"Tam quốc diễn nghĩa": Vì sao khi qua đời, Gia Cát Lượng ngậm 7 hạt gạo?

Câu chuyện về cái chết của Gia Cát Lượng đã trở thành một điển tích nổi tiếng đối với hậu thế.

Gia Cát Lượng được biết đến là một nhà chính trị, quân sự lỗi lạc nhưng đồng thời cũng là một thầy phong thủy, tướng số có khả năng "hô phong hoán vũ", nhìn sao đoán mệnh, dự báo tương lai. Do vậy, ông rất chỉn chu với việc chọn nơi chôn cất cho chính mình.

Tài đoán trước cái chết của bản thân trong "Tam quốc diễn nghĩa"

Cuộc đời của Gia Cát Lượng gắn liền với nhiều điển tích, giai thoại nổi tiếng không chỉ riêng lúc còn sống mà ngay cả lúc qua đời. Nguyên nhân về cái chết của vị quân sư tài ba đã nhiều lần được đề cập đến trong các phiên bản điện ảnh của tiểu thuyết "Tam quốc diễn nghĩa".

Cụ thể, ở phiên bản 2010, năm 234, Gia Cát Lượng dẫn quân Bắc phạt, đóng quân ở Ngũ Trượng Nguyên. Đó là thời điểm vào giữa mùa hạ, trời nóng bức, chiến cuộc lại không có nhiều tiến triển khiến Gia Cát Lượng rất lo lắng, ưu phiền, cứ mở miệng nói là cáu gắt, một ngày chỉ ăn được ít cơm.

Tạo hình Gia Cát Lượng kinh điển màn ảnh của Đường Quốc Cường.

Tạo hình Gia Cát Lượng kinh điển màn ảnh của Đường Quốc Cường.

Không lâu sau, cơ thể suy kiệt nhanh chóng cuối cùng sinh bệnh nặng, nằm liệt giường trong doanh trại. Đến tháng 8, vị quân sư lỗi lạc của nhà Thục Hán nôn ra máu rồi qua đời. Năm đó, Gia Cát Lượng mới chỉ 54 tuổi. Trước khi mất, ông viết tờ di biểu dâng lên hậu chủ, xong xuôi lại dặn dò tướng sĩ Dương Nghi rằng:

“Sau khi ta chết không thể làm đám tang, phất cờ đánh trống, các ngươi hãy làm một cái bàn thờ lớn, để thi thể của ta ngồi ở trên, trong miệng ngậm bảy hạt gạo, dưới chân đặt một ngọn đèn sáng, trong quân cứ giữ vẻ yên ổn như thường, không được buồn bã, than khóc. Như vậy thì sao Tướng Tinh mới không rơi xuống, âm hồn ta tự khắc cũng nhấc lên được. Tư Mã Ý thấy sao Tướng Tinh không sa, tất nhiên sẽ chỉ dám án binh bất động, quân ta mới có thể âm thầm từng nhóm chậm rãi rút lui. Nếu như Tư Mã Ý đuổi theo, ngươi nên dàn thành trận thế, quay cờ đánh trống trở lại, rồi đẩy xe có tượng gỗ của ta ra phía trước quân, lệnh cho tất cả tướng sĩ đứng dàn hai bên trái phải, Tư Mã Ý nhìn thấy, tất sẽ sợ hãi bỏ chạy”.

Video: Gia Cát Lượng (Lục Nghị) mất vẫn khiến Tư Mã Ý sợ khiếp vía trong "Tam quốc diễn nghĩa" năm 2010.

Các tướng trung thành của Gia Cát Lượng là Dương Nghĩa, Khương Duy theo sự sắp xếp của ông. Sau khi ông qua đời không phát tang ngay mà chỉnh đốn binh mã, nhanh chóng rút quân về Hán Trung nhưng phải trật tự, không để quân Tư Mã Ý phát hiện. Tuy nhiên, không ngoài dự liệu của Khổng Minh, Tư Mã Ý quan sát thiên văn thấy một ngôi sao lớn màu đỏ, tia sáng toả ra bốn phía có góc, từ phía đông bắc chạy về hướng tây nam, sau đó đến thẳng Thục doanh.

Tư Mã Ý vui mừng la lớn: “Khổng Minh chết rồi!”. Sau đó, lập tức truyền lệnh khởi binh đuổi đánh nhưng vừa ra khỏi cửa trại lại nổi tâm đa nghi: “Khổng Minh có tài phù phép, có thể sai khiến thần Lục Đinh, Lục Giáp. Nay thấy ta không ra đánh nên làm ra thuật này để dụ ta đây, nếu ta đuổi theo, tất sẽ trúng kế”. Vì vậy, ông không đi nữa, chỉ sai Hạ Hầu Bá dẫn vài chục quân binh âm thầm đến gò Ngũ Trượng do thám tình hình.

Gia Cát Lượng dự đoán về cái chết của mình, sai người bày binh bố trận giúp quân Thục rút lui an toàn.

Gia Cát Lượng dự đoán về cái chết của mình, sai người bày binh bố trận giúp quân Thục rút lui an toàn.

Sau khi có tin báo quân Thục đều đã rút binh, Tư Mã Ý lập tức xua quân đuổi theo, quyết tâm tiêu diệt quân của Gia Cát Lượng. Trước khi chết, Gia Cát Lượng đã dự liệu được điều này nên đã cho người đẽo một bức tượng của mình rồi đặt lên xe. Đến khi quân của Tư Mã Ý đuổi theo đến gần thì đẩy xe có bức tượng của mình lên phía trước. Khi quân Ngụy đuổi tới gần, quân Thục đột nhiên dựng cờ, gõ trống giống như chuẩn bị phản kích quân Ngụy. Tư Mã Ý thấy vậy không dám truy đuổi nữa. Nhờ vậy, quân của Gia Cát Lượng đã an toàn rút về Hán Trung.

Nguyên nhân Gia Cát Lượng ngậm 7 hạt gạo trước khi mất

Khổng Minh giải thích việc ngậm 7 hạt gạo sau khi chết để sao Tướng Tinh không rơi, âm hồn tự khắc cũng nhấc lên được. Thế nhưng, ông lại không nói lý do vì sao ngậm gạo thì sao Tướng Tinh sẽ không rơi. Sau này, vào cuối thời nhà Đường có một văn nhân tên là Trần Cái đã viết bài Ngũ Trượng Nguyên Thi miêu tả câu chuyện này.

Trước khi mất, Gia Cát Lượng dặn dò quân sĩ lo hậu sự cho mình.

Trước khi mất, Gia Cát Lượng dặn dò quân sĩ lo hậu sự cho mình.

Gia Cát Lượng dặn dò “túc hạ đạp thổ” (dưới chân chạm đất), “kính yên tâm tiền” (gương đặt trước tim), trong miệng ngậm bảy hạt gạo và một lượng nước thích hợp. Điều này biểu thị vẫn còn khả năng ăn uống như người đang sống, trong tay cầm bút và binh thư, lại có ngọn đèn sáng ở trước đầu cho thấy người vẫn đang trù hoạch quân mưu.

Trong thực tế nghi thức này đã có từ lâu đời. Để một số đồ vật trong miệng người đã khuất rồi liệm xác và chôn cất là một tập tục, thời cổ đại gọi là “ngậm”, cũng gọi là “ngọc trong miệng”. Những thứ mà người chết thường ngậm là ngọc, gạo, ngũ cốc. Gia Cát Lượng không phải chư hầu, chức vị Thừa Tướng của ông được xem như một cấp của đại phu nên ngậm gạo là phù hợp với thân phận này.

Bí ẩn về nơi chôn cất của Gia Cát Lượng

Theo ghi chép lịch sử, trước khi mất, Gia Cát Lượng đã nói với các tướng sĩ chuẩn bị hậu sự cho ông bằng cách đem bỏ xác vào quan tài, lấy dây thừng buộc lại rồi cho quân sĩ khiêng theo đoàn quân rút về Hán Trung. Dây thừng đứt ở đâu thì lấy nơi đó làm  nơi chôn cất ông.

Nơi chôn cất của Gia Cát Lượng đến nay vẫn là một bí ẩn.

Nơi chôn cất của Gia Cát Lượng đến nay vẫn là một bí ẩn.

Theo lời dặn của Gia Cát Lượng, quân sĩ buộc dây thừng vào quan tài rồi khiêng theo đoàn quân rút lui về phía Hán Trung. Tuy nhiên, khi 4 quân lính đi bộ 3 ngày 3 đêm mà sợi dây vẫn chưa đứt, họ quá mệt mỏi nên quyết định chôn cất ông ở giữa đường.

4 quân lính hoàn tất công việc mai táng Gia Cát Lượng rồi quay trở về báo cáo với triều đình. Khi nghe được tin báo, hoàng đế nhà Thục Hán là Lưu Thiện cho rằng dây thừng sẽ khó có thể đứt chỉ trong thời gian ngắn như vậy. Với nghi ngờ này, Lưu Thiện sai người bắt giữ và tra hỏi 4 người khiêng quan tài của Gia Cát Lượng. Cuối cùng, họ thừa nhận đã làm không đúng với di nguyện của Khổng Minh. Trong lúc tức giận, Lưu Thiện hạ lệnh giết 4 người trên. Sau khi bình tĩnh trở lại, hoàng đế nhà Thục Hán mới nhớ ra chưa tra hỏi vị trí chôn cất Gia Cát Lượng. Đến tận ngày nay, vị trí ngôi mộ của ông vẫn là một bí ẩn lớn.

Nguồn: [Link nguồn]

Dù khoẻ mạnh nhưng vì sao Gia Cát Lượng vẫn chọn ngồi ”xe lăn” để chinh chiến

Thực tế, nước đi này của vị quân sư tài ba ẩn chứa nhiều bí mật sâu xa.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Nguyệt Lương (Theo Sina, Sohu) ([Tên nguồn])
Khổng Minh Gia Cát Lượng Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN