Kỷ luật trường học: Nên hà khắc hay nghiêm minh?

Sự kiện: Giáo dục

Sau khi bị phụ huynh “tố” Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh có lối giáo dục, kỷ luật hà khắc, mới đây hiệu trưởng trường này đã ký bản nội quy gồm 11 điều. Trong đó, một số quy định cứng như: Nam sinh không được để tóc dài, nữ sinh không để những kiểu đầu thời trang, không nhuộm tóc, không lên facebook nói xấu bất cứ ai…

Kỷ luật trường học: Nên hà khắc hay nghiêm minh? - 1

Hiểu rõ nội quy, hàng năm vẫn có hàng nghìn phụ huynh mong muốn có một suất học trường Lương Thế Vinh cho con

Không học sinh nào bị hạ hạnh kiểm

Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) do PGS Văn Như Cương sáng lập vốn là nơi đào tạo nhiều thế hệ học sinh giỏi cũng như là ngôi trường có tiếng về tính kỷ luật cao. Trong trường, thầy Cương cho treo khẩu hiệu: “Tiên học lễ, hậu học văn” đồng thời đưa ra nhiều quy định khá nghiêm cho học sinh.

Cách đây ít năm, khi trào lưu chơi facebook nở rộ, trong đó không thể không có học sinh, trường Lương Thế Vinh đã ra nội quy gồm 4 điều cấm kỵ liên quan. Cụ thể, không được nói tục, chửi bậy; Không dùng facebook để nói xấu bất cứ ai; Chỉ like status khi đã đọc kỹ nội dung; Tuyệt đối, không được để bạn bè hiểu lầm khi đọc status... Hay như, học sinh đến trường phải tắt điện thoại, không mang theo máy nghe nhạc, không la cà quán hàng, tuyệt đối không vào quán chơi điện tử trước và sau giờ học, không nhuộm tóc thời trang…

Mới đây, một phụ huynh học sinh viết tâm thư “tố” giáo viên chủ nhiệm của trường kỷ luật “hà khắc, thiếu tình người”. Theo phụ huynh này, chỉ cần học sinh đi muộn 5 phút là “chết với cô”; bản kiểm điểm nhiều như bươm bướm…khiến học sinh, phụ huynh căng thẳng, lo sợ.

Thầy Văn Như Cương cho biết, trong bối cảnh đó, trường vừa ký bản nội quy phổ biến lại để nhắc nhở học sinh. Theo thầy Cương, nội quy trường đưa ra không hề hà khắc mà là nghiêm minh để rèn giũa học sinh nhưng cũng rất bao dung.

Thầy ví dụ, quy định, học sinh đi học không quẹt thẻ quá 3 buổi/ kỳ sẽ bị hạ một bậc hạnh kiểm của kỳ đó nghe có vẻ rất rắn nhưng trên thực tế 3-4 năm nay không có một học sinh nào bị hạ hạnh kiểm. “Quy định cứng để răn đe học sinh. Học sinh không quẹt thẻ nghĩa là em trốn học, bỏ học và giáo viên có trách nhiệm phải báo cho phụ huynh được biết. Còn học sinh không quẹt thẻ vì quên thẻ thì phải báo cáo lý do và không bị xử lý gì cả”, ông Cương nói.

Theo thầy Cương, nhiều gia đình hiện nay quá chiều chuộng con, không cho con động tay động chân vào bất cứ việc gì nên khi biết con phải viết bản kiểm điểm, phải nhổ cỏ, quét sân là xót xa. Còn nhà trường có quan điểm, học trò mắc lỗi phải lao động công ích là để trẻ biết giá trị của lao động và ghi nhớ để không mắc lỗi lần sau.

Nguyễn Thành Vinh, một cựu học sinh Trường THPT Lương Thế Vinh chia sẻ: “Nhiều người cho rằng, kỷ luật là cái gì đó ghê gớm nhưng chính nhờ kỷ luật học sinh mới vào nề nếp. Khi vi phạm lỗi như ngủ gật, muộn giờ bị thầy cô phạt có thể sẽ ấm ức đôi chút nhưng sau này trưởng thành hơn lại thấy nhờ đó mà bản thân phải cố gắng hơn, nghiêm túc hơn. Điều này rất tốt cho việc tạo thói quen về sau”.

Không nên kỷ luật áp đặt

Thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội Tâm lý giáo dục Hà Nội cho rằng, tùy theo phương châm giáo dục của mỗi trường để ra nội quy, quy định. Tuy nhiên, tính kỷ luật là điều cần thiết nên có để rèn luyện học sinh. Ví dụ, một học sinh bỏ tiết, trốn học hôm nay bị cô giáo nhắc nhở, kỷ luật lần sau em đó sẽ không dám làm nữa. Nếu không có kỷ luật học sinh sẽ thích làm gì thì làm.

Mà như vậy, không còn gọi là giáo dục, dạy dỗ học sinh. Tuy nhiên, giáo dục, kỷ luật cũng phải có phương pháp, không được áp đặt học sinh. Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, đôi khi trường đưa ra quy định cứng nhưng người giáo viên có vai trò rất quan trọng trong việc áp quy định lên học sinh. Giáo viên phải biết nắm bắt tâm lý học sinh để xử lý chứ không được kỷ luật áp đặt.

Thầy Lâm cho biết, nếu kỷ luật áp đặt sẽ khiến học sinh luôn ở trong tâm trạng lo lắng, căng thẳng. Nếu học sinh cá tính, có thể phản ứng lại thầy cô. Ngược lại, một số học sinh khi bị khiển trách, kỷ luật sẽ tự thu mình lại, tự ti có thể dẫn đến bị trầm cảm.

Hiệu trưởng một trường THPT chung quan điểm, trong môi trường giáo dục, kỷ luật là rất cần thiết nhưng trước hết phải có sự thấu hiểu. Bởi, trường học không phải trại lính, học sinh ở độ tuổi THPT đâu đó, có lúc còn ham chơi, hay quên nên sẽ có lúc đi muộn, có lúc ngủ gật, có lúc nói chuyện riêng trong giờ học... Nếu không có sự du di, bao dung sẽ khiến môi trường học cực kỳ căng thẳng. 

Theo thầy Nguyễn Tùng Lâm, Hiệu trưởng Trường THPT dân lập Đinh Tiên Hoàng, Chủ tịch Hội tâm lý giáo dục Hà Nội, đôi khi trường đưa ra quy định cứng nhưng người giáo viên có vai trò rất quan trọng trong việc áp quy định lên học sinh. Giáo viên phải biết nắm bắt tâm lý học sinh để xử lý chứ không được kỷ luật áp đặt.

Giáo viên bị kỷ luật vì dạy thêm: Đừng coi chúng tôi như tội phạm

“Đừng coi những giáo viên dạy thêm là tội phạm. Rình rập, tố giác... giáo viên dạy thêm? Thật đau lòng, chúng tôi...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Hà
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN