3 nguyên tắc "không giống ai" của nền giáo dục Iran
Học sinh nam và học sinh nữ được dạy trong các trường riêng biệt, thi tốt nghiệp tiểu học thậm chí còn quan trọng hơn thi đại học, cha mẹ luôn muốn con cái có nhiều bài tập về nhà… Đó là một số điểm khác biệt trong hệ thống giáo dục của Iran so với thế giới.
Học sinh nam và nữ được dạy trong các trường riêng biệt
Rojan, giống như các bé gái khác ở Iran, sáng sáng thường dậy sớm để đi học. Các lớp học bắt đầu lúc 7h30 và kết thúc vào khoảng 13h. Việc đầu tiên Rojan làm khi đến trường là tham gia vào những trò chơi cùng các bé gái khác trong sân trường mà không có bất kỳ bé trai nào xung quanh. Tại Iran, học sinh nam và học sinh nữ được dạy riêng biệt cho đến khi vào đại học. Thậm chí, giáo viên phải cùng giới tính với học sinh trong lớp họ dạy.
Tại Iran, học sinh nam và học sinh nữ được dạy riêng biệt cho đến khi vào đại học.
Thi tốt nghiệp tiểu học thậm chí còn quan trọng hơn thi đại học
Hệ thống giáo dục Iran được chia thành hai cấp chính: giáo dục tiểu học và giáo dục trung học. Tất cả trẻ em trải qua 6 năm đầu tiên ở cấp tiểu học (từ 6 đến 12 tuổi) và 6 năm trung học (từ 12 đến 18 tuổi). Giáo dục tiểu học là bắt buộc ở Iran.
Phụ huynh và học sinh có rất nhiều sự lựa chọn, từ trường những công lập miễn phí đến các trường tư thục có học phí cao. Ngoài ra còn có hệ thống trường học được gọi là 'Nemuneh Mardomi', có chất lượng tốt hơn so với trường công và học phí phải chăng hơn các trường tư. Tuy vậy, đặt chân vào các trường Nemuneh Mardomi nổi tiếng là điều khá khó khăn. Học sinh sẽ phải tham gia một cuộc thi rất căng thẳng và chỉ những người giỏi nhất mới được chọn.
Ngoài tuyển sinh đại học, có một kỳ thi quốc gia vào cuối năm tiểu học gồm Toán học, Khoa học, Văn học Iran, Khoa học xã hội và Thần học. Kết quả của kỳ thi không được xác định bằng điểm số mà sử dụng các thuật ngữ “xuất sắc”, “tốt”, “đạt yêu cầu” và “cần cải thiện thêm” để đánh giá chất lượng. Đối với phụ huynh, đây là kỳ thi quan trọng nhất vì họ tin rằng vào được một trường học tốt sẽ là chiếc chìa khóa đảm bảo tương lai tươi sáng cho con cái họ.
Các môn học khác của học sinh Iran tại trường bao gồm Nghệ thuật, Thể thao, Công nghệ, Tư duy và Nghiên cứu, trong đó quan trọng nhất là Kinh Koran. Trong đó, Rojan cho biết Công nghệ hay Tư duy và Nghiên cứu là những môn học không hề thú vị bởi chủ yếu chỉ được hình dung trên lý thuyết hơn là thực tế và không có nhiều cơ hội thực hành trên máy tính.
Cha mẹ luôn muốn con cái có nhiều bài tập về nhà
Ngoài ra, trong khi các bậc phụ huynh tại nhiều quốc gia trên thế giới lo sợ gánh nặng của bài tập về nhà có thể gây ra những áp lực không đáng có cho con cái họ thì cha mẹ Iran lại có những suy nghĩ ngược lại.
"Tôi không thích việc học sinh trở về nhà mà không có bài tập. Tôi muốn con mình thực hành thêm về những gì cháu đã học được ở trường. Có rất nhiều cuốn sách bổ sung và củng cố kiến thức và được xuất bản trên thị trường, mà tôi cũng như nhiều phụ huynh khác sẽ cảm thấy không yên tâm nếu con mình không có. Bọn trẻ cần phải học tập chăm chỉ để vào được một ngôi trường tốt và thành công trong tương lai”, mẹ của Rojan cho biết.
Quan điểm của mẹ Rojan được coi là điển hình ở Iran. Họ dành nhiều thời gian và tiền bạc cho việc học hành của con cái mình. Kỳ tuyển sinh đại học Konkur là một ví dụ. Trong thời gian này, phụ huynh thường nghỉ làm và không tham gia vào bất cứ việc gì khác ngoài chuẩn bị cho con mình những điều kiện tốt nhất trong kỳ thi.
Giáo dục Nhật Bản có rất nhiều quy tắc hoàn toàn khác biệt, đằng sau đó chứa đựng rất nhiều giá trị nhân văn khiến...