10 người Việt Nam từng đạt điểm tuyệt đối tại Olympic Toán quốc tế là ai?

Sự kiện: Giáo dục

Sau gần 50 năm tham gia Olympic Toán học quốc tế (IMO), Việt Nam đã có 10 người đạt được số điểm tuyệt đối tại đấu trường quốc tế này.

1. Lê Bá Khánh Trình

43 năm trước tại London, thủ đô nước Anh, TS Lê Bá Khánh Trình, thời điểm đó 17 tuổi, học sinh trường Quốc học Huế, đoạt giải Nhất (lúc đó chưa gọi là Huy chương Vàng) trong kỳ thi Olympic Toán quốc tế (IMO) với số điểm tuyệt đối.

Lê Bá Khánh Trình cũng là học sinh đầu tiên đạt điểm tối đa và người duy nhất của Việt Nam tính đến nay đoạt thêm giải đặc biệt cho lời giải hay. Với thành tích ấn tượng, Lê Bá Khánh Trình được mệnh danh là "cậu bé vàng của Toán học Việt Nam".

Hiện nay, TS Lê Bá Khánh Trình giảng dạy môn Toán ở Trường ĐH Khoa học Tự nhiên và Trường Phổ thông Năng khiếu (ĐH Quốc gia TP.HCM).

10 người Việt Nam từng đạt điểm tuyệt đối tại Olympic Toán quốc tế là ai? - 1

TS Lê Bá Khánh Trình. (Ảnh: VTC News)

Sau IMO năm 1979, Lê Bá Khánh Trình du học 9 năm ở Nga. Sau khi trở về Việt Nam, TS Lê Bá Khánh Trình trở thành thầy giáo dạy Toán. Nhiều năm nay, ông quen thuộc trong vai trò trưởng đoàn, phó đoàn dẫn đội tuyển Việt Nam đi thi IMO.

Năm 2020, TS Trình cũng là phó đoàn dẫn đội tuyển Việt Nam dự IMO. Với thành tích 2 Huy chương Vàng, 1 Huy chương Bạc, 2 Huy chương Đồng và 1 Bằng khen, đoàn Việt Nam xếp thứ 17 trong 105 quốc gia tham dự.

2. Lê Tự Quốc Thắng

Ông Lê Tự Quốc Thắng từng là học sinh trường Trung học phổ thông chuyên Lê Hồng Phong, thành phố Hồ Chí Minh. Đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 1982 với điểm số 42/42.

Lê Tự Quốc Thắng sinh năm 1965 tại Huế, trong một gia đình có truyền thống về Toán. Bố anh là ông Lê Tự Hỷ, từng là giảng viên khoa Toán tại Đại học Huế. Mẹ là bà Đinh Thị Quý Hương, giáo viên dạy Toán cấp 3. Anh trai là Lê Tự Quốc Hùng, giảng viên khoa Toán - Tin tại trường Đại học Wroclaw (Ba Lan). Sinh ra trong môi trường như vậy nên từ nhỏ, Lê Tự Quốc Thắng đã có niềm yêu thích, say mê Toán học.

Nhờ thành tích học tập xuất sắc, Lê Tự Quốc Thắng được cử đi thi IMO và đạt được thành tích như đã nêu trên. Sau đó, anh được tuyển thẳng vào khoa Toán - Cơ, Đại học Tổng hợp quốc gia Moskva mang tên Lomonosov (MGU - Liên Xô cũ), một trong những trung tâm Toán học tốt nhất thời bấy giờ.

Từ 1994 đến 1996 anh là Giáo sư trợ lý tại Đại học Bang New York (State University of New York, SUNY) ở Buffalo, New York. Anh còn là Giáo sư thỉnh giảng tại Đại học Osaka, Viện Mittag - Leffler, Thụy Ðiển, Viện nghiên cứu khoa học toán tại Tokyo, Nhật Bản, Đại học Grenoble, Đại học Paris VII, Pháp, Đại học Genève, Thuỵ Sĩ...

Từ tháng 1/2004 đến nay Lê Tự Quốc Thắng là Giáo sư chính thức của Viện Công nghệ Georgia, Hoa Kỳ.

Dù hiện tại đang làm việc ở nước ngoài nhưng những năm qua, Giáo sư Lê Tự Quốc Thắng vẫn luôn hướng về Việt Nam và có nhiều đóng góp cho quê hương.

3. Đàm Thanh Sơn

Đàm Thanh Sơn đoạt huy chương vàng Olympic Toán quốc tế năm 1984 tổ chức ở Praha (Cộng hòa Czech) khi mới 15 tuổi với số điểm tuyệt đối 42/42.

Ông từng là học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội.

GS. Đàm Thanh Sơn sinh năm 1969 tại Hà Nội trong một gia đình trí thức có bố là Đàm Trung Bảo, giáo sư ngành hóa, mẹ là Nguyễn Thị Hảo, Phó Giáo sư, Tiến sĩ ngành sinh – hóa.

Nhờ thành tích đoạt Huy chương vàng Toán quốc tế, GS. Đàm Thanh Sơn được gửi sang Trường Đại học Tổng hợp Moskva mang tên Lomonosov (Liên Xô cũ) để học đại học.

Năm 1995, GS. Đàm Thanh Sơn sang Mỹ. Ông lần lượt nghiên cứu rồi giảng dạy tại Đại Học Washington, Viện Công nghệ Massachusetts, Đại học Columbia, Đại học Chicago… Lĩnh vực mà ông nghiên cứu là vật lý lý thuyết, chủ yếu là vật lý hạt cơ bản, vật lý hạt nhân và các ứng dụng của lý thuyết dây. Dù rất thành đạt ở nước ngoài, nhưng GS. Đàm Thanh Sơn luôn gắn bó với quê hương.

4. Đinh Tiến Cường

Đinh Tiến Cường từng là học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 1985 với điểm số 42/42.

Đinh Tiến Cường sinh năm 1973 tại Hải Dương là một nhà toán học Việt Nam. Hiện ông là giáo sư Provost tại Đại học Quốc gia Singapore và là thành viên Hội đồng Khoa học Viện toán Cao cấp Việt Nam. Ông từng là giáo sư tại Đại học Pierre-et-Marie Curie (2005-2014), giáo sư bán thời gian tại École Polytechnique de Paris (2005-2014) và École Normale Supérieure de Paris (2012-2014).

Hiện GS Đinh Tiến Cường đang nghiên cứu và giảng dạy tại Viện toán học Jussieu (Institut de Mathématiques de Jussieu) - đại học Paris 6, một trong những trung tâm toán học uy tín trên thế giới.

5. Ngô Bảo Châu

Năm 15 tuổi, ông vào học lớp chuyên Toán trường THPT Chuyên, Trường Đại học Khoa học Tự nhiên Hà Nội (Khối Chuyên Tổng Hợp – Đại học Khoa học Tự Nhiên Hà Nội), tiền thân là lớp A0. Năm lớp 11 và 12, Ngô Bảo Châu tham dự kỳ thi Olympic Toán học quốc tế (IMO) lần thứ 29 và 30 và trở thành học sinh Việt Nam đầu tiên giành hai huy chương vàng IMO, trong đó ông giải nhất với điểm tuyệt đối (42/42).

Trước năm 2020, mỗi thí sinh Việt Nam chỉ được tối đa 2 lần tham dự IMO - Olympic Toán học Quốc tế. Vì vậy tổng điểm tối đa của một thí sinh Việt Nam có thể đạt được là 84. GS Ngô Bảo Châu hiện là người có tổng điểm dự thi IMO cao nhất ở Việt Nam, 82 điểm.

GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: VietnamNet)

GS Ngô Bảo Châu. (Ảnh: VietnamNet)

Sau khi tốt nghiệp trung học, Ngô Bảo Châu sang Pháp du học. Dù được chính phủ Pháp cấp học bổng để theo học đại học tại Đại học Paris VI, nhưng ông đã chọn École Normale Supérieure danh giá. Ngô Bảo Châu lấy bằng Tiến sĩ năm 1997 tại Đại học Paris-Sud dưới sự giám sát của Gérard Laumon. Ông trở thành thành viên của CNRS tại Đại học Paris 13 từ 1998 đến 2005 và bảo vệ bằng cử nhân tại đây vào năm 2003.

Không lâu sau, ông trở thành Giáo sư tại Đại học Paris-Sud 11 vào năm 2005. Năm 2005, ở tuổi 33, Ngô Bảo Châu chính thức được phong hàm Giáo sư tại Việt Nam, trở thành giáo sư trẻ nhất nước ta. Từ năm 2007, ông làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp, Princeton, New Jersey cũng như Viện Toán học Hà Nội.

Đồng thời ông cũng là người Việt Nam đầu tiên được trao tặng các giải thưởng danh giá quốc tế trên thế giới. Như huân chương Bắc Đẩu Bội Tinh, giải thưởng Fields,…

Ông gia nhập khoa Toán tại Đại học Chicago vào ngày 1 tháng 9 năm 2010. Ngoài ra, từ năm 2011, ông đang giữ vai trò Giám đốc khoa học của Viện Nghiên cứu Cao cấp Việt Nam mới thành lập.

6. Ngô Đắc Tuấn

Thời điểm dự thi, Ngô Đắc Tuấn là học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Khoa học Tự nhiên, Đại học Quốc gia Hà Nội. Ông đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 1995 với điểm số 42/42. Năm 1996, ông cũng đạt HCV IMO lần thứ 2 với số điểm 37.

Cũng như Ngô Bảo Châu, ông Ngô Đắc Tuấn chọn Pháp làm nơi nghiên cứu và làm việc. Ông trở thành GS của Đại học Claude Bernard Lyon 1 và là tác giả của nhiều đầu sách về Toán học cao cấp. Năm 2018, ông trở thành nghiên cứu viên của Viện nghiên cứu cao cấp về Toán thuộc Bộ GD&ĐT Việt Nam.

7. Đỗ Quốc Anh

PGS - TS Đỗ Quốc Anh. (Ảnh: Phunumoi)

PGS - TS Đỗ Quốc Anh. (Ảnh: Phunumoi)

Đỗ Quốc Anh sinh năm 1980, là học sinh trường THPT chuyên Khoa học tự nhiên Đại học Quốc gia Hà Nội. Quốc Anh cũng từng tham gia 2 kỳ IMO. Năm 1996, Quốc Anh tham gia IMO được tổ chức tại thành phố Mumbai, Ấn Độ nhưng chỉ giành được huy chương đồng. Năm 1997, Quốc Anh tiếp tục tham gia kỳ IMO được tổ chức thành phố Mar del Plata, Argentina. Năm này, Việt Nam cử 6 thí sinh tham dự và Quốc Anh đã giành được huy chương vàng với số điểm tuyệt đối 42/42, xếp ở vị trí thứ nhất.

Sau thành tích này, Đỗ Quốc Anh nhận học bổng của Chính phủ Pháp. Anh tốt nghiệp ngành Toán và Kinh tế của Ecole Polytechnique (Pháp) sau đó tiếp tục theo học thạc sĩ tại Pháp. Anh nhận bằng tiến sĩ chuyên ngành Kinh tế tại ĐH Havard năm 2008.

Từ năm 2008-2012, Quốc Anh làm việc tại ĐH Quản lý Singapore. Sau đó, anh trở thành Phó giáo sư giảng dạy tại Viện nghiên cứu chính trị Parí (Pháp) tới năm 2021. Hiện Quốc Anh đang là Phó giáo sư thỉnh giảng tại Trung tâm công dân toàn cầu Ford, Viện Quản lý Kellogg, Đại học Northwestern (Mỹ).

8. Lê Hùng Việt Bảo

Lê Hùng Việt Bảo đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2003 với điểm số 42/42.

Khi còn nhỏ, Lê Hùng Việt Bảo sống tại Đức và từng đạt giải nhất kỳ thi Toán của trường. Năm lớp 5, anh về Việt Nam, học tập tại trường Tiểu học Lê Văn Tám (phường Bách Khoa - Quận Hai Bà Trưng, Hà Nội).

Từ năm 2015 đến năm 2017, anh là L.E. Dickson Instructors (đây là một chức danh ở trường Đại học Chicago dành cho người sắp, hoặc vừa mới hoàn thành luận án Tiến sĩ) tại khoa Toán Đại học Chicago, Mỹ. Năm 2016, Lê Hùng Việt Bảo lọt vào danh sách Gương mặt dưới 30 tuổi tiêu biểu nhất châu Á của tạp chí Forbes.

Từ tháng 9/2017 đến tháng 7/2018, Lê Hùng Việt Bảo được mời làm việc tại Viện Nghiên cứu Cao cấp Princeton. Hiện tại, anh đang giữ chức vụ phó giáo sư (assistant professor) tại Đại học Northwestern nghiên cứu các vấn đề liên quan đến lý thuyết số, hình học đại số và lý thuyết biểu diễn.

9. Nguyễn Trọng Cảnh

Nguyễn Trọng Cảnh sinh năm 1985, là học sinh Trường Trung học phổ thông chuyên Đại học Sư phạm Hà Nội. Cảnh đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2003 với điểm số 42/42. Năm 2003, Việt Nam có 2 HCV với số điểm tuyệt đối 42 điểm.

Lớp 11, Nguyễn Trọng Cảnh được chọn vào đội tuyển thi quốc gia nhưng ra về tay trắng, lớp 12 mới giành được giải ba. Được chọn vào đội tuyển dự thi quốc tế với Cảnh cũng là một ngạc nhiên. Thế nhưng khi tới Tokyo, cậu học trò này đã thực sự gây bất ngờ với ban giám khảo bằng 6 bài thi đạt điểm tuyệt đối 42/42.

Sau thành tích này, Nguyễn Trọng Cảnh trở thành sinh viên K7 hệ đào tạo Cử nhân tài năng khoa Toán trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội.

10. Ngô Quý Đăng

Ngô Quý Đăng là học sinh lớp 12, Trường Trung học phổ thông Chuyên Khoa học Tự nhiên, thuộc Trường Đại học Khoa học Tự nhiên - Đại học Quốc gia Hà Nội. Đạt Huy chương Vàng Olympic Toán quốc tế năm 2022 với điểm số 42/42.

Ngay từ những năm cấp 2, Ngô Quý Đăng đã được mọi người đặt cho biệt danh "vua giải thưởng" môn Toán và nằm trong diện tuyển thẳng vào lớp 10 Trường THPT Chuyên Khoa học Tự nhiên nhờ những thành tích xuất sắc về Toán học. Năm học 2019-2020, khi đang là học sinh lớp 10, Đăng đã giành được giải Nhì môn Toán trong kì thi chọn học sinh giỏi quốc gia (thi chung với học sinh lớp 12).

Nguồn: [Link nguồn]

Top những người thành công chưa từng tốt nghiệp đại học nhưng có tài sản hàng triệu đô la

Đại học không phải là con đường duy nhất dẫn tới thành công, bởi những người sau đây kiếm được hàng triệu đô la nhưng họ không có tấm bằng đại học.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Việt Hương ([Tên nguồn])
Giáo dục Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN