Đổi mới tuyển sinh: Cải tiến không đúng chỗ
Siết chặt liên thông, thí điểm tự chủ học phí theo khối ngành, “thả cửa” tuyển sinh khối nghệ thuật, xem xét hạ điểm sàn ngành khó tuyển… là hàng loạt những cải tiến mà Bộ GDĐT áp dụng trong mùa tuyển sinh năm 2013.
Tuy nhiên, nhiều chuyên gia giáo dục không kỳ vọng đó là những biện pháp hữu hiệu để chấn chỉnh và nâng cao chất lượng giáo dục ĐH, bởi các biện pháp đó chỉ siết đầu vào trong khi đáng lẽ phải lo quản chất lượng đầu ra. Phóng viên trao đổi với GS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập.
Theo GS Trần Hồng Quân, nâng cao chất lượng giáo dục đại học phải chú trọng vào khâu đào tạo chứ không phải ở khâu tuyển sinh
Một trong những cải tiến của Bộ GDĐT đang làm nóng dư luận trong thời gian qua là việc áp dụng thi như ĐH đối với hệ CĐ muốn học liên thông. Theo ông, quyết định này có thể “siết” được chất lượng đào tạo liên thông như Bộ mong muốn hay không?
- Thực tế, đã có rất nhiều dư luận xung quanh chất lượng đào tạo của hệ này, cũng đã có nhiều đơn vị lợi dụng liên thông để làm kinh tế. Tuy nhiên, cách làm của Bộ vẫn chỉ là biện pháp đối phó, cực đoan, nếu không muốn nói là rất lãng phí. Một sinh viên đã trải qua 3 năm học CĐ muốn liên thông lại phải thi lại kiến thức 3 môn phổ thông thì đúng là thách đố. Sẽ chẳng có sinh viên nào dám liều để đi đường vòng nữa mà xu hướng sẽ là “sống chết” để vào bằng được ĐH.
Hợp lý hơn, Bộ GDĐT có thể kiểm tra, thanh lọc quá trình đào tạo, điều kiện của các trường có đào tạo liên thông và thẩm định đầu ra cho hệ này, nếu không đủ “chuẩn” thì không được trao bằng ĐH. Có như vậy mới hiệu quả lâu dài.
Bộ GDĐT cũng vừa “trao” cho các trường nghệ thuật tự chủ về tuyển sinh, trong đó có việc miễn thi môn văn hoá. GS đánh giá thế nào về động thái này?
- Trả lại tự chủ trong tuyển sinh cho khối trường nghệ thuật là hoàn toàn hợp lý rồi. Quan trọng là việc quản lý như thế nào cho rõ ràng, minh bạch và tránh tiêu cực thôi. Thực tế, tuyển sinh “3 chung” của Bộ GDĐT đã không còn phù hợp nữa, đặc biệt là ở khối ngành nghệ thuật. Quy định cứng về môn thi, thời gian thi không thoả mãn được các tiêu chí mà những ngành đặc thù cần có trong quá trình đào tạo và thực hành sau khi ra trường. Khối ngành này rất cần được tự chủ về tuyển sinh… Bộ chỉ nên quản lý đầu ra mà thôi.
GS Trần Hồng Quân – nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ ngoài công lập
Sắp tới, Bộ GDĐT sẽ đưa vào chương trình thí điểm tự chủ học phí và coi đó là một biện pháp hạn chế chỉ tiêu những ngành dư thừa nhân lực. GS có e ngại chủ trương này sẽ hình thành ngành học cho người giàu và người nghèo trong tương lai?
- Nếu Bộ GDĐT coi đây là cách làm giảm chỉ tiêu tuyển sinh các khối ngành dư thừa là chưa hợp lý, thậm chí nó còn làm tăng thêm nhu cầu đầu vào các ngành này. Có thể thấy được rằng, hiện nay hầu hết các trường ngoài công lập đều đào tạo các khối ngành kinh tế, tài chính, quản trị, ngân hàng… mà các khối ngành này học phí thường cao nhất và sinh viên phải đóng hoàn toàn 100% kinh phí đào tạo. Tuy nhiên, lượng sinh viên thi vào các ngành này chưa bao giờ giảm, ngay cả khi có “báo động” về dư thừa nhân lực.
Mặt khác, nếu trong hệ thống trường công lập mà lại hình thành 2 hình thức đào tạo có bao cấp và không bao cấp với cùng một đối tượng sinh viên như nhau sẽ tạo thành sự mất công bằng trong học tập. Điều này sẽ dẫn tới sự cạnh tranh không lành mạnh trong tương lai, chưa kể đến sự “kỳ thị” ngành nghề theo kiểu ngành cho người giàu và ngành cho người nghèo.
Trao đổi với phóng viên, Thứ trưởng Bộ GDĐT Bùi Văn Ga cho biết: “Ngày 22/1 tới, Bộ sẽ tổ chức Hội nghị tuyển sinh ĐH, CĐ năm 2013. Tại đây, Bộ và các trường sẽ thảo luận các vấn đề liên quan đến tuyển sinh và các cải tiến tuyển sinh trong năm tới, như việc có tiếp tục cho kéo dài thời gian xét tuyển, cho tự chủ tuyển sinh, hạ điểm chuẩn các khối ngành khó tuyển… hay không”. |
Vậy theo ông, cách nào có thể cân bằng được nhu cầu nhân lực ngành nghề mà vẫn giữ được sự công bằng về nhu cầu học tập cho tất cả đối tượng sinh viên?
- Bộ GDĐT cần xây dựng các dự báo nhân lực hàng năm thật cụ thể và chặt chẽ, công khai cho xã hội biết về nhu cầu nhân lực trong 5 – 10 năm tiếp theo để xã hội tự định hướng. Ví dụ vừa qua ngành GDĐT Phú Yên đã thông báo về việc hiện đang dư thừa 1.000 cử nhân sư phạm mới ra trường, với sự công khai này chắc chắn trong 5 năm tới sẽ rất ít thí sinh ở Phú Yên chọn thi vào ngành sư phạm nữa.
Mùa tuyển sinh năm 2012 đã đánh dấu bằng sự thất bại của rất nhiều cải tiến như: Kéo dài thời gian tuyển sinh, không áp dụng Điều 33 rồi sau đó lại cho hạ điểm chuẩn những ngành, khu vực khó tuyển sinh… Cần làm gì để những cải tiến trong năm nay không đi vào vòng luẩn quẩn?
- Nói một cách chung nhất, hệ quả cho tất cả những thất bại này là ở chỗ Bộ GDĐT vẫn chỉ loanh quanh trong các biện pháp nhằm siết đầu vào: Tự chủ học phí theo ngành, tự chủ tuyển sinh khối trường nghệ thuật, siết liên thông, kéo dài thời gian tuyển sinh, cho hạ điểm sàn ngành khó tuyển…. Nhưng cái quan trọng nhất, mấu chốt nhất cho chất lượng giáo dục lại không phải ở đầu vào mà nó là quá trình đào tạo và chất lượng đầu ra. Anh dạy cái gì? Dạy như thế nào? Chuẩn đầu ra của anh đảm bảo ra sao... đó mới chính là các câu hỏi cần Bộ tìm câu trả lời.
Bộ không nên tiếp tục cải tiến, cải lùi một cách nhất thời như vậy nữa mà nên tập trung làm sao tổ chức được một kỳ thi tốt nghiệp THPT cho thật hiệu quả, đúng nghĩa. Từ đó, lấy kết quả của kỳ thi này làm ngưỡng để các trường tự chủ tuyển sinh đầu vào. Theo hướng đó, trường nào cạnh tranh nhiều, trường đó sẽ thi tuyển, trường nào ít cạnh tranh thì sẽ chọn biện pháp xét tuyển. Hiện nay, Bộ cũng đã đồng ý cho rất nhiều trường có yếu tố nước ngoài ở Việt Nam thực hiện theo hướng này, Trường ĐH FPT cũng đã làm rất nhiều năm nay rồi và vẫn hiệu quả, vậy tại sao không thể áp dụng đại trà?
Tôi được biết, sắp tới, trong Hội nghị tuyển sinh năm 2013, các trường ĐH, CĐ sẽ có những kiến nghị về việc thực hiện đúng Luật Giáo dục ĐH đã có hiệu lực từ ngày 1/1/2013, trong đó có tự chủ tuyển sinh, tự chủ trong xét tuyển…
Xin cảm ơn Giáo sư!