Cuộc đua không cân sức
Việc Bộ GD&ĐT giao các trường đại học (ĐH), cao đẳng (CĐ) tự chủ thời gian xét tuyển nguyện vọng bổ sung (NVBS) kéo dài tới 30/11 khiến cuộc đua xét tuyển NVBS giữa các trường ngoài công lập (NCL) và công lập (CL) ngày càng không cân sức.
Nhiều trường ĐH, CĐ NCL đang gồng mình tìm mọi cách “vét” thí sinh, còn các trường ĐH, CĐ CL vẫn chưa ngừng thông báo xét tuyển bổ sung.
Công - tư thi nhau tuyển NVBS
Đến thời điểm này, nhiều trường ĐH, CĐ NCL tại TPHCM vẫn đang tiếp tục xét tuyển NVBS, có trường còn đến hàng trăm chỉ tiêu.
TS Nguyễn Đăng Liêm, Hiệu trưởng trường ĐH Công nghệ Thông tin Gia Định cho biết, trường tiếp tục xét tuyển 300 chỉ tiêu ĐH, CĐ với điểm xét tuyển bằng điểm sàn.
Thời gian xét tuyển đến 30/11. ThS. Nguyễn Hồng Trang, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Viễn Đông, hiện trường vẫn tiếp tục xét tuyển hơn 450 chỉ tiêu các ngành: Cơ khí, Ô tô, Điện - điện tử, Quản trị kinh doanh, Kế toán, Tin học ứng dụng, Tài chính ngân hàng, Tiếng Anh.
Thí sinh nộp hồ sơ xét tuyển NVBS tại trường ĐH Công nghiệp TPHCM
Theo ThS. Trang thí sinh chỉ cần mức điểm bằng sàn, khả năng trúng tuyển gần 100%. Tương tự, Trường CĐ Bách Việt cũng tiếp tục tuyển 700 chỉ tiêu các ngành: Các trường ĐH, CĐ khác như: ĐH Quốc tế Hồng Bàng, ĐH Kỹ thuật Công nghệ TPHCM, Trường CĐ Văn hóa nghệ thuật và du lịch Sài Gòn… tiếp tục xét tuyển hàng trăm chỉ tiêu NVBS.
Ở các địa phương, hàng loạt trường ĐH NCL tiếp tục tìm kiếm chỉ tiêu NVBS. Trường ĐH Võ Trường Toản (Hậu Giang) tuyển 470 chỉ tiêu vào 6 ngành bậc ĐH, 280 chỉ tiêu vào 4 ngành bậc CĐ, thời gian xét tuyển đến 15/10.
Bộ cần có phương án tuyển sinh riêng cho các trường ĐH, CĐ NCL và CL, cũng như các trường ĐH, CĐ thuộc top trên và top dưới chứ không nên để các trường “đua” nhau như hiện nay. Bộ có thể giới hạn thời gian xét tuyển ở các trường CL thuộc top trên hoặc có những quy định riêng về mức điểm xét tuyển bổ sung ở các trường này thì mới mong rằng các trường NCL, các trường ĐH địa phương tuyển đủ được chỉ tiêu. Lãnh đạo một trường NCL đề nghị. |
Trường ĐH Cửu Long (Vĩnh Long) tiếp tục nhận hồ sơ đến ngày 5/10. Tương tự, các trường ĐH Phan Thiết (Bình Thuận), ĐH Công nghệ Đồng Nai, ĐH Yersin Đà Lạt, ĐH Duy Tân (Đà Nẵng)…
Một loạt trường ĐH, CĐ CL vẫn rỉ rả thông báo xét tuyển bổ sung. Ngày 30/9, Trường ĐH Công nghiệp TPHCM thông báo tuyển thêm 335 chỉ tiêu vào 11 ngành bậc ĐH với điểm xét tuyển chỉ ở mức từ 13 đến 14 điểm đến ngày 4/10.
Trường CĐ Kinh tế Đối ngoại TPHCM thông báo xét tuyển 100 chỉ tiêu hệ CĐ chính quy tại cơ sở Cần Thơ. Đối tượng xét tuyển là thí sinh dự thi khối A và D1 có hộ khẩu tại Cần Thơ và các tỉnh ĐBSCL.
Điểm xét tuyển khối A: 13, khối D1: 13,5. Thời gian nhận hồ sơ đến ngày 15-10. Hàng loạt trường ĐH, CĐ công lập ở các tỉnh thành khác thông báo tuyển tiếp hàng trăm chỉ tiêu NVBS. Trường ĐH An Giang nhận hồ sơ đến 13-10; Trường ĐH Trà Vinh, ĐH Bạc Liêu, ĐH Tiền Giang… vẫn tiếp tục nhận hồ sơ xét tuyển NVBS.
Không cân sức
Bộ giao cho các trường ĐH, CĐ tự chủ thời gian xét tuyển NVBS nên nhiều trường ĐH, CĐ xảy ra tình trạng bất nhất trong việc xét tuyển NVBS. Nhiều trường dù trước đó thông báo đã đủ chỉ tiêu, không tuyển NVBS nữa nhưng vài tuần sau lại thông báo tiếp tục tuyển bổ sung như trường ĐH Kinh tế - Luật (ĐH Quốc gia TPHCM), Trường ĐH Hoa Sen, ĐH Ngoại ngữ - Tin học TPHCM…
Theo đại diện nhiều trường ĐH, CĐ việc các trường CL cứ rỉ rả xét tuyển NVBS thì các trường NCL sẽ không còn nguồn tuyển. Và cho dù các trường này có tuyển đến 30/11 thì cũng chẳng được bao nhiêu bởi thí sinh đang bị hút về các trường CL.
ThS. Nguyễn Hồng Trang, Phó Hiệu trưởng trường CĐ Viễn Đông cho rằng: Các trường CL hỗ trợ về nhiều mặt: Hỗ trợ kinh phí đào tạo, cơ sở vật chất, sinh viên học ở các trường CL được hỗ trợ kinh phí đào tạo, trong khi đó trường NCL thì tự chủ hoàn toàn về mọi mặt.
Nếu trường CL cùng đua tuyển sinh với các trường NCL như hiện nay thì rất không công bằng. Bởi nếu trường CL còn tuyển NVBS dài dài như hiện nay thì trường NCL sẽ hết nguồn tuyển.
“Cuộc chạy đua xét tuyển NVBS hiện nay giữa các trường ĐH CL và NCL là một cuộc đua không cân sức. Và bao giờ “người hâm mộ” tức thí sinh cũng dành ưu ái hơn cho các trường CL. Chỉ khi nào thí sinh thấy mình không đủ điểm để vào trường CL thì mới chọn trường NCL. Thậm chí nhiều em chọn trường NCL học chỉ là “học… tạm để tiếp tục nuôi giấc mơ CL” - TS Liêm nói.