Bỏ điểm sàn đại học: Trường cao đẳng, trung cấp sẽ "chết" dần

Với dự thảo bỏ điểm sàn, không giới hạn nguyện vọng trong xét tuyển đại học năm 2017 của Bộ GD&ĐT, đại diện nhiều trường cao đẳng, trung cấp (CĐ-TC) cho rằng, nếu dự thảo thành hiện thực, các trường này sẽ “chết”, đồng thời phá vỡ chính sách phân luồng giáo dục nghề nghiệp nhiều năm qua.

Bỏ điểm sàn đại học: Trường cao đẳng, trung cấp sẽ "chết" dần - 1

Nhiều trường CĐ- TC cho rằng việc Bộ GD&ĐT thay đổi chính sách giáo dục đã vô tình “giết” họ, đồng thời phá vỡ chính sách phân luồng giáo dục nghề nghiệp trong nhiều năm qua

Ông Lương Quang Ngọc, Hiệu trưởng trường Trung cấp Bến Thành TPHCM, cho rằng, điểm sàn là ranh giới giữa các bậc học đã được duy trì từ nhiều năm qua. Điểm sàn có thể hiểu là mức năng lực tối thiểu của một người nếu muốn vào bậc học nào đó, nếu dưới mức điểm này thì người học sẽ không đủ sức để tiếp nhận kiến thức, chất lượng đầu ra sẽ không đảm bảo tiêu chuẩn. “Nếu bỏ điểm sàn, tức xóa bỏ ranh giới này sẽ dẫn đến việc vào đại học rất dễ, nhất là với các trường đại học ngoài công lập, các trường top dưới. Điều này đồng nghĩa với việc thí sinh sẽ ồ ạt vào đại học, vậy ai sẽ làm công nhân. Vô tình dẫn đến tình trạng thừa thầy, thiếu thợ, làm phá vỡ chính sách phân luồng giáo dục nghề nghiệp…”, ông Ngọc nói.

Dẫn chứng về việc này, ông Ngọc cho biết, nhiều năm qua không ít cử nhân sau khi tốt nghiệp không có việc làm đã phải quay lại học nghề. “Như trường tôi hàng năm đều có khoảng chục cử nhân ra trường nhưng thất nghiệp đến xin học nghề. Những nghề như dược học, kỹ thuật… được họ chọn học nhiều nhất với mong muốn sớm tốt nghiệp để về bán thuốc tây, làm công nhân…”, ông kể.

Ông Ngọc cho rằng, Bộ GD&ĐT đã hoàn toàn buông xuôi hệ CĐ- TC kể từ khi hệ này chính thức bàn giao cho Bộ LĐ-TB&XH. “Sự bất cập của hệ thống giáo dục nước ta là thiếu tính thống nhất, liên thông khi cắt khúc giữa là hệ CĐ - TC cho Bộ LĐ-TB&XH quản lý, hai khúc còn lại là phổ thông và đại học thuộc Bộ GD&ĐT”, ông Ngọc nói.

“Cách đây 10 năm, nếu “mở cửa ĐH” như bây giờ thì lo lắng  của dư luận là có cơ sở nhưng giờ cũng khác. Người dân đã nhìn nhận được chất lượng đào tạo của các trường. Nhưng điều tôi băn khoăn nhất bây giờ là các trường CĐ sẽ tuyển sinh thế nào. Vì thế, hai Bộ cần ngồi với nhau để tìm hướng giải quyết”. 

GS Nguyễn Minh Thuyết

Ông Nguyễn Đăng Lý, Hiệu trưởng trường CĐ Quốc tế TPHCM, cho rằng, nhiều năm qua, các trường CĐ - TC không tuyển được người học và không ít trường phải giải thể có nguyên nhân xuất phát từ chính sách mà cụ thể là những thay đổi từ Bộ GD&ĐT.

“Với chính sách như hiện nay, đặc biệt là dự thảo bỏ điểm sàn, không giới hạn nguyện vọng trong xét tuyển đại học vô hình trung Bộ GD&ĐT đã “giết” hệ thống các trường CĐ - TC”, ông Lý nói.

Ông Trần Mạnh Thành, Phó hiệu trưởng trường CĐ Bách Việt TPHCM dự đoán kỳ tuyển sinh 2017 của các trường CĐ - TC sẽ khó khăn hơn rất nhiều. “Với quy định chỉ cần đậu tốt nghiệp là có thể vào đại học cộng với dự kiến rút ngắn thời gian đào tạo đại học thì rõ ràng người dân với tâm lý ưa chuộng bằng cấp sẽ đổ xô đi học đại học nhiều hơn”, ông Thành nói.

Chưa bỏ được?

Theo TS Lê Trường Tùng, chủ tịch hội đồng quản trị Đại học (ĐH) FPT cho rằng trong dự thảo quy chế 2017, Bộ GD&ĐT quyết định bỏ sàn, chính thức tuyên bố chủ trương mở đầu vào. Nhưng trong một diễn biến khác, từ 2017 toàn bộ mảng đào tạo cao đẳng (CĐ) (trừ CĐ sư phạm) sẽ do Bộ LĐ-TB&XH quản lý. Bộ này  cũng đã công bố dự thảo quy chế tuyển sinh CĐ 2017, trong đó quy định: “Căn cứ kết quả thi của thí sinh dự thi lấy kết quả kỳ thi THPT quốc gia để xét tuyển CĐ, TC Bộ LĐ-TB&XH  xác định ngưỡng đảm bảo chất lượng đầu vào để các trường xây dựng phương án xét tuyển”. Tức CĐ sẽ có điểm sàn.  Đây có phải là nghịch lý của mùa tuyển sinh 2017 sắp tới, bậc đào tạo cao thì bỏ sàn, bậc đào tạo thấp thì có sàn.

TS Lê Trường Tùng cũng đưa ra quan điểm của mình trước việc Bộ GD&ĐT bỏ điểm sàn 2017. “So sánh thí sinh với thực phẩm thì hơi quá đáng. Nhưng trong một chừng mực nào đó, bỏ điểm sàn vào ĐH cũng giống như bỏ các tiêu chí vệ sinh an toàn thực phẩm, với lý do là người dùng vì sức khỏe của mình sẽ biết chọn món ăn an toàn - các trường vì danh hiệu của mình mà chọn đầu vào cho tốt và thắt chặt đầu ra. Nói là vậy, nhưng đói thì cứ có cái ăn là may rồi... Xã hội mình vẫn đang giai đoạn rẻ quan trọng hơn là ngon. Rồi sẽ đến lúc ngon quan trong hơn rẻ, nhưng hình như chưa phải bây giờ. Bỏ điểm sàn là một dạng dân chủ học vấn, đảm bảo quyền học ĐH của tất cả những ai có học vấn phổ thông. Dân chủ là tốt, nhưng mức độ dân chủ nói chung phù hợp với mức độ phát triển” - TS Lê Trường Tùng khẳng định.

TS Lê Trường Tùng cũng đưa ra một dẫn chứng hết sức quan trọng đối với giáo dục ĐH ở Mỹ. Đó là theo The National Center for Education Statistics (NCES) - Trung tâm Thống kê Giáo dục Quốc gia Mỹ- đầu vào đại học càng chặt (tính theo tỷ lệ chấp nhận nhập học) thì tỷ lệ tốt nghiệp (tính sau 150% thời gian so với thời gian học chuẩn, chẳng hạn chương trình học ĐH 4 năm thì tính tỷ lệ tốt nghiệp sau 6 năm) càng cao và ngược lại. Với các trường có đầu vào mở  tỷ lệ tốt nghiệp trung bình là 36%, tức chỉ hơn 1/3. Với các trường đầu vào chọn lọc (hệ số chọn dưới 25%), tỷ lệ tốt nghiệp là 89%.

Đấy là ở Mỹ. Về bản chất, sinh viên yếu kém thì khó tốt nghiệp, nhưng ở Việt Nam tốt nghiệp hay không nhiều khi cũng tùy trường, tùy thầy, tuỳ trò. “Theo quy luật, nơi yếu kém là nơi tiêu cực lên ngôi. Do đó, bức tranh Việt Nam có thể ngược lại: càng mở đầu vào thì lại càng tốt nghiệp đông” - TS  Lê Trường Tùng nói.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Dũng - Nghiêm Huê (Tiền phong)
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN