Đề thi mở, mới cải cách một nửa

Câu hỏi mở của đề thi môn Ngữ Văn trong kỳ thi tuyển sinh vào ĐH, CĐ luôn thu hút sự chú ý của dư luận, vì đây là tâm điểm của sự đổi mới trong cách ra đề thi của ngành GD&ĐT trong tiến trình đổi mới cách dạy và học. Ra đề thi như hiện nay có thực sự đánh giá được năng lực thí sinh hay không?

Đề thi Văn hết khuôn mẫu

Kết thúc giờ thi môn Ngữ Văn 2 khối C và D, nhiều thí sinh than: Đề thi nằm trong phần tham khảo nên thí sinh đã không chú ý, thành ra, đề thi khó.

Nhận xét về thi Văn, thầy Trần Hinh, giảng viên ĐHKH Xã hội & Nhân văn (ĐHQG HN) nói: Đề thi môn Văn khối C khó hơn khối D ở chỗ bài học chọn để thi khó hơn. Câu 5 của đề thi khối C lấy tùy bút của Hoàng Phủ Ngọc Tường “Ai đã đặt tên cho dòng sông?”, học sinh kêu đề khối C khó hơn khối D.

Theo thầy Trần Hinh, với đề thi này, phổ điểm tập trung ở các điểm 5-6-7, ít điểm 10 nhưng điểm 9 là có thể. Điểm Văn năm nay chắc không cao như năm ngoái, có thể bằng hoặc thấp hơn.

Một giáo viên về hưu tại TPHCM, (người từng nhiều năm tham gia ra đề thi môn Văn) cho biết: “Đề thi Văn lần này có phần đổi mới và không còn nằm trong khuôn mẫu như những lần trước đây”.

Cụ thể, ở câu 1 của cả hai đề thi khối C và D đều đưa ra một đoạn thơ (nằm ở phần đọc thêm), sau đó yêu cầu thí sinh hiểu ý nghĩa của từ ngữ, hiểu ý nghĩa của đoạn thơ… trong khi trước đây, đề thi luôn bắt học sinh tái hiện kiến thức SGK thuần túy. Như vậy, đề thi lần này, học sinh buộc phải tự học và tìm hiểu, vận dụng hết khả năng của mình vào bài thi chứ không còn là học thuộc lòng hay làm theo văn mẫu nữa.

Đề thi mở, mới cải cách một nửa - 1

Thí sinh ra về sau khi hoàn thành xong môn Văn tại hội đồng thi trường ĐH Công đoàn Hà Nội. Ảnh: Như Ý

Thí sinh “tung tẩy” với câu hỏi mở

Khi được hỏi, nhiều giáo viên, thí sinh tỏ ra rất tâm đắc với câu hỏi số 2 của đề thi môn Văn: “Kẻ mạnh không phải là kẻ giẫm lên vai kẻ khác để thỏa mãn lòng ích kỉ. Kẻ mạnh chính là kẻ giúp đỡ kẻ khác trên đôi vai mình”. (Trích từ tác phẩm “Đời thừa” của Nam Cao; Ngữ văn lớp 11 nâng cao). Ý kiến trên gợi cho anh/ chị suy nghĩ gì về điều làm nên sức mạnh chân chính của mỗi con người cũng như của một quốc gia (bài viết khoảng 600 từ)?

Theo một số giáo viên ở TPHCM, nhìn bề ngoài, đây là một câu hỏi bình thường nhưng xét kỹ thì kẻ mạnh kẻ yếu đều là vấn đề của con người, cá nhân nhưng đồng thời cũng là vấn đề của quốc gia, đặc biệt mang tính thời sự trong thời điểm hiện nay. Nếu thí sinh nào vận dụng kiến thức và vấn đề biển Đông vào bài thi, khả năng các em sẽ làm bài thi tốt hơn.

Hầu hết các thí sinh được hỏi đều cho biết, họ đã liên hệ với sự kiện nóng hiện nay của đất nước - tình hình căng thẳng ở biển Đông. Thí sinh Nguyễn Phương Thảo (Phú Thọ) kể: Khi liên hệ sức mạnh chân chính của một con người, Thảo đã liên hệ tấm gương Hồ Chủ tịch, người suốt đời cống hiến cho đất nước và mang lại tự do cho dân tộc. Ở tầm quốc gia, Phương Thảo đã liên hệ tình hình đang căng thẳng ở biển Đông khi Trung Quốc đang gây hấn, xâm phạm chủ quyền biển đảo của Việt Nam.

Thí sinh Mạc Văn Nguyên (Bắc Giang) lập luận trong bài thi của mình: Trung Quốc cậy là nước lớn nên muốn áp đặt tham vọng buộc Việt Nam và một số nước trong khu vực phải chấp nhận biển Đông là của họ. Tuy nhiên, thí sinh này nói, trong thời đại hiện nay, các quốc gia có thể kêu gọi sự đồng tình và ủng hộ của nhân dân thế giới đấu tranh bảo vệ chủ quyền, không thể để Trung Quốc lấn tới.

Mới đổi mới một nửa!

“Không cứ phải là học sinh khá, giỏi, chỉ cần thí sinh có học lực trung bình là làm được bài, vì đề bài rất mở” - Mạc Văn Nguyên và nhiều thí sinh khác cùng nhận xét.

Nhận xét về đề thi môn Văn của cả 2 khối, thầy Trần Hinh nói: Đề thi có hướng tốt hơn những năm trước kia nhưng đã quen thuộc với thí sinh một vài năm trở lại đây. Đề tốt hơn ở chỗ không ra theo dạng có thể dùng văn mẫu, thí sinh học để hiểu mới làm được bài. Với đề thi đọc hiểu năm nay, thí sinh không bắt buộc phải học cả tác phẩm mà chỉ lấy ý trong tác phẩm, đọc văn bản để hiểu là làm được bài. Cách hỏi như thế đòi hỏi học sinh đọc hiểu, nếu học sinh không nghe giảng, không hiểu được bài văn mà chỉ đọc-chép như vẹt giống trước kia thì không thể làm tốt đề này. Đây là một hướng ra đề tốt nhưng chỉ mới đổi mới được một nửa, thầy Hinh khẳng định.

Thầy Hinh phân tích: Với Tác phẩm “Ai đã đặt tên cho dòng sông?” của tác giả Hoàng Phủ Ngọc Tường, thí sinh phải hiểu và phân tích được các góc nhìn của tác giả ở góc độ văn hóa, lịch sử, ở cách tiếp cận của tác giả với sông Hương, với vẻ đẹp thiên nhiên... Nhưng, dù thí sinh có thể làm được như thế thì với kiểu chấm Văn như hiện nay (thầy chấm có mấy khi đọc hết, chỉ liếc qua) thì khó phát hiện được trò giỏi. Thầy Hinh kết luận: Muốn đổi mới thực sự thì phải cải cách khâu học, khâu thi, cải cách dạy của thầy cô giáo, cách thầy đọc bài thi, cách chấm thi... Và trên hết, theo thầy Hinh nói, đề thi phải ngắn hơn, dài dòng quá không đánh giá được năng lực học sinh.

Theo Thứ trưởng Bộ GD&ĐT Bùi Văn Ga, 2 đợt thi ĐH đã diễn ra trật tự, an toàn, nghiêm túc và đúng quy chế. Tổng số thí sinh đăng ký dự thi đại học cả 2 đợt là 1.529.435; số thí sinh đến dự thi là 1.190.546, đạt tỷ lệ 77,8 tăng 0,24% so với năm 2013. Trong cả hai đợt thi đại học năm nay, cả nước có 226 thí sinh bị xử lý kỷ luật. Trong đó, khiển trách: 50, cảnh cáo:5, đình chỉ thi: 171, đến muộn không được dự thi: 14.

Đề Văn kế thừa được cái đúng, hay

Theo Nhà giáo ưu tú - Tiến sĩ Nguyễn Thạc San (Nguyên Phó hiệu trưởng Trường Cao đẳng Công Thương TPHCM, giảng viên Trung tâm bồi dưỡng QSC45, TPHCM), đề thi tuyển sinh môn Văn năm nay đã kế thừa được cái đúng và cái hay của đề thi tuyển sinh trong 3 năm gần đây.

Theo TS. San, đề thi kế thừa ở chỗ không đòi hỏi nhiều vào việc học- nhớ, mà yêu cầu cao vào việc học- hiểu, phù hợp với bản chất của việc học nói chung, của việc học môn ngữ văn nói riêng. Cả 3 câu đều đi theo hướng này. “Ở câu 3, tuy hỏi về một tác phẩm, nhưng đề lại yêu cầu thí sinh phải bình luận về những ý kiến đánh giá khác nhau, đòi hỏi thí sinh phải nắm chắc đặc sắc chính của từng tác phẩm, từ đó, vận dụng các thao tác lập luận, làm rõ chỗ đúng, chỗ sai của từng ý kiến”, TS. San nhận định.

Đề Hóa: Nhiều câu cực khó

Trao đổi với PV về đề thi hóa năm nay, ông Nguyễn Đình Độ, giáo viên Hóa, Phó hiệu trưởng trường THPT Thành Nhân, TPHCM cho rằng, đề thi khó hơn khối A vừa qua và khó hơn nhiều năm gần đây.

Theo ông Độ, đề thi Hóa lần này trải đều ở cả ba lớp 10, 11 và 12. Về phần lý thuyết, đề có một số câu học thuộc, trả lời nhanh, tuy nhiên phải có tính suy luận mới trả lời đúng được. Ở phần bài tập, đề có nhiều câu khó và xuất hiện một số dạng mới lạ so với những năm trước đó. Trong số những câu bài tập, có nhiều câu thí sinh phải trải qua nhiều bước tính toán mới tìm ra đáp án, đặc biệt, đề có 6 câu khó và 5 câu cực khó.

Nguyễn Dũng - Ngô Bình

Bạn muốn nhận đáp án thi Đại Học 2014 của mình làm đúng hay sai sau khi hết giờ thi? Để nhận ngay đáp án, soạn tin:

DADH Mãkhối Mãmôn Mãđề gửi 8702 
Mã môn: TOAN, LY, HOA, SINH ,VAN, SU, DIA, ANH, NGA, PHAP, TRUNG, NHAT, DUC 
Mã đề: là mã đề thi của thí sinh, nếu là môn thi tự luận thì không cần có mã đề 
VD: Bạn vừa thi xong môn Anh khối D mã đề 123, bạn muốn biết đáp án mã đề này hãy soạn: 

DADH D ANH 123 gửi 8702 
Xem hướng dẫn chi tiết BẤM ĐÂY!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ Thu - Nguyễn Dũng (Tiền Phong)
Tuyển sinh đại học cao đẳng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN