Không phải tiền bạc, đây là 7 thứ mà cha mẹ nên trao cho con để đảm bảo một tương lai sáng lạn

Sự kiện: Dạy con

Những cách giáo dục khác nhau của cha mẹ sẽ tạo ra cuộc đời khác nhau cho các con.

Sinh con đã khó, nuôi dạy con còn khó hơn. Bất kỳ cha mẹ nào cũng mong muốn con mình lớn lên sẽ có tương lai xán lạn. Nhưng ít ai biết rằng, cách giáo dục của cha mẹ sẽ phần nào quyết định sự thành công hay lụi bại của con trong tương lai.

Một nghiên cứu đã chỉ ra rằng, trong mỗi đứa trẻ đều tiềm tàng hình bóng của nhân tài. Song sống trong môi trường có cách giáo dục khác nhau sẽ khiến phần đời của các con không giống nhau. Hầu hết người thành công đều được cha mẹ trang bị cho những điều này:

1. Khích lệ sự sáng tạo, ham học hỏi của con

Hãy cho con thoả sức làm những điều bản thân mong muốn. Ảnh minh họa

Hãy cho con thoả sức làm những điều bản thân mong muốn. Ảnh minh họa

Trẻ em có tư duy đơn giản và vô cùng sáng tạo, chỉ cần trông thấy một bông hoa nhỏ ven đường là chúng có thể tưởng tượng, trình bày ra nhiều ý nghĩa khác nhau.

Nếu chúng bị bố mẹ áp đặt theo kiểu giáo dục khuôn mẫu sẽ làm hạn chế khả năng sáng tạo. Trẻ làm mọi thứ một cách máy móc, làm theo đúng đáp án có sẵn. Lúc này trẻ sẽ rơi vào tâm lý chán nản, hoang mang, lo lắng nếu làm sai sẽ bị bố mẹ và giáo viên khiển trách.

Ngược lại, những đứa trẻ thoả sức sáng tạo sẽ phát huy tối đa được năng lực bản thân. Mặc dù kết quả của những ý tưởng táo bạo có thể kỳ lạ, thậm chí là có phần thái quá nhưng quá trình này thú vị, ấn tượng hơn là những đáp án rập khuôn. Hơn nữa, khi trẻ suy nghĩ theo nhiều chiều hướng khác nhau cũng giúp nâng cao khả năng tư duy, ứng xử tình huống.

Vì thế, cha mẹ không nên hạn chế, áp đặt con trong suy nghĩ và hành động. Hãy cho con thoả sức làm những điều bản thân mong muốn. Hãy động viên, khích lệ sự sáng tạo, ham học hỏi của con.

2. Dạy con làm việc nhà

Cho trẻ làm việc nhà sẽ giúp con nhận ra trong cuộc sống, mình cần phải làm việc. Ảnh minh họa

Cho trẻ làm việc nhà sẽ giúp con nhận ra trong cuộc sống, mình cần phải làm việc. Ảnh minh họa

Những việc như cắt cỏ, dọn rác, rửa bát có thể mang lại thành công sau này cho trẻ.

"Cho trẻ làm việc nhà sẽ giúp con nhận ra trong cuộc sống, mình cần phải làm việc", Julie Lythcott-Haims, cựu Trưởng khoa tại ĐH Stanford, Mỹ, tác giả cuốn How to Raise an Adult, chia sẻ trên Tech Insider.

Tuy nhiên, khi yêu cầu làm việc nhà, phụ huynh nên tỏ ra nghiêm khắc nhưng không độc đoán, nhằm giúp con trưởng thành trong môi trường tôn trọng quyền lực mà không cảm thấy bị áp bức.

3. Dạy con các kỹ năng xã hội

Để tìm ra mối tương quan giữa việc trẻ thành thạo kỹ năng xã hội ở tuổi mẫu giáo và sự thành công ở tuổi trưởng thành, các nhà tâm lý học thuộc trường Đại học Bang Pennsylvania và Đại học Duke (Mỹ) đã thực hiện nghiên cứu kéo dài 20 năm, theo dõi 700 trẻ em tại Mỹ.

Nghiên cứu này cho thấy, những đứa trẻ có năng lực xã hội sẽ biết cách hợp tác, giúp đỡ người khác mà không cần người khác nhắc nhở. Bên cạnh đó, các em cũng biết tự giải quyết vấn đề, tự lập và có khả năng tốt nghiệp đại học, tìm được việc làm ổn định. Thậm chí họ có thể "phất lên" hơn thế và đó chỉ là điều sớm muộn.

Cha mẹ có thể dạy con các kỹ năng xã hội thông qua việc giao tiếp hàng ngày với bé. Các phát hiện cho thấy, việc trò chuyện với trẻ khi còn nhỏ (nhất là giai đoạn 4 - 6 tuổi) sẽ giúp con phát triển, bồi dưỡng và cải thiện một trong những kỹ năng quan trọng nhất, góp phần đem đến thành công trong cuộc sống đó là giao tiếp. Giỏi kỹ năng này đều là những người đàm phán tuyệt vời, vừa mang lại giá trị cho người khác, vừa tăng nguồn lợi cho mình.

Những cuộc trò chuyện với con không cần nhồi nhét kiến thức sâu sắc mà chỉ cần mang tính đối thoại, tương tác.

4. Trang bị cho con sự tự tin

Bạn phải để các con tự đưa ra quyết định và ủng hộ sự lựa chọn của chúng. Ảnh minh họa

Bạn phải để các con tự đưa ra quyết định và ủng hộ sự lựa chọn của chúng. Ảnh minh họa

Tự tin là tin tưởng vào năng lực, phẩm chất và sự phán đoán của bản thân. Phát triển sự tự tin là tạo nền tảng cho một cuộc sống thành công. Theo các nghiên cứu tâm lý học, sự tự tin bắt nguồn từ việc chúng ta nhận thức được giá trị của bản thân cả bên trong lẫn bên ngoài.

Giá trị bên ngoài bao gồm: diện mạo, sự công nhận của người khác và thành tích học tập hay làm việc. Giá trị bên trong bao gồm tấm lòng nhân hậu, nhân cách và phẩm chất đạo đức tốt. Trẻ em là lứa tuổi dễ dàng nhận thức được bản thân hơn do chúng còn nhỏ, được bao bọc bởi những người thân trong gia đình (những người sẽ dạy dỗ chúng đạo đức, nguyên tắc) và chưa tiếp xúc nhiều với xã hội bên ngoài như độ tuổi thanh thiếu niên. Vì vậy, chúng dễ dàng học hỏi được những kinh nghiệm từ thế hệ trước để thành công.

Việc kinh doanh có thành công hay không còn phụ thuộc một phần vào động lực bên trong của con người. Đó là niềm tin vào những ý tưởng, khả năng của bản thân để vượt qua mọi trở ngại và xây dựng những mối quan hệ tốt đẹp trong kinh doanh và cuộc sống.

Vậy làm thế nào để bạn truyền dạy sự tự tin cho con bạn? Hãy trở thành một tấm gương tốt, luôn thấu hiểu và khuyến khích những ý tưởng của con cái. Bạn phải để các con tự đưa ra quyết định và ủng hộ sự lựa chọn của chúng. Cho dù bạn cho rằng đây không phải là quyết định sáng suốt thì hãy cứ để con bạn suy nghĩ về những ý tưởng và cố gắng thực hiện. Tự rút ra được bài học từ những kinh nghiệm (không được truyền dạy) là chìa khóa trong việc phát triển các kỹ năng giải quyết vấn đề và tự tin vào bản thân.

5. Tạo kỳ vọng cao về học vấn

Nghiên cứu của ĐH Michigan cho thấy nếu muốn con vào đại học, phụ huynh cần trở thành hình mẫu tốt bằng cách bản thân họ cũng có bằng cấp. Sau đó, họ có thể nói với con về kỳ vọng muốn con học lên cao.

"Cha mẹ mong muốn con vào đại học sẽ nỗ lực cho trẻ theo học bất kể thu nhập và điều kiện kinh tế của gia đình ra sao", Neal Halfon, giáo sư ĐH California ở Los Angeles, Mỹ, kết luận sau khi nghiên cứu dữ liệu từ 6.600 người sinh năm 2001.

6. Khuyến khích con làm điều mình thích

Cha mẹ hãy dạy con biết cách giải quyết mọi vấn đề ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh minh họa

Cha mẹ hãy dạy con biết cách giải quyết mọi vấn đề ngay từ khi còn nhỏ. Ảnh minh họa

"Điều kỳ diệu của cuộc sống là sự tự tin được dẫn dắt bởi ước mơ của con trẻ". Khi con được làm những gì mình thích, chúng sẽ phát huy tối đa năng lượng.

Có rất nhiều ví dụ về những người thành công khi họ được làm về đam mê, sở thích của mình. Song song với việc khuyến khích con làm điều mình thích, cha mẹ nên dạy con biết chấp nhận thất bại. Không phải việc nào con làm đều sẽ thành công. Thay vì để con trốn tránh những sai lầm của mình hãy chỉ dẫn chúng dám đối mặt với thử thách, coi thất bại không phải bằng chứng của kém thông minh, mà là bàn đạp cho sự phát triển lâu dài.

Cha mẹ hãy dạy cho con biết cách giải quyết mọi vấn đề ngay từ khi còn nhỏ. Hãy tin tưởng chúng! Bởi một nhà lãnh đạo tương lai phải có khả năng phân tích, đánh giá và giải quyết vấn đề một cách khoa học nhất. Đồng thời biết đương đầu với mọi thử thách.

7. Kiên cường và bền bỉ

Phát triển sự kiên cường trong mọi nghịch cảnh là điều tối quan trọng để thành công. Chúng ta đều biết đau đớn và thất vọng trước thất bại, nó là một phần của cuộc sống. Cho dù bạn muốn bảo vệ con cái khỏi những tổn thương do thất bại thì rồi một ngày, bạn sẽ không còn khả năng làm điều đó.

Giống như những mầm cây, trẻ em cần thất bại để trưởng thành. Điều quan trọng trong kinh doanh là học được cách chấp nhận thất bại. Rèn luyện cho con bạn tinh thần kiên cường và giải quyết những thách thức trong cuộc sống, như vậy, bạn có thể yên tâm về con mình hơn là lúc nào cũng che chở, bảo vệ để chúng tự ti và nghi ngờ về năng lực bản thân.

Làm thế nào để giúp các con trở nên kiên cường hơn? Hãy để chúng thoải mái bộc phát cảm xúc và hạn chế vỗ về hay an ủi. Sau khi lĩnh hội và cảm nhận được những cảm xúc đó thì tự khắc chúng sẽ vượt qua thất vọng và dồn sự tập trung cho những ý tưởng mới.

Nguồn: [Link nguồn]

Cách cha mẹ giáo dục ảnh hưởng rất lớn đến tính cách, quyết định, thái độ và nhận thức của chúng ta sau này, đặc biệt trong vấn đề tiền bạc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tường Vy ([Tên nguồn])
Dạy con Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN