỉ.

Tuy nhiên bà Nga thừa nhận, trước khi triển khai chương trình tiếng Anh liên kết, nhà trường không khảo sát lấy ý kiến phụ huynh mà dựa vào kinh nghiệm của mình, thấy trung tâm nào hiệu quả thì lựa chọn. Nhưng khi nhiều phụ huynh cùng lúc gửi đơn xin rút vì không hiệu quả, bà Nga cho biết năm tới sẽ lấy ý kiến phụ huynh về các chương trình liên kết để có sự đồng thuận.

Ngược lại, bà Nguyễn Thị Vân Hồng, Hiệu trưởng Trường THCS Lê Lợi, Hoàn Kiếm (Hà Nội) chia sẻ, trường không thực hiện dạy học liên kết vì đa số học sinh không có tiền. Khi khảo sát học sinh, bà thấy học sinh không mặn mà với chương trình liên kết nên bà quyết định không triển khai. Ngoài ra, bà Vân Hồng cũng cho rằng, điều khiến bà không tin tưởng việc dạy học với trung tâm liên kết là, khi đến giới thiệu, bà xin giá học thấp nhất thay vì chiết khấu, các trung tâm đều từ chối vì đã có mức giá chung.

Hiệu trưởng trường tiểu học ở quận Thanh Xuân cũng cho biết, lâu nay vẫn liên kết dạy học ngoại ngữ với một trung tâm. Vì đã quen với trung tâm này nên cũng không có ý định thay đổi liên kết với trung tâm khác, hoặc có trung tâm mời chào nhưng giá cao, không phù hợp với nhu cầu của phụ huynh, học sinh nên nhà trường không liên kết.

Hiệu trưởng này cũng chia sẻ cách làm lâu nay của nhà trường là đầu tháng 9 mỗi năm học, trung tâm sẽ vào dạy thử cho học sinh khóa mới 1 tháng hoàn toàn miễn phí. Nếu phụ huynh đồng thuận thì đăng ký cho con, không thì thôi. Tuy nhiên, trường có 2.200 học sinh với 37 lớp thì đa số học sinh đều đăng ký học chương trình liên kết, mỗi lớp chỉ có từ 1-3 em không học, trường đành phân công giáo viên đưa các em lên… thư viện đọc sách.

Liên quan đến quản lý chất lượng, trao đổi với PV, nhiều hiệu trưởng đều thừa nhận, ở lứa tuổi mẫu giáo và lớp 1,2 học sinh mới chỉ dừng lại ở mức độ làm quen ngoại ngữ, giúp học sinh được tiếp xúc với giáo viên nước ngoài. Còn hiệu quả thực sự sau mỗi năm học, khó có thể đánh giá, đặc biệt là độ tuổi mầm non.

Vì sao đầu tư nhiều, điểm tiếng Anh vẫn quá thấp?

Trong kỳ thi THPT quốc gia 2018, hơn 78% bài thi tiếng Anh có điểm dưới trung bình. Trước đó, trong kỳ thi lớp 10 tại TP HCM,...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN