Kết quả xếp hạng các trường đại học tại Việt Nam có đáng tin cậy?

Sự kiện: Giáo dục

Lần đầu tiên một nhóm nghiên cứu độc lập đã công bố bảng xếp hạng 49 trường đại học tại Việt Nam. Tuy vậy, kết quả mà nhóm nghiên cứu công bố chiều 7-9 đã gây ra nhiều tranh cãi khi mà một số trường đại học (ĐH) vốn đã được xã hội đánh giá là “có tiếng” và thu hút nhiều học sinh giỏi đều xếp thứ hạng thấp.

Điều này khiến dư luận nghi ngại, kết quả của nhóm nghiên cứu liệu đã chính xác và đáng tin cậy?

Các đại học trẻ đang vươn lên

TS. Giáp Văn Dương, nhà nghiên cứu độc lập, Chủ tịch Công ty GiapGroup, thành viên của nhóm nghiên cứu xếp hạng cho biết: Bảng xếp hạng mà nhóm đưa ra không đồng nhất thứ hạng và chất lượng của các trường.

“Trước khi đưa ra bảng xếp hạng chúng tôi đã nói rất rõ các tiêu chí. Đơn cử ở đây với trường ĐH Ngoại thương, số lượng giảng viên có học vị tiến sĩ cũng như các nghiên cứu và công bố quốc tế ít nên trong bảng xếp hạng ở top trung bình. Còn chất lượng Ngoại thương thì là câu chuyện khác.

Ai cũng biết sinh viên trường ĐH Ngoại thương rất năng động, các em tham gia các hoạt động xã hội cũng rất tốt. Vấn đề là chúng ta đừng đồng nhất chất lượng đào tạo và thứ hạng xếp hạng. Hiện nay, mọi người mới chỉ đang nhìn nhận là sinh viên trường đó ra có xin được việc, kiếm được nhiều tiền, công việc có tốt hay không. Điều đó chưa phản ánh hoàn toàn chất lượng giáo dục.

Nhiệm vụ của giáo dục ĐH bên cạnh việc tạo ra sản phẩm còn phải tạo ra tri thức. Hiện nay, ĐH Ngoại thương tạo ra tri thức cho xã hội chưa được chú trọng lắm nên xếp thứ 23, ĐH Thương mại xếp 29, ĐH Kinh tế quốc dân xếp thứ 30, Học viện Tài chính đứng ở vị trí 40...".

Kết quả xếp hạng các trường đại học tại Việt Nam có đáng tin cậy? - 1

Bảng xếp hạng các trường ĐH Việt Nam vừa được công bố đã gây tranh cãi. Ảnh mang tính minh họa.

Lý giải vì sao một số trường ít tên tuổi lọt danh sách top 10 trong bảng xếp hạng, TS Giáp Văn Dương cho rằng: Một trong những tiêu chí được chú trọng trong bảng xếp hạng lần này là thành tích về công bố quốc tế, phản ánh thành quả của chính sách đầu tư và khuyến khích xuất bản của các cơ sở giáo dục ĐH.

Về mặt này, các trường ĐH như Tôn Đức Thắng, ĐH Duy Tân lại làm rất tốt. Các ĐH trẻ hơn đang vươn lên ngày một mạnh mẽ nhờ sự đóng góp đáng kể từ đầu ra của nghiên cứu khoa học. Điều này cho thấy sự đúng đắn của việc đầu tư xứng đáng vào nghiên cứu khoa học.

Còn đối với các cơ sở giáo dục ĐH lớn không nên chỉ dựa vào ánh hào quang “truyền thống”, mà cần đầu tư bài bản và chiều sâu hơn nữa vào nghiên cứu khoa học và nâng cao chất lượng giảng dạy. “Chúng tôi làm việc này trong 3 năm, hoàn toàn trên tinh thần tự nguyện, không vụ lợi và không bị bất kỳ một nhóm lợi ích nào chi phối”-ông Dương chia sẻ.

Xếp hạng dễ là "dao hai lưỡi"

Chia sẻ với PV Báo CAND về bảng xếp hạng vừa được nhóm nghiên cứu công bố chiều 7-9, GS.TS Nguyễn Hữu Đức, Phó Giám đốc Đại học quốc gia Hà Nội cho rằng: Việc tổ chức, tham gia xếp hạng ĐH có ý nghĩa quan trọng, là cơ sở để sinh viên có thông tin khách quan để lựa chọn trường học.

Tại các nước phát triển, các bảng xếp hạng này thường được công bố vào kỳ nghỉ hè, trước lúc sinh viên quyết định chọn trường. Đây có thể được xem là một nguồn tham khảo tốt cho sinh viên và chính các trường.

Tuy vậy, nhìn chung, về dữ liệu đầu vào vẫn còn một số hạn chế cần tiếp tục hoàn thiện để kết quả đầu ra chính xác và thuyết phục hơn. “Đơn cử như trong tiêu chí đào tạo mà nhóm nghiên cứu đưa ra, vẫn còn thiếu tiêu chuẩn đầu ra, ở đây là tỷ lệ sinh viên tốt nghiệp có việc làm, cần phải lấy thêm ý kiến từ phía các nhà tuyển dụng.

Mặt khác, bộ tiêu chí mà nhóm nghiên cứu đưa ra nếu áp dụng cho nhóm ĐH đa ngành thì tương đối ổn, song với các ĐH đơn ngành thì chưa hợp lý vì yêu cầu công bố quốc tế đối với nhóm khoa học tự nhiên, khoa học xã hội, kinh tế và y dược là hoàn toàn không giống nhau.

Ngoài ra, để khách quan hơn, tất cả nguồn dữ liệu đầu vào cần được thu thập theo xu hướng 50% do các trường cung cấp và 50% do chính nhóm nghiên cứu thu thập”- GS.TS Nguyễn Hữu Đức cho biết.

Cũng theo GS.TS Nguyễn Hữu Đức, ở các nước phát triển quản trị ĐH được chú trọng và làm rất tốt. Trong khi đó tại Việt Nam chúng ta vẫn làm ĐH chủ yếu bằng kinh nghiệm là chính. Do vậy, nếu có một bảng xếp hạng có bộ tiêu chí phong phú, phản ánh đúng đặc trưng của ĐH Việt Nam, làm cơ sở để các trường ĐH “tự soi mình” thì rất tốt.

TS Phạm Thị Ly, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh cho biết, việc nhận định, xếp hạng cũng giống như "con dao 2 lưỡi” bởi nếu phương pháp và cách xử lý không khách quan và đúng đắn thì có thể còn gây ra những tác động ngược.

Nhiều trường top bị “tụt hạng”

Xếp hạng 49 trường đại học như sau: Top 10 là ĐH Quốc gia Hà Nội, Trường ĐH Tôn Đức Thắng, Học viện Nông nghiệp Việt Nam, ĐH Đà Nẵng, ĐH Quốc gia TP.Hồ Chí Minh, Trường ĐH Cần Thơ, Trường ĐH Bách khoa Hà Nội, ĐH Huế, Trường ĐH Duy Tân, Trường ĐH Sư phạm Hà Nội.

Ngoài ra, nhóm trường y dược, vốn được nhiều học sinh giỏi coi trọng cũng không có trường nào nằm trong top 10, như: ĐH Y dược TP.Hồ Chí Minh  xếp thứ 18, ĐH Y Hà Nội xếp thứ 20, ĐH Dược xếp thứ 35; ĐH Y dược Hải Phòng đứng thứ 49.

Xếp hạng đại học, các trường nói gì?

Sau khi nhóm chuyên gia công bố xếp hạng 49 trường ĐH Việt Nam, nhiều chuyên gia và chính các trường bắt đầu lên tiếng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Huyền Thanh (Công An Nhân Dân)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN