Đà Nẵng: Thiếu từ nhân lực y tế cơ sở

Những năm gần đây, so với cả nước, Đà Nẵng nổi lên như một hiện tượng trong việc đầu tư xây mới nhiều bệnh viện (cả của nhà nước và tư nhân) phục vụ việc chăm sóc y tế cho người dân. Đà Nẵng cũng là một trong những trung tâm đào tạo nhân lực y tế khá lớn của miền Trung-Tây Nguyên. Thế nhưng nghịch lý là nhiều bệnh viện ở TP vẫn thiếu bác sĩ trầm trọng.

Không có bác sĩ, nên một ngày làm việc của 6 cán bộ Trạm y tế P. Hòa Hải (Q. Ngũ Hành Sơn, TP Đà Nẵng) rất vất vả. Ngoài dược sĩ Nguyễn Thị Xuân Lan-trưởng trạm thì 5 cán bộ khác gồm 1 y sĩ khám bệnh, 3 điều dưỡng và 1 nữ hộ sinh đảm nhiệm khám, kiểm tra sức khỏe ban đầu cho khoảng 23.000 người dân của P.Hòa Hải.

Mỗi ngày trung bình cả 6 người thay nhau khám, chăm sóc y tế cho khoảng 20-30 bệnh nhân nên công việc của họ cũng quay cuồng cả ngày. Đó là chưa kể những chuyện bất thường xảy ra nửa đêm nửa hôm khi người dân cần đến sơ cấp cứu ban đầu. Ngoài việc đảm nhiệm công tác y sĩ, dược sĩ, các cán bộ y tế của Trạm còn kiêm thêm cả núi công việc khác như: y tế cộng đồng, phát tờ rơi, đưa giấy mời họp về y tế, kiểm tra dịch bệnh, giám sát dịch,...

Đà Nẵng: Thiếu từ nhân lực y tế cơ sở - 1

Khám chữa bệnh cho trẻ em ở một trung tâm y tế

Dược sĩ Nguyễn Thị Xuân Lan cho biết: Trước đây Trạm cũng đã hai lần đề xuất xin bác sĩ để phục vụ công tác khám chữa bệnh cho người dân tốt hơn, nhưng đến nay vẫn chưa được bố trí (vì Trung tâm y tế Q. Ngũ Hành Sơn nằm gần địa bàn phường). Mỗi tuần 2 lần, các bác sĩ của Trung tâm y tế quận tăng cường xuống cơ sở, trực tiếp khám chữa bệnh cho người dân.

Cách đó không xa, Trạm y tế P. Hòa Quý trước đây cũng thiếu bác sĩ, tuy nhiên ưu tiên địa phương xa hơn so với Hòa Hải nên đã được bố trí 1 bác sĩ giữ “chốt” tại trạm, còn người dân P.Hòa Hải vào những ngày bác sĩ không xuống tăng cường thì đành “vượt tuyến” lên Trung tâm y tế quận hoặc tuyến cao hơn để khám chữa bệnh. “Vừa qua có 1 em nghỉ sinh, sắp đến lại thêm một em khác nghỉ sinh vì vậy công việc của 6 người sẽ dồn vào 4 người, nếu không được tăng cường từ tuyến trên chắc không kham nổi”-dược sĩ Lan lo lắng. Tương tự, ngoài 8 xã của H. Hòa Vang đã có bác sĩ thì 3 xã còn lại là Hòa Châu, Hòa Phước, Hòa Tiến đang ngóng chờ bác sĩ tăng cường về Trạm.

Bệnh viện Hòa Vang được xây dựng với quy mô 100 giường bệnh, dự kiến đầu năm 2013 sẽ đưa vào hoạt động, là niềm vui đối với nhiều người dân địa phương nhằm nâng cao chất lượng khám chữa bệnh cũng như góp phần giảm tải cho tuyến trên. Theo yêu cầu, Bệnh viện đa khoa Hòa Vang cần từ 35-40 bác sĩ các chuyên khoa, tuy nhiên con số này hiện chưa được phân nửa.

Chung với tình trạng thiếu bác sĩ của cả TP Đà Nẵng, các bệnh viện Ung Bướu, Sản Nhi,... cũng đang cố gắng xoay xở với lực lượng y, bác sĩ quá mỏng. Bác sĩ Phạm Hùng Chiến-Giám đốc Sở y tế TP Đà Nẵng cho biết, hiện Đà Nẵng có tỷ lệ 49-50 giường bệnh/vạn dân, tương đương với từ 6-7 bác sĩ/1 vạn dân, đây là con số khá cao so với mức trung bình cả nước. Tuy nhiên nếu để chăm sóc y tế toàn diện cho người dân, hiện toàn hệ thống y tế của TP thiếu khoảng hơn 500 bác sĩ, trong đó tuyến phường xã thiếu khoảng 36; tuyến quận, huyện 100 và tuyến TP từ 300-400 bác sĩ. Bác sĩ Phạm Hùng Chiến cho rằng: “Mặc dù đã cố gắng rất nhiều, nhưng trong 2 năm qua mới có thêm 3 bác sĩ (trong đó 2 người được đào tạo trong ngành và 1 người từ nơi khác về)”.

Đà Nẵng: Thiếu từ nhân lực y tế cơ sở - 2

Thiếu bác sĩ ở tuyến dưới gây áp lực cho việc khám chữa bệnh ở tuyến trên

Để tăng cường bác sĩ cho các bệnh viện, ngoài các chính sách về thu hút nhân tài; ưu tiên chế độ cho bác sĩ về vùng sâu, vùng xa công tác,... đang thực hiện, vừa qua Ban Thường vụ Thành ủy Đà Nẵng ban hành kế hoạch tuyển chọn và đào tạo bác sĩ, bác sĩ nội trú theo “Đề án phát triển nguồn nhân lực chất lượng cao năm 2012”. Theo đó, đầu năm học 2012-2013 sẽ tuyển chọn và thu hút từ 20 - 40 HS, SV, học viên trên địa bàn TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam, tốt nghiệp THPT năm học 2011-2012, trúng tuyển nguyện vọng 1 ngành bác sĩ tại các trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y-Dược TPHCM, ĐH Y-Dược Huế; sinh viên ngành Y đang học từ năm thứ 3, có kết quả học tập từng năm đạt loại khá trở lên; học viên đang học bác sĩ nội trú tại các Trường ĐH Y Hà Nội, ĐH Y-Dược TPHCM, ĐH Y-Dược Huế (ưu tiên nguyên quán, hoặc đã tốt nghiệp THPT tại các trường THPT ở TP Đà Nẵng và tỉnh Quảng Nam).

Sau khi ký hợp đồng với đề án sẽ được hưởng các quyền lợi như: được cấp học bổng toàn phần trong suốt thời gian học, hỗ trợ lại toàn bộ chi phí trong thời gian học trước khi tham gia đề án, bố trí công việc phù hợp với ngành nghề đào tạo sau khi tốt nghiệp. Ngoài ra ứng viên sẽ được xem xét chuyển tiếp lên bậc học cao hơn (bác sĩ nội trú, thạc sĩ), bố trí thuê nhà chung cư và hưởng chính sách dành cho đối tượng thu hút của TP Đà Nẵng đối với ứng viên tốt nghiệp đại học hạng giỏi, xuất sắc, thạc sĩ, bác sĩ nội trú,... Sau khi tốt nghiệp, ứng viên phải công tác tại cơ quan thuộc thành phố Đà Nẵng ít nhất 5 năm.

Theo bác sĩ Phạm Hùng Chiến, hiện đã có 89 em đăng ký tham gia dự án này, Sở Y tế và các cơ quan liên quan đang xem xét để tuyển những em đủ tiêu chuẩn để đưa đi đào tạo. “Với những nỗ lực của các cấp, các ngành trong vài năm tới số lượng bác sĩ đang thiếu tại các bệnh viện sẽ được bù đắp”-bác sĩ Chiến tin tưởng.

(còn nữa)

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Anh Tuấn (Công an Đà Nẵng)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN