Cơm áo gạo tiền: Giảm nhiệt huyết thủ khoa

Lê Sử Năng, chủ nhiệm đầu tiên của câu lạc bộ Thủ khoa Hà Nội cho hay, sự nhiệt huyết cống hiến các cựu thủ khoa đại học đã giảm đi theo thời gian do chuyện cơm áo mưu sinh.

Thủ khoa mong muốn cống hiến

- Thống kê của Sở Nội vụ Hà Nội cho biết dù mở rộng cửa nhưng sau 9 năm thực hiện chương trình Tuyên dương thủ khoa, trong gần 1.000 thủ khoa xuất sắc của các ĐH-HV tại Hà Nội chỉ gần 10% về làm tại các cơ quan nhà nước của thành phố. Bạn có ngạc nhiên với con số này?

+ Tôi nhớ năm 2004, có 3 thủ khoa được tuyển vào làm cho các Sở (3%). Sau 3 năm, con số này tăng lên 17 bạn (khoảng 6%). Trong những năm gần đây, thành phố đã có thêm nhiều chính sách đãi ngộ với các thủ khoa nên con số này có tăng lên.

Bản thân tôi nghĩ đây là con số bình thường so với tình trạng hiện tại đối với cả hai phía. Không phải mọi thủ khoa đều có nguyện vọng về làm cho sở hay các cơ quan hành chính. Còn với thành phố, không phải ban ngành nào cũng cần nhiều người. Bên cạnh đó, nếu có cần thật thì con số thủ khoa có ngành học không tương ứng với chỉ tiêu của ban ngành này.

Cơm áo gạo tiền: Giảm nhiệt huyết thủ khoa - 1

Thủ khoa đầu ra năm 2011 trong buổi lễ vinh danh và trò chuyện ở Văn Miếu - Quốc Tử Giám (Ảnh: Lê Hiếu)

- Từng là chủ nhiệm CLB thủ khoa Hà Nội, bạn thấy có nhiều thủ khoa muốn về làm cho Thủ đô?

Hiện tại thành phố (TP) cũng như CLB không có thống kê chính xác.

Tuy nhiên, qua trong thời gian sinh họat với các thủ khoa của nhiều thế hệ, tôi thấy thật sự các bạn vẫn muốn được hưởng chính sách đãi ngộ người tài theo nghĩa thật sự của nó, đặc biệt là các bạn tân thủ khoa vừa được tuyên dương.

Tôi nghĩ, các bạn vừa được tuyên đang hân hoan trong vinh quang và còn có nhiều hoài bão cống hiến. Nhưng hiện những bạn vào làm ở thành phố phần lớn là học về ngành xã hội, các trường hành chính.

Còn đối với các cựu thủ khoa thì sự nhiệt huyết cống hiến đã giảm đi theo thời gian do vấn đề cơm áo và mưu sinh. Có người bảo tôi đang cống hiến nhưng thực ra đó là mưu sinh.

Cơm áo không đùa với…thủ khoa

- Bạn có chứng kiến trường hợp từng làm trong các cơ quan nhà nước của Hà Nội rồi xin chuyển ra ngoài?

Khi đang còn liên lạc với các bạn tôi có nghe đến thông tin về việc có một vài bạn đã chuyển ra ngoài. Qua chia sẻ thông tin thì được biết lý do chính vẫn là vấn đề lương bổng.

Việc này cũng không có gì lạ và nhạy cảm nữa vì dù có cống hiến hay làm gì đi nữa thì trước mắt thu nhập chính cũng phải đủ nuôi sống bản thân và gia đình, đặc biệt là những gia đình một số bạn thủ khoa từ quê lên Hà Nội học và ở lại đây làm việc.

Cơm áo gạo tiền: Giảm nhiệt huyết thủ khoa - 2

"Có người bảo tôi đang cống hiến nhưng thực ra là phải vì mưu sinh mà thôi" - Lê Sử Năng, Chủ nhiệm đầu tiên của CLB thủ khoa Hà Nội tâm sự.

Thủ khoa xuất sắc là những tinh túy của không chỉ thủ đô mà cả đất nước. Việc không thu hút được những bạn trẻ có năng lực ấy có phải là một thất bại?

Có thể nói Hà Nội là thành phố tiên phong trong việc đưa ra sáng kiến đãi ngộ, thu hút người tài.

Tuy nhiên, trong những năm đầu chính sách này chưa làm triệt để và chưa đến được với các thủ khoa.

Tôi nghĩ hàng năm thành phố cần công bố các chỉ tiêu rõ ràng từ trước và có các chính sách cụ thể gửi về các trường để các sinh viên xuất sắc có nguyện vọng đăng ký.

Ngoài ra, chính sách này cần được nhân rộng hơn ở các tỉnh thành vì thực tế là phần lớn những người giỏi khi học xong đều không trở về quê nhà.

Những người không chờ đời

- Theo bạn, Hà Nội và một số tỉnh thành cần làm gì để thu hút những thủ khoa xuất sắc về làm việc và cống hiến?

Để thu hút một thủ khoa hay bất kỳ người có năng lực nào về làm việc thì nơi đó cần có cơ chế làm việc hấp dẫn thực sự.

Việc hấp dẫn này không chỉ là trả một khoản tiền lương cao hàng tháng đủ cho gia đình họ sinh sống mà còn cần tạo cơ hội cho họ được làm việc thật sự, được thỏa sức sáng tạo, được có cơ hội để học tập và để họ thấy có một tương lai tăng tiến trong sự nghiệp.

Đó là một cơ chế lý tưởng chứ thật sự không phải ở ban ngành nào hay tỉnh thành nào cũng có thể làm đáp ứng được.

Tôi cũng đã có suy nghĩ nếu thật sự các tỉnh thành hay đơn vị nào đó muốn thu hút người tài thì tại sao không công bố các chính sách này rõ và sớm để tất cả sinh viên các trường đại học trên cả nước đều biết.

Việc thu hút người tài cũng cần làm ngay cả khi các em đang còn học trên giảng đường. Được vậy thì ta đã làm đúng cái gọi là phát hiện và tìm kiếm nhân tài.

Tôi được biết, Thành ủy đang chỉ đạo soạn thảo một dự án về chế độ thu hút và sử dụng người tài, trong đó bao gồm cả thủ khoa Hà Nội. Tôi hy vọng rằng đề án này ra đời sẽ là một thay đổi lớn cho việc sử dụng và đãi ngộ nhân tài hiện nay.

Không phải thủ khoa không mặn mà với cơ chế của Thủ đô. Nhưng họ không đợi đến lúc thành phố hay ai đó mời đến làm việc. Họ vẫn biết tự khẳng định mình qua các kỳ thi vào các cơ quan bộ ngành hay tổ chức nước ngoài, thậm chí có bạn còn không giới thiệu mình là thủ khoa. Đã là thủ khoa thật sự thì còn cần thể hiện ở khả năng làm việc chứ không chỉ ở điểm cao hay bằng đỏ.

Cảm ơn bạn!

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Văn Chung (Vietnamnet)
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN