Đủ điểm trúng tuyển đại học nhưng lại rớt vì tiêu chí phụ

Sự kiện: Giáo dục

Trong mùa xét tuyển ĐH, CĐ năm 2020, nhiều thí sinh có điểm trúng tuyển cao hơn điểm chuẩn, tự tin rằng đã đỗ đại học nhưng đến ngày nhập học lại khóc hết nước mắt do không đạt tiêu chí phụ của trường đưa ra.

Kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2020 được tổ chức với mục tiêu chính là thi tốt nghiệp. Việc xét tuyển đại học (ĐH), Bộ GD&ĐT sẽ để các trường ĐH, CĐ tự quyết bằng hình thức sử dụng điểm thi tốt nghiệp, tổ chức thi đánh giá năng lực hoặc kèm theo xét học bạ, xét thành tích…

Nhập học vài ngày mới hay bị rớt

Thí sinh (TS) NTM đủ điểm đỗ ĐH Bách khoa Hà Nội theo kết quả thi tốt nghiệp THPT, M. đạt 27 điểm tổ hợp A00 (toán, lý, hóa), có tên trong danh sách trúng tuyển đăng trên mạng, căn cứ thông báo nhà trường và giấy báo đỗ, M. làm thủ tục nhập học, chuẩn bị đầy đủ hành trang, thuê trọ.

Tuy nhiên, sau một tuần lên Hà Nội, M. bất ngờ nhận thông báo không được học vì không đạt điều kiện về học bạ THPT.

Cụ thể, trong điều kiện trúng tuyển, nhà trường yêu cầu ngoài đủ điểm thi tốt nghiệp THPT, TS phải có điểm trung bình năm học kỳ THPT (tính đến hết kỳ 1 lớp 12) mỗi môn học trong tổ hợp xét tuyển phải đạt từ 7 trở lên, căn cứ học bạ của M. lại không đạt yêu cầu này nên em bị “tạch” ĐH.

Cũng tương tự trường hợp của M., em NMH, học sinh Trường THPT Yên Hòa, thi tốt nghiệp THPT đạt 27,25 điểm, đủ điểm trúng tuyển vào Trường ĐH Dược Hà Nội. H. cũng nhận được giấy báo trúng tuyển Khoa dược học trường này (điểm chuẩn 26,9 điểm).

Như bao học sinh khác, H. nhập học theo giấy báo thì nhận được thông tin mình không đủ điều kiện đỗ ĐH vì kết quả học tập THPT (ba năm) của mỗi môn toán, vật lý, hóa học dưới 7 điểm, đây là tiêu chí phụ được nhà trường đưa ra từ khi thông báo xét tuyển.

Câu chuyện oái oăm này không chỉ xảy ra với hai trường hợp trên mà là chuyện chung của ĐH Ngoại thương, ĐH Huế… khi TS không đọc rõ đề án tuyển sinh của các trường.

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Thí sinh làm thủ tục nhập học tại một trường đại học ở TP.HCM. Ảnh: HOÀNG GIANG

Báo cáo lên Bộ GD&ĐT giải quyết

Trao đổi với báo chí về trường hợp các TS rớt ĐH do tiêu chí phụ, ông Trần Trung Kiên, Trưởng Phòng tuyển sinh - ĐH Bách khoa Hà Nội, cho biết năm nay trường có khoảng 30 TS rớt nguyện vọng như hai trường hợp trên.

“Câu chuyện TS đủ điểm trúng tuyển theo kết quả thi tốt nghiệp THPT nhưng không đủ điểm học bạ đã xuất hiện ở những năm trước. Nhà trường khi thông báo tuyển sinh đều kèm theo đề án rõ ràng, lỗi của các em là không nghiên cứu kỹ đề án mà chỉ chủ quan vào điểm xét tuyển thi tốt nghiệp THPT” - ông Kiên nói.

Đối với những trường hợp trên, ĐH Bách khoa Hà Nội đã làm công văn báo cáo gửi lên Vụ Giáo dục ĐH (Bộ GD&ĐT) để tạo điều kiện tốt nhất cho các em.

Việc để các trường ĐH, CĐ tự quyết việc xét tuyển giúp TS có nhiều cơ hội chọn lựa nơi gửi gắm ước mơ. Tuy nhiên, có nhiều trường hợp TS không nắm hết tất cả yêu cầu trúng tuyển dẫn đến bị trượt. 

Theo lãnh đạo nhà trường, nếu rớt nguyện vọng 1, các em vẫn có cơ hội xét tuyển nguyện vọng 2, 3, do đó không nên quá hoang mang.

Về thắc mắc tại sao TS không đủ điều kiện trúng tuyển nhưng nhà trường vẫn gửi giấy báo nhập học, đại diện Vụ Giáo dục ĐH giải thích: Khi có điểm chuẩn, các trường căn cứ vào điểm thi tốt nghiệp THPT sẽ thông báo TS trúng tuyển. Vì nhà trường nhập tất cả thông tin của TS lên cơ sở dữ liệu của Bộ GD&ĐT nhưng hệ thống này không lọc được thông tin điểm học bạ của TS, do đó sau khi nhập học, nhà trường vẫn phải hậu kiểm học bạ.

“Các trường ĐH hậu kiểm học bạ của TS sau khi gửi giấy báo trúng tuyển là không sai quy định. Tuy nhiên, với những trường hợp trường đã gửi giấy báo trúng tuyển cho TS, TS nhập học rồi nhưng hậu kiểm học bạ thấy TS không đủ điều kiện đỗ, trường có trách nhiệm làm công văn gửi lên vụ” - ông Kiên cho hay.

Từ động tác này, vụ sẽ làm công văn gửi tới các trường TS đăng ký nguyện vọng 3, nguyện vọng 4… đề nghị xét tuyển tiếp các TS này.

Tiêu chí phụ được tính như thế nào?

Trong tuyển sinh, tiêu chí phụ là cách đánh giá đối với những TS có cùng điểm số như nhau, chọn ra những TS đáp ứng đầy đủ các tiêu chí phụ.

Tiêu chí phụ không có một quy định cụ thể nào cả. Tùy thuộc vào từng tiêu chí tuyển sinh của trường mà sẽ có những tiêu chí phụ khác nhau.

Sau khi công bố mức điểm sàn, trường sẽ lấy từ cao xuống thấp. Nếu nhà trường lấy hết các TS có tổng điểm bằng nhau thì có thể thừa chỉ tiêu. Nhưng nếu không lấy thì sẽ thiếu chỉ tiêu. Chính vì thế, mỗi trường sẽ đặt ra các tiêu chí phụ khác nhau để đảm bảo việc tuyển đủ chỉ tiêu, gồm tiêu chí phụ ưu tiên theo môn thi, tiêu chí phụ ưu tiên theo thứ tự nguyện vọng, tiêu chí phụ dựa vào điểm xét tuyển chưa làm tròn. 

Nguồn: [Link nguồn]

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường chấn chỉnh công tác tuyển sinh đại học năm 2020

Bộ GD&ĐT yêu cầu các trường đại học, cao đẳng khẩn trương rà soát, chấn chỉnh công tác tuyển sinh nhằm đảm bảo công...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bách An ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN