Bộ Y tế giải thích lý do đổi tên trường ĐH Y dược TPHCM thành ĐH Sức khỏe?

Sự kiện: Giáo dục

Ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế lý giải vì sao Bộ Y tế chủ trương đổi tên gọi một số trường y dược thành Đại học Sức khỏe.

Ngày 16/9 vừa qua, PGS-TS Nguyễn Thị Kim Tiến, Bộ trưởng Bộ Y tế đến dự lễ khai giảng năm học 2019-2020 của Trường ĐH Y dược TP.HCM và đề nghị đổi tên trường thành Đại học Sức khỏe.

Theo PGS Nguyễn Hữu Đức – nguyên Giảng viên trường Đại học Y Dược TP.HCM, nhiều đồng nghiệp cũ của ông từng công tác, giảng dạy tại trường này cũng “phát hoảng” với đề nghị đổi tên trường. Họ cho rằng tên trường Đại học Y Dược hoàn toàn phù hợp. Ngoài thương hiệu của trường nó cũng giúp trường phát triển về mặt đối ngoại, quốc tế hơn.

Đại học Y Dược TP.HCM

Đại học Y Dược TP.HCM

Ngày 17/9, ông Nguyễn Minh Lợi, Phó cục trưởng Cục Khoa học công nghệ và Đào tạo-Bộ Y tế đã chia sẻ về một số chủ trương mới trong đào tạo ngành y trong thời gian tới và lý giải vì sao Bộ Y tế chủ trương đổi tên gọi một số trường y dược thành Đại học Sức khỏe.

​Thưa ông, ông có thể cho biết một số nội dung mới liên quan đến đào tạo nhân lực y tế?

​Đối với các cơ sở đào tạo nhân lực y tế, năm học 2019-2020, Bộ Y tế đang triển khai rất nhiều chương trình, đề án như thành lập Hội đồng Y khoa quốc gia và tổ chức thí điểm thi quốc gia để xét cấp chứng chỉ hành nghề có thời hạn; Đề án sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe…

​Triển khai và thực hiện Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học, Bộ Y tế được Thủ tướng Chính phủ giao chủ trì xây dựng Nghị định về đào tạo chuyên sâu trong lĩnh vực sức khỏe nhằm nâng cao chất lượng nguồn nhân lực và phù hợp với thông lệ quốc tế.

​Như ông vừa nêu, một trong những đề án sẽ được triển khai là sắp xếp, phát triển một số cơ sở đào tạo thành Đại học Khoa học sức khỏe. Ông có thể nói rõ hơn về Đề án này?

​Trước hết, phải khẳng định khoa học sức khỏe bao gồm nhiều lĩnh vực: khoa học y sinh (sinh học di truyền, giải phẫu, sinh lý, mô phôi, vi sinh, ...), y học, y học cổ truyền, dược học, răng hàm mặt, điều dưỡng, kỹ thuật y học, y tế công cộng, ...

Mô hình đại học trong đó có các trường thành viên đã có ở Việt Nam như các Đại học Quốc gia (Hà Nội, thành phố Hồ Chí Minh), Đại học vùng (Thái Nguyên, Huế, Đà Nẵng), mô hình này đã được khẳng định trong Luật sửa đổi, bổ sung một số điều của Luật Giáo dục đại học.

Đối với lĩnh vực khoa học sức khỏe, cũng đã có một số mô hình như Đại học Khoa học sức khỏe Lào, Đại học California Sanfrancisco (University of California, Sanfrancisco), ...

Cách đây gần 20 năm chủ trương thành lập Đại học Khoa học sức khỏe ở Việt Nam đã được đề cập, dự kiến đặt tại Hà Nội và thành phố Hồ Chí Minh.

Về bản chất, đây là mô hình đại học trong đó có các trường thành viên chuyên ngành là Trường Đại học Y, Trường đại học Dược, Trường Đại học Điều dưỡng, Trường Đại học Y tế công cộng, ...

Theo mô hình này, sẽ tạo quyền tự chủ học thuật cho các trường thành viên theo từng chuyên ngành, nhưng lại phát huy tối đa và hiệu quả thông qua sự chia sẻ nguồn lực chung như bộ máy quản lý, điều phối, đầu tư cho các bộ môn cơ bản, cơ sở thuộc khối khoa học y sinh, sự phối hợp nghiên cứu và đào tao liên ngành, ...

Hiện nay chúng tôi đang nghiên cứu xây dựng Đề án để có mô hình phù hợp nhất, trên nguyên tắc đảm bảo đúng quy định của pháp luật nhưng vẫn giữ được truyền thống và “thương hiệu” của cơ sở đào tạo.

Chúng tôi cũng xác định quan trọng là bản chất vấn đề chứ không phải là tên gọi.

​Ông có thể nói khái quát về định hướng thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề và Hội đồng Y khoa quốc gia?

Việc thi quốc gia để cấp chứng chỉ hành nghề là xu hướng chung trên thế giới. Hiện nay Bộ Y tế đang đưa nội dung này vào Luật Khám bệnh, chữa bệnh sửa đổi và chỉ áp dụng cho những người chưa có chứng chỉ hành nghề, những người đã được cấp chứng chỉ hành nghề thì không phải qua kỳ thi này.

Dự kiến việc thi sẽ được áp dụng theo mô hình của các nước tiên tiến, ứng dụng tối đa công nghệ thông tin để thuận lợi nhất cho người dự thi, đảm bảo công bằng, khách quan và đánh giá đúng năng lực của người dự thi.

Thi quốc gia ở đây nghĩa là kỳ thi được tổ chức ở nhiều địa phương, nhiều thời điểm trong năm nhưng theo một bộ tiêu chí đánh giá năng lực chung của cả nước do Hội đồng Y khoa Quốc gia xác định, được cơ quan có thẩm quyền phê duyệt.

Điểm trúng tuyển Đại học Y Hà Nội cao nhất là 24,75

ĐH Y Hà Nội vừa công bố điểm trúng tuyển. Theo đó, các ngành đều có điểm chuẩn giảm so với năm ngoái.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Diệu Thu ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN