Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Thi cả 9 môn sẽ là “con dao 2 lưỡi”?

Dự thảo quy chế thi THPT Quốc gia năm 2017 do Bộ GD&ĐT ban hành sẽ được đưa ra trưng cầu ý kiến xã hội. Dự thảo này có nhiều điểm đổi mới so với kỳ thi năm trước, theo đó thí sinh sẽ được làm tổng cộng 5 bài thi, nếu tính môn thi riêng rẽ sẽ phải học và thi cả 9 môn.

Kỳ thi THPT Quốc gia 2017: Thi cả 9 môn sẽ là “con dao 2 lưỡi”? - 1

Dự kiến, Kỳ thi THPT Quốc gia 2017 thí sinh được lựa chọn thi cả 9 môn thi. Ảnh minh họa: Q.Anh

Được lựa chọn tất cả môn thi

Chiều 6/12, Bộ GD&ĐT cho biết, Bộ đã công bố Dự thảo quy chế Kỳ thi THPT Quốc gia 2017. Theo Dự thảo, kỳ thi sẽ tổ chức thi 5 bài: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ, Khoa học Tự nhiên (gồm Vật lí, Hóa học, Sinh học) và Khoa học Xã hội (gồm Lịch sử, Địa lí, Giáo dục công dân) đối với giáo dục phổ thông trung học; tổ hợp các môn Lịch sử, Địa lý đối với giáo dục thường xuyên. Để xét công nhận tốt nghiệp, thí sinh hệ THPT phải dự thi 3 bài thi bắt buộc: Toán, Ngữ văn, Ngoại ngữ và 1 bài tự chọn trong số 2 bài thi Khoa học Tự nhiên (KHTN) hoặc Khoa học Xã hội (KHXH). Thí sinh được chọn dự thi cả 2 bài thi KHTN và KHXH, điểm bài nào cao hơn sẽ được tính để xét công nhận tốt nghiệp.

Dù chưa phải là quy chế chính thức, song Dự thảo của Bộ GD&ĐT về kỳ thi THPT Quốc gia 2017 thu hút được sự quan tâm của các trường học, phụ huynh và học sinh. Theo đánh giá của một số phụ huynh, Dự thảo đã chi tiết hơn về kỳ thi sắp tới, những thay đổi so với kỳ thi năm trước nhiều khả năng sẽ tạo điều kiện hơn cho thí sinh dự thi. Nhất là việc được tự do đăng ký môn tự chọn, thậm chí có thể thi cả hai môn tự chọn để lấy kết quả cao nhất phục vụ xét tốt nghiệp và xét tuyển vào ĐH, CĐ.

Tuy nhiên, cũng không ít ý kiến bày tỏ lo lắng: nếu lựa chọn thi cả KHTN và KHXH, như vậy sẽ phải thi tổng cộng 9 môn. Lê Sơn Tùng, học sinh lớp 12 ở quận Hoàng Mai, Hà Nội chia sẻ: “Việc xây dựng tổ hợp môn với khá nhiều môn thi theo hình thức trắc nghiệm cũng khiến học sinh chưa biết phải học, ôn tập ra sao. Bây giờ nếu chọn cả 2 môn tự chọn, thi 9 môn chắc chắn không thể học được. Một số trường đại học lấy tổ hợp môn xen kẽ tự nhiên và xã hội, nên nếu không thi sẽ lỡ cơ hội. Mà đăng ký thi hết chắc chắn không thể ôn được”.

Theo đánh giá của TS Phạm Mạnh Hà, Phó trưởng Khoa Công tác thanh niên (Học viện Thanh thiếu niên Việt Nam) cho rằng, việc thí sinh được đăng ký nhiều môn thi, cơ hội có thể mở hơn, nhưng sẽ khó đảm bảo để “ôm” hết được các môn. “Thí sinh cần thận trọng bởi càng thi nhiều môn càng phải phân phối thời gian, sức lực để học ôn. Những đợt tư vấn tuyển sinh gần đây cho thấy học sinh hỏi nhiều về sức khỏe, điều này cho thấy xu hướng các em học nhiều hơn, áp lực hơn. Do đó, thi môn nào cần phải có quyết định sáng suốt cho các môn mình học được, dành thời gian cho môn đó mới có kết quả thi tốt”, TS Phạm Mạnh Hà chia sẻ.

Chỉ Ngữ văn là thi tự luận

Theo Dự thảo, nội dung đề thi năm 2017 nằm trong chương trình lớp 12; năm 2018, nội dung thi nằm trong chương trình lớp 11 và lớp 12. Từ năm 2019 trở đi, nội dung thi nằm trong chương trình cấp THPT. Về đăng ký dự thi, thí sinh đang học THPT đăng ký dự thi tại trường phổ thông nơi học lớp 12. Thí sinh tự do đăng ký tại địa điểm do Sở GD&ĐT quy định. Thời gian nộp Phiếu đăng ký dự thi được quy định trong văn bản hướng dẫn tổ chức thi hằng năm của Bộ GD&ĐT.

Đối với chấm thi tự luận, năm nay chỉ có môn Ngữ văn là bài thi tự luận. Cán bộ sẽ chấm theo barem điểm của Bộ với thang điểm 10 và lấy đến 0,25 không quy tròn điểm. Các phiếu trả lời trắc nghiệm của thí sinh đều phải được chấm bằng máy với cùng một phần mềm chuyên dụng. Tổ xử lý bài thi trắc nghiệm tiến hành chấm điểm và quy đổi điểm bằng máy tính sang thang điểm 10, làm tròn đến hai chữ số thập phân cho từng bài thi trắc nghiệm. Thống nhất sử dụng mã môn thi trong các tệp dữ liệu theo quy định của Bộ GD&ĐT.

Theo Dự thảo, mỗi thí sinh được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Để xét tuyển sinh ĐH, CĐ, thí sinh đã tốt nghiệp THPT phải dự thi các bài thi và các môn thành phần của bài thi KHTN, KHXH, phù hợp với tổ hợp bài thi, môn thi xét tuyển vào ngành, nhóm ngành theo quy định của các trường ĐH, CĐ. Mỗi tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tổ chức một cụm thi do Sở GD&ĐT chủ trì, dành cho tất cả các thí sinh đăng ký dự thi tại tỉnh.

Bộ GD&ĐT cho biết, Dự thảo quy chế thi THPT Quốc gia 2017 lấy ý kiến đóng góp rộng rãi đến ngày 1/1/2017. Sau đó, Bộ tiếp tục xem xét, điều chỉnh cho phù hợp trước khi công bố quy chế thi chính thức.

Theo Dự thảo Quy chế thi THPT năm 2017, có một điểm mới đáng chú ý là thí sinh tự do đã tốt nghiệp THPT được xếp phòng thi riêng ở một hoặc một số điểm thi do Giám đốc Sở GD&ĐT quyết định. Thí sinh GDTX được bố trí phòng thi riêng khi dự thi bài thi KHXH. Sau khi chấm và công bố điểm, mỗi thí sinh được cấp 1 giấy chứng nhận kết quả thi với mã số xác định duy nhất. Thí sinh dùng kết quả để có thể tham gia xét tuyển vào các trường ĐH, CĐ.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quang Anh (Gia đình & Xã hội)
Kỳ thi tốt nghiệp THPT Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN