Cấp bách chuẩn hóa chính tả tiếng Việt

Sự kiện: Giáo dục

Quy định chính tả trong chương trình, sách giáo khoa giáo dục phổ thông mới đang được Bộ GD-ĐT xây dựng nhằm thống nhất cách viết chính tả, tránh tình trạng mỗi nơi viết một kiểu

Giáo sư Nguyễn Minh Thuyết, Tổng Chủ biên chương trình, sách giáo khoa (SGK) mới, cho biết từ năm 1980, Bộ Giáo dục và Đào tạo (GD-ĐT) đã có 3 văn bản quy định về chính tả trong SGK nhưng giữa các văn bản này còn nhiều quy định không thống nhất với nhau.

Thống nhất cách phiên âm tên nước ngoài

Trong bối cảnh Nghị quyết số 88 của Quốc hội khuyến khích nhiều tổ chức, cá nhân tham gia biên soạn SGK, nếu không có quy định thống nhất, khó tránh khỏi tình trạng mỗi SGK viết một cách, gây khó khăn cho việc dạy, học và đánh giá kết quả giáo dục.

GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng so với các văn bản hiện hành, dự thảo thông tư quy định chính tả trong chương trình, SGK giáo dục phổ thông mới có một số thay đổi.

Đối với quy định về việc viết tên riêng Việt Nam và tên riêng nước ngoài, cơ bản giữ nguyên như quy định hiện hành đối với quy định về cách viết tên người, tên địa lý Việt Nam. Về cách viết tên tổ chức, đơn vị, sẽ viết hoa chữ cái đầu của mỗi từ hoặc cụm từ có tác dụng phân biệt tên riêng đó với những tên riêng khác. Ví dụ: Ngân hàng Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, Trường Tiểu học Trần Văn Ơn, Trường Đại học Sư phạm Hà Nội...

Những tên người, tên địa lý đã được dịch nghĩa hoặc phiên âm qua âm Hán Việt mà quen dùng như Hắc Hải, Đại Tây Dương, Mỹ, Anh, Bắc Kinh, Đỗ Phủ, Lý Bạch… thì viết như cách viết tên người, tên địa lý tiếng Việt. Những trường hợp còn lại sẽ có 3 hình thức xử lý: 1. nguyên dạng, nếu đó là tên viết bằng chữ Latin, ví dụ: Victor Hugo, Albert Einstein, Thomas Edison, Paris, New York... 2. Đối với việc chuyển tự sang chữ Latin, nếu đó là tên viết bằng các chữ ghi âm không phải chữ Latin, ví dụ: Volga, Moskva, Sankt Peterburg... 3. Trường hợp không chuyển tự được thì viết như cách viết trong tiếng Anh, ví dụ: Tokyo, Fuzhou, Zhejiang, Nile, Cleopatra... Lý giải về sự thay đổi trong cách viết tên người nước ngoài, GS Nguyễn Minh Thuyết cho rằng quy định này so với cách phiên âm có gạch nối giúp học sinh thuận tiện hơn trong việc tra cứu tài liệu và giao dịch bằng tiếng nước ngoài.

Đối với SGK tiểu học, dự thảo có quy định riêng. Cụ thể, đối với SGK 3 lớp 1, 2 và 3, SGK sử dụng hình thức phiên âm, có gạch nối để nối các âm tiết trong cùng một bộ phận tạo thành tên, ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn, Mát-xcơ-va, Tô-ky-ô… Đối với SGK lớp 4 và 5, bên cạnh tên riêng được phiên âm có tên nguyên dạng hoặc chuyển tự đặt trong ngoặc đơn; ví dụ: Tô-mát Ê-đi-xơn (Thomas Edison), Mát-xcơ-va (Moskva), Pa-ri (Paris), Tô-ky-ô (Tokyo).

Hiện nay chưa thống nhất chuẩn chính tả trong sách giáo khoa

Hiện nay chưa thống nhất chuẩn chính tả trong sách giáo khoa

Đau đầu vì "i" hay "y"

Ngoài những sự thay đổi quan trọng như trên, dự thảo cũng đưa ra quy định về viết chữ "i" hay "y" sau các phụ âm: h, k, l, m, s, t trong những âm tiết không có phụ âm cuối, ví dụ: "bác sĩ" hay "bác sỹ", "tỉ lệ" hay "tỷ lệ"… GS Thuyết cho hay trong trường hợp này, dự thảo quy định mới vẫn theo quy định đã có từ năm 1980 của Bộ GD-ĐT, để tránh làm xáo trộn một thói quen đã hình thành sau gần 40 năm áp dụng.

GS-TS ngôn ngữ học Trần Trí Dõi, ĐHQG Hà Nội, từng phàn nàn về cách viết không phân biệt i và y trong tiếng Việt. Ví dụ tượng đài Lý Thái Tổ ở Hà Nội có ghi rõ "Lý Thái Tổ", một trường trung học ở Nha Trang có bảng tên gọi ở cổng trường là "Lý Tự Trọng" nhưng sau Quyết định 240/QĐ ngày 5-3-1984 của Bộ Giáo dục về "chính tả" thì trong sách giáo khoa thì lại viết thành "Lí Tự Trọng". Theo GS Trần Trí Dõi, sự tương phản giữa tên gọi thực tế và cách dùng ở SGK gây tác dụng tiêu cực cho học sinh. Học sinh sẽ hằng ngày phải quen với một thực tế không thống nhất giữa cách dùng trong SGK và thực tế, điều này sẽ khiến các em có thói quen "nhờn" với những gì được coi là chính thức.

Một nội dung cũng gây ra nhiều tranh cãi khác là vị trí đặt dấu thanh trong chính tả. Dự thảo lần này quy định đặt dấu thanh vào âm chính, điều này được cho là phù hợp kết quả phân tích ngôn ngữ học là trong tiếng Việt, thanh điệu bao giờ cũng rơi vào âm chính. Trường hợp âm chính được thể hiện bằng một chữ cái, dấu thanh được đặt trên hoặc dưới chữ cái đó, ví dụ: nhà, vịt, hoà (trong tiếng "hoà", dấu thanh đặt trên âm chính "a" vì "o" chỉ là âm đệm). Trường hợp âm chính được thể hiện bằng 2 chữ cái thì đối với các ký hiệu ia, ua, ưa, dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ nhất (ví dụ: bìa, lụa, lửa...), đối với các ký hiệu iê, yê, uô, ươ, dấu thanh đặt trên hoặc dưới chữ cái thứ hai (ví dụ biển, thuyền, nhuộm, được...). 

Nhà báo Nguyễn Sỹ Đại, Báo Nhân Dân:

Ủng hộ dự thảo của Bộ GD-ĐT

Năm 1984, Bộ GD-ĐT có Quyết định số 240/QĐ, ban hành "Quy định về chính tả tiếng Việt và thuật ngữ tiếng Việt" do Bộ trưởng Nguyễn Thị Bình ký, áp dụng cho các SGK, báo và văn bản của ngành giáo dục. Tuy nhiên, từ nhiều năm nay, quy định về chuẩn chính tả này đã bộc lộ nhiều hạn chế. Chẳng hạn, dùng i (i ngắn) thay cho y (y dài) không chỉ không đẹp mà còn không đúng. Ví dụ Lý Công Uẩn đã được ghi trong nhiều sử sách không thể viết thành Lí, hay không thể đổi Lý Tự Trọng, Bùi Kỷ… là tên riêng ghi trong khai sinh thành Lí Tự Trọng, Bùi Kỉ. Cũng không thể viết một họ lớn ở nước ta thành Nguiễn.Chưa hết, quy định năm 1984 cũng không bảo đảm nguyên tắc tên riêng. Khoản b, mục 3 quy định đối với tên tổ chức, cơ quan chỉ viết hoa chữ cái đầu của âm tiết đầu trong tổ hợp từ dùng làm tên, ví dụ Trường đại học sư phạm Hà Nội. Như vậy không ổn vì tên riêng của trường là Sư phạm. Rồi cả các dấu câu, dấu thanh đánh vào chữ cái nào của một âm tiết cũng là vấn đề không thống nhất. Tôi ủng hộ dự thảo của Bộ GD-ĐT vì rất cần phải có một quy định thống nhất về chuẩn chính tả.

GS Nguyễn Minh Thuyết, Tổng chủ biên Chương trình giáo dục phổ thông mới:

Phải có chuẩn chung

Việc xây dựng một chuẩn chung là rất cần thiết vì hiện có nhiều quy định về chính tả tương đối "vênh" nhau. Ngay Bộ GD-ĐT từ năm 1984 đến 2003 cũng có tới 3 quyết định khác nhau về chính tả trong chương trình, SGK. Chưa kể còn có 2 văn bản quy định của Văn phòng Chính phủ và Bộ Nội vụ về chính tả trong các văn bản hành chính.Sắp tới, thực hiện nghị quyết của Quốc hội cho phép thực hiện nhiều bộ SGK do các tổ chức, cá nhân biên soạn, nếu không có quy định thống nhất sẽ dễ dẫn tới tình trạng mỗi bộ/cuốn SGK khác nhau sẽ có những quy chuẩn khác nhau về chính tả. Điều này sẽ gây khó khăn, lúng túng cho các trường, giáo viên và học sinh trong trong quá trình dạy học.Phạm vi áp dụng quy định này là chương trình, SGK mới. Việc sử dụng thống nhất trong toàn ngành giáo dục sẽ tạo ra một lớp người mới quen với cách viết này, dần dần những quy định mang tính hợp lý sẽ lan tỏa ra toàn xã hội.

PGS-TS Phạm Văn Tình, Tổng Thư ký Hội Ngôn ngữ học Việt Nam:

Thống nhất với mọi cấp học

Tôi hoàn toàn nhất trí với dự thảo quy định chính tả trong chương trình giáo dục phổ thông mới. Chuẩn hóa chính tả cần phải thống nhất trong mọi cấp học. Cách tốt nhất là phải chuẩn hóa trong SGK để giáo viên và học sinh có căn cứ thực hiện.Vướng mắc nhiều nhất (không chỉ trong SGK mà trong cả những văn bản xã hội đang thực hiện, nhất là báo chí truyền thông) trong chính tả là tên riêng, tên địa lý nước ngoài, tiếng dân tộc. Cần phải hướng tới giải pháp chứa nhiều yếu tố tích cực, tiện dụng và hướng tới sự thống nhất chung. Sự thay đổi theo dự thảo mới này ban đầu có thể có khó khăn với cả giáo viên và học sinh vì bấy lâu nay vẫn áp dụng 2 cách thể hiện chính tả (trong SGK và thói quen học đường). Nhưng tôi tin khi vào guồng thì mọi việc sẽ ổn thỏa vì thực chất trở ngại này không lớn lắm.

Nguồn: [Link nguồn]

GS Hồ Ngọc Đại: Sẵn sàng đối thoại về SGK Tiếng việt 1 – Công nghệ

Sau khi có thông tin Thủ tướng chỉ đạo Bộ trưởng Bộ GD&ĐT Phùng Xuân Nhạ rà soát lại việc thẩm định SGK nói chung và...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yến Anh ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN