Giáo viên không muốn lắp camera trong lớp vì sợ lộ “bí mật động trời”?

Sự kiện: Giáo dục

Sau hàng loạt vụ bạo hành trẻ em, học sinh, nhiều phụ huynh, chuyên gia giáo dục cho rằng lắp camera trong lớp học là một biện pháp ngăn chặn hiệu quả, tuy nhiên nhiều giáo viên lại “không muốn”.

Phụ huynh sẵn sàng đóng góp để lắp camera

Những ngày gần đây, dư luận cả nước đặc biệt quan tâm đến vụ việc một giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Tân Phú, TP.HCM) có hành vi đánh học sinh như: véo tai, tát học sinh trong 4 ngày liền, bị camera "giấu kín" ghi lại. Giáo viên này đã thừa nhận hành vi và đang bị xem xét kỷ luật. Điều đáng nói là sự việc nói trên chỉ được phát hiện khi một phụ huynh đã lén đặt camera trong lớp học, hàng loạt hành động của giáo viên trong clip khiến người xem vô cùng phẫn nộ.

Hồi giữa tháng 5 vừa qua, một đoạn clip tại lớp học 2A7, trường Tiểu học Quán Toan (TP.Hải Phòng) ghi lại cảnh hai giáo viên liên tục có hành vi đánh học sinh trong lớp học khiến người xem phải rùng mình vì sự nhẫn tâm. Hội đồng kỷ luật Trường Tiểu học Quán Toan đã đưa ra hình thức kỷ luật buộc thôi việc đối với cô giáo Nguyễn Thị Thu Trang, khiển trách với cô giáo Phạm Thị Vân - chủ nhiệm lớp 2A7.

Camera ghi lại cảnh giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) đánh học sinh.

Camera ghi lại cảnh giáo viên trường Tiểu học Phan Chu Trinh (TP.HCM) đánh học sinh.

Trên đây chỉ là hai trong nhiều vụ việc giáo viên bạo hành học sinh xảy ra trong thời gian qua. Nhiều phụ huynh bật khóc khi xem lại hình ảnh tàn nhẫn của giáo viên trút lên thân thể trẻ mầm non, tiểu học. Đã có một số cơ sở mầm non tư thục bị đóng cửa, nhiều giáo viên bị kỷ luật, sa thải.

Ngành giáo dục cũng liên tục ra văn bản, yêu cầu các địa phương chỉ đạo các nhà trường nâng cao các biện pháp ngăn chặn hành vi vi phạm đạo đức nhà giáo của giáo viên. Đối với phụ huynh, hình thức lắp đặt camera tại lớp học được nhiều người đồng tình, ủng hộ và sẵn sàn chi trả chi phí lắp đặt, duy trì để tăng cường quản lý học sinh, ngăn chặn bạo hành nơi học đường.

Có con học lớp 2 tại một trường tiểu học công lập tại quận Hoàng Mai (Hà Nội), chị Thanh Thảo cho biết: "Tại các trường mầm non tư thục hầu hết đã lắp camera, phụ huynh hàng ngày giám sát. Tuy nhiên, đối với tiểu học, THCS, nhất là trường công lập chủ yếu là lắp ngoài hành lang, sân trường. Có một số trường lắp đặt trong lớp học, nhưng chỉ nhà trường quản lý hình ảnh. Phụ huynh chúng tôi đầu năm sẵn sàng đóng thêm tiền lắp camera và chi phí duy trì, vì tính ra không đáng là bao, nhưng cũng khó vì nhà trường không cho".

Giáo viên lo ngại điều gì khi lắp camera?

Theo ghi nhận tại nhiều trường học tại Hà Nội, camera được đặt ở lớp học, hành lang, sân trường, đồng thời các trường cũng thông báo để học sinh nâng cao ý thức hơn trong việc giao tiếp, ứng xử, cũng như văn hóa học đường. Tuy nhiên, ngoại trừ bậc học mầm non, cấp học phổ thông đều do nhà trường quản lý hình ảnh, chỉ trích xuất dữ liệu khi có vụ việc "nóng", hoặc cơ quan chức năng yêu cầu.

Từng giữ cương vị quản lý một số trường học, trong đó có trường lắp đặt hệ thống camera trong nhà trường, NGƯT Đặng Đình Đại - nguyên Hiệu trưởng trường THPT Nguyễn Gia Thiều (Hà Nội) cho biết: "Việc lắp đặt camera được nhiều nhà trường lựa chọn, mục đích là đảm bảo an ninh, quản lý giáo viên, học sinh. Tuy nhiên, một số giáo viên cho rằng có cảm giác như bị "soi", mất tự nhiên khi dạy học, lo sợ cấp trên… Ngoài ra, công tác quản lý khó khăn khi bị khuất tầm quay của camera, ở vị trí không có camra. Vậy nên, đây là một biện pháp hiệu quả chứ không phải tuyệt đối".

Nhiều giáo viên cho rằng việc lắp camera trong lớp học góp phần gây thêm áp lực. Ảnh: TL

Nhiều giáo viên cho rằng việc lắp camera trong lớp học góp phần gây thêm áp lực. Ảnh: TL

Đối với một số giáo viên, việc lắp đặt camera trong lớp học tạo ra nhiều hệ lụy, áp lực trong công việc. "Bây giờ hầu hết các trường mầm non tư thục đều lắp camera trong lớp học và phụ huynh giám sát rất kỹ. Lúc mới đầu tôi cũng rất "sốc" vì qua camera liên tục bị chủ cơ sở nhắc nhở, phạt tiền vì những lỗi nhỏ thôi, còn đối với phụ huynh thì liên tục gọi điện khi quan sát trên màn hình không thấy con đâu, hoặc con đang khóc… Nhưng dần dần cũng quen và coi đó là bình thường" - cô Hoài Anh, giáo viên mầm non Họa Mi (Hà Nội) chia sẻ.

Tại TP.HCM, từ năm học 2018 - 2019, TP.HCM đã thí điểm lắp đặt camera tại các cơ sở giáo dục mầm non ở quận 1, quận 12, huyện Hóc Môn và sẽ mở rộng ở các quận, huyện còn lại trong năm nay. Khảo sát hồi tháng 5/2018 cho thấy, gần 90% phụ huynh ủng hộ lắp camera trong lớp. Trong khi đó, 52% giáo viên được hỏi không đồng tình, cho rằng việc làm này xâm phạm sự riêng tư của học sinh với giáo viên. Ở bậc tiểu học trở lên, việc lắp camera theo dõi chủ yếu ở khu vực hành lang, sân chơi, cổng ra vào để kiểm soát chung.

Theo một số chuyên gia giáo dục, việc lắp đặt camera tại các trường mầm non, tiểu học khi tiến hành cần có sự đồng thuận của đội ngũ giáo viên, chứ không nên ép buộc. Bản thân đội ngũ giáo viên bị giám sát sẽ cảm thấy áp lực, nhất là giáo viên trẻ, thiếu kinh nghiệm. Khi lắp đặt camera trên lớp học, phụ huynh nên giữ vai trò giám sát là chủ yếu, nên thường xuyên trao đổi với giáo viên để hiểu về phương pháp giáo dục chứ không nên can thiệp nhiều về quản lý, chuyên môn giáo viên trong lớp học vì chưa hiểu biết.

Nghi ngờ cô giáo đánh con, phụ huynh lén đặt camera và thực tế gây 'sốc'

Một số phụ huynh có con học lớp 2/11 trường Tiểu học Phan Châu Trinh, quận Tân Phú, TPHCM do nghi ngờ con mình bị cô giáo...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Quang Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN