Xu hướng nghe nhạc Việt phải xem... phụ đề

Sự kiện: Sao Việt

Xu hướng âm nhạc ngày càng mới mẻ, đến nỗi ca khúc tiếng Việt mà người nghe không hiểu được ca sĩ đang hát gì.

Bài hát có đến 3 thứ ngôn ngữ

Sau một thời gian im hơi lặng tiếng trong showbiz, ca sĩ Thủy Top vừa trở lại với MV mới nhất mang tên Be your own color. Ca khúc chủ đạo mang thông điệp hãy là chính mình, đừng nghe những lời gièm pha của người khác, đã nhận được sự quan tâm của khán giả.

Với MV này, nhiều ý kiến cho rằng người đẹp đã “lột xác” sau những ca khúc lãng mạn, ngọt ngào trước đây. Theo dõi MV, phần lớn khán giả đều đánh giá cao sự đầu tư của Thủy Top để ra mắt một MV đẹp mắt và ấn tượng, ngoại trừ việc… không hiểu Thủy Top đang hát gì, bởi hơn một nửa lời ca khúc là tiếng Anh.

Xu hướng nghe nhạc Việt phải xem... phụ đề - 1

 Thủy Top trong MV “Be your own color”

Việc những ca khúc Việt sử dụng, pha tạp ngôn ngữ nước ngoài vốn không phải chuyện mới. Từ những năm 2000, các ca khúc như: Forget me not, Think of you, Nụ hôn bất ngờ,… đã từng được công chúng yêu thích. Nhưng phải 5 năm trở lại đây, trào lưu ca khúc có pha trộn tiếng Anh mới thực sự rầm rộ.

Không thể phủ nhận việc có những ca khúc được nâng tầm hiệu ứng nhờ một vài câu hát ngoại như trong bài hát My everything, Say you do (Tiên Tiên)…

Thế nhưng, vẫn có nhiều tranh cãi bởi trong số những ca khúc ấy, không ít ca khúc khi biểu diễn phải cần phụ đề để khán giả có thể hiểu được ca sĩ đang hát gì. Có cả những bài hát, khán giả không hiểu là bài hát tiếng gì khi sử dụng 3 ngôn ngữ Việt, Anh, Hàn trong một ca khúc như Take it slow (nhóm nhạc LIME).

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh cho rằng, âm nhạc là sáng tạo. Xu hướng âm nhạc pha trộn ngôn ngữ đã có ở rất nhiều nước như: Hà Lan, Hàn Quốc, Nhật, châu Âu… Điều này khiến các ca khúc trở nên hấp dẫn hơn, dễ diễn đạt những từ ngữ mà dùng tiếng Việt không thể nói hết được, hoặc dùng tiếng Việt sẽ không hợp lý.

Lai căng để bắt kịp xu hướng?

Những tranh cãi về việc nghe nhạc Việt nhưng không hiểu ca sĩ hát gì vẫn là vấn đề chưa bao giờ ngã ngũ. Đã có những lý giải cho rằng đây là cách thức để nhạc Việt có thể bắt kịp trào lưu, bắt kịp xu hướng chung của âm nhạc thế giới.

Xu hướng nghe nhạc Việt phải xem... phụ đề - 2

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh

Nhạc sĩ Dương Khắc Linh giải thích, ngày càng có nhiều khán giả nước ngoài bắt đầu theo dõi các kênh của Việt Nam trên Youtube. Không ít người đã để lại bình luận rằng họ thích một ca khúc nào đó vì hiểu được nội dung bài hát. Do đó, việc ca khúc có pha trộn ngoại ngữ cũng là một cách để quảng bá, giúp khán giả nước ngoài hiểu thêm về những ca khúc Việt Nam.

“Nhạc Việt có nhiều thể loại, bài hát mang đậm bản sắc Việt cho những khán giả thích như vậy. Còn những khán giả thích nghe nhạc giống Mỹ, Hàn Quốc, Nhật Bản cũng có những ca khúc như thế để phục vụ họ”, nhạc sĩ Dương Khắc Linh nói.

Trái với quan điểm của nhạc sĩ Dương Khắc Linh, nhạc sĩ Đỗ Đình Phúc cho hay, anh không cổ súy việc sử dụng ngôn ngữ lai căng khi viết bài hát. Thậm chí, anh còn cho rằng những lời giải thích rằng âm nhạc như vậy sẽ có thể dễ hội nhập, bắt kịp xu hướng âm nhạc của thế giới chỉ là sự ngụy biện.

Theo nam nhạc sĩ, có nhiều cách để có thể hội nhập được với âm nhạc nước ngoài, không nhất thiết phải lai căng mới là hội nhập. Nhất là khi có những ca khúc có thêm lời nước ngoài nhưng lại không ăn nhập gì với cả bài hát từ ca từ, giai điệu.

“Học hỏi điều gì ở nước ngoài thì học cho tới nơi, tới chốn, sao cứ nửa tây, nửa ta như vậy. Nhiều nhạc sĩ đâu cần phải viết nhạc pha tạp ngôn ngữ nhưng những ca khúc của họ vẫn hay, vẫn được đón nhận và khán giả nước ngoài cũng dịch ra ngôn ngữ của họ để hát đó thôi.

Dĩ nhiên, nhiều ca khúc nước ngoài cũng pha trộn ngôn ngữ nhưng họ chỉ có một, hai câu làm điểm nhấn cho ca khúc, chứ hiếm ca khúc nào có tới hơn một nửa sử dụng tiếng nước ngoài như mình đâu”, nhạc sĩ Đỗ Đình Phúc nhận xét.

Theo nhạc sĩ Đỗ Đình Phúc, những nhạc sĩ có tâm thực sự cho âm nhạc sẽ tạo ra màu sắc cá tính của riêng mình, để khán giả vừa nghe là có thể nhận ra đó là nhạc của ai như các nhạc sĩ: Trịnh Công Sơn, Trần Tiến, Nguyễn Văn Chung… đồng thời vẫn để lại dấu ấn riêng, được nhiều khán giả nước ngoài yêu thích và đón nhận.

Công bằng mà nói, nghệ thuật là sự sáng tạo. Giới hạn của sự sáng tạo là vô biên. Nghệ sĩ nào, khán giả nấy. Thế nhưng, trong sự sáng tạo và hội nhập với quốc tế, điều quan trọng và có lẽ cũng là thách thức không nhỏ của những người làm nghệ thuật là cần phải có dấu ấn và bản sắc của riêng mình.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hồ An ([Tên nguồn])
Sao Việt Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN