'Dẹp' lạm thu đầu năm học mới bằng cách nào?

Sự kiện: Giáo dục

Hiện nay, dù chưa có nhiều trường tổ chức họp phụ huynh đầu năm nhưng thông tin về lạm thu đã bắt đầu rục rịch trên một số diễn đàn. Đế ngăn chặn "căn bệnh" lạm thu trong trường học, nhiều địa phương đã có chỉ đạo chấn chỉnh tình trạng này.

Tại Vĩnh Phúc, Sở GD&ĐT nghiêm cấm các trường học tự ý đặt ra các khoản thu ngoài quy định, không có sự tự nguyện của phụ huynh học sinh và chưa được cơ quan quản lý cấp trên phê duyệt.

Tất cả các khoản thu phải thông qua kế toán để hạch toán và phản ánh vào hệ thống sổ sách kế toán, tổng hợp chung vào báo cáo quyết toán thu, chi ngân sách Nhà nước hằng năm. Tuyệt đối không được dùng khoản thu của nội dung này để điều chuyển cho nội dung khoản thu khác hoặc chi cho mục đích khác. Tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra về quản lý thu, chi tài chính, các khoản thu đầu năm học.

Ngoài ra, các nhà trường không thu dồn các khoản thu cùng một lúc gây khó khăn cho phụ huynh học sinh; không để xảy ra tình trạng lạm thu gây bức xúc trong nhân dân; tăng cường kiểm tra và xử lý nghiêm người đứng đầu cơ sở giáo dục để xảy ra sai phạm trong quản lý tài chính, nhất là việc thực hiện thu, chi đầu năm học.

Trình cơ quan có thẩm quyền phê duyệt các khoản thu, chi trong năm học và thực hiện công khai các khoản thu, chi ngay từ đầu năm học theo đúng quy định; chỉ thực hiện thu các khoản đã được phê duyệt của cơ quan quản lý theo thẩm quyền (không tạm thu).

Trong điều kiện ngân sách Nhà nước cấp và các khoản thu chưa đáp ứng được một số nhu cầu cấp bách cần phải sửa chữa, nâng cấp thay mới cơ sở vật chất, trang thiết bị đáp ứng cho việc dạy và học, các nhà trường được phép tuyên truyền vận động phụ huynh học sinh và các tổ chức tự nguyện ủng hộ, đóng góp theo nguyên tắc: Tự nguyện không ép buộc, không cào bằng; công khai, minh bạch thu, chi với phụ huynh học sinh và các tổ chức cá nhân tham gia ủng hộ; bên ủng hộ không được yêu cầu bất kỳ điều kiện nào trong việc sử dụng tiền đóng góp, sử dụng khai thác cơ sở vật chất được hình thành qua vận động ủng hộ. Không được lợi dụng danh nghĩa Hội cha mẹ học sinh thu tiền xã hội hóa giáo dục.

Trong khi đó, Sở GD&ĐT TP.HCM cũng có văn bản hướng dẫn cụ thể các khoản thu đầu năm học 2024 - 2025 nhằm tránh tình trạng lạm thu. Trong đó, Sở yêu cầu các nhà trường không được thay đổi tên và phát sinh bất kỳ nội dung nào ngoài danh mục các khoản thu được quy định trong văn bản.

Học sinh phấn khởi đón chào năm học mới.

Học sinh phấn khởi đón chào năm học mới.

Với các khoản thu ngoài học phí, Sở GD&ĐT TP.HCM nhấn mạnh các mức thu quy định tại Nghị quyết số 13/2024/NQ-HĐND là mức thu tối đa. Căn cứ tình hình thực tế của cơ sở giáo dục và nhu cầu của học sinh, nhà trường cần thống nhất với cha mẹ học sinh mức thu cụ thể. Mức thu này không được vượt quá mức thu tại Nghị quyết 13 và không được cao hơn 15% so với mức thu đã thực hiện trong năm học 2023 - 2024.

TP.HCM cũng nghiêm cấm việc lợi dụng danh nghĩa ban đại diện cha mẹ học sinh để thu các khoản thu ngoài quy định. Tất cả các khoản thu phải được các đơn vị thông báo đầy đủ, công khai bằng văn bản đến phụ huynh, học sinh, sinh viên. Các khoản thu của ban đại diện cha mẹ học sinh cần thực hiện nghiêm theo Thông tư 55 của Bộ GD&ĐT.

Đối với việc thu học phí năm học 2024 - 2025, Sở GD&ĐT tỉnh Bạc Liêu đề nghị các đơn vị trường học thực hiện đúng theo quy định. Đối với các khoản quỹ như: Quỹ đoàn, đội, khuyến học... (nếu có), thủ trưởng các cơ sở giáo dục công lập chỉ đạo thực hiện thu, chi và quản lý, sử dụng đúng quy định. Các khoản thu để mua sắm, phục vụ trực tiếp cho học sinh học tập, sinh hoạt, các trường thống nhất chủ trương, kiểu mẫu với phụ huynh để tự lựa chọn và quyết định hình thức mua phù hợp. Hiệu trưởng nhà trường không được lợi dụng danh nghĩa Ban đại diện cha mẹ học sinh để thu hoặc ép buộc học sinh mua/may quần áo đồng phục trái quy định.

Tại Quảng Trị, UBND tỉnh yêu cầu các cơ sở giáo dục trên địa bàn tỉnh triển khai thực hiện nghiêm Nghị quyết số 58/2024/NQ-HĐND của HĐND tỉnh quy định mức thu học phí đối với cơ sở giáo dục công lập chưa đảm bảo chi thường xuyên và phân loại vùng để áp dụng mức thu học phí trên địa bàn tỉnh Quảng Trị từ năm học 2024 - 2025. Tỉnh này cũng yêu cầu các địa phương, đơn vị tăng cường công tác quản lý thu, chấm dứt tình trạng lạm thu dưới mọi hình thức tại các cơ sở giáo dục.

Để không để xảy ra tình trạng lạm thu trong trường học, Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh sẽ tăng cường công tác thanh tra, kiểm tra nhằm kịp thời chấn chỉnh. Đồng thời, sở sẽ thanh tra, kiểm tra công tác chỉ đạo của phòng GD&ĐT huyện, thị xã, thành phố, tổ chức triển khai, thu, quản lý và sử dụng cơ sở giáo dục.

"Sở GD&ĐT Tây Ninh yêu cầu thủ trưởng các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn tỉnh nghiêm túc triển khai quy định thu chi đến tất cả cán bộ giáo viên, nhân viên trong đơn vị, cha mẹ học sinh để biết và thực hiện, đồng thời cam kết với cơ quan quản lý giáo dục cấp trên trực tiếp thực hiện nghiêm túc không thu các khoản trái quy định. Thủ trưởng cơ sở giáo dục chịu trách nhiệm về các khoản thu, chi trong nhà trường. Sở sẽ xử lý nghiêm với hiệu trưởng cơ sở giáo dục trực thuộc thực hiện thu chi không đúng quy định", ông Nguyễn Văn Phước - Giám đốc Sở GD&ĐT tỉnh Tây Ninh cho biết.

Sở GD&ĐT Tiền Giang cũng nghiêm cấm các trường học lợi dụng danh nghĩa các khoản thu tự nguyện để thu các nguồn phí ngoài quy định.

Sở GD&ĐT Thanh Hóa đề nghị UBND huyện, thị xã, thành phố; thủ trưởng các đơn vị trực thuộc thường xuyên kiểm tra, giám sát và có trách nhiệm giải trình với người học và xã hội về các mức thu, khoản thu của cơ sở giáo dục thuộc phạm vi quản lý; tuyệt đối không để xảy ra tình trạng "lạm thu" đầu năm học.

Tại Hà Nội, nhằm tăng cường công tác quản lý thu, chi, Sở GD&ĐT Hà Nội thông tin, đối với kinh phí hoạt động của ban đại diện cha mẹ học sinh, các nhà trường thực hiện theo quy định. Việc thu, chi kinh phí của ban đại diện cha mẹ học sinh phải bảo đảm nguyên tắc công khai, dân chủ. Sau khi chi tiêu phải báo cáo công khai quyết toán kinh phí tại các cuộc họp toàn thể cha mẹ học sinh lớp và các cuộc họp toàn thể ban đại diện cha mẹ học sinh trường; không quy định mức kinh phí ủng hộ bình quân cho các cha mẹ học sinh.

Nguồn: [Link nguồn]

Tháng 9, những cuộc họp phụ huynh diễn ra tại hầu hết các trường học. Đây là thời điểm phụ huynh đối diện với “ma trận” các khoản thu. Chuyện thu - chi đầu năm gây bức xúc dư luận đã nhiều năm nhưng dường như chưa có lời giải.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Đỗ Vi ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN