Rùng mình với bộ phim ma gây ảo giác cho người xem

Đây cũng là bộ phim duy nhất của Thái giành được giải thưởng Cành cọ vàng tại LHP Cannes.

Vào 11h sáng thứ 3 hàng tuần, sẽ có một bộ phim nằm trong danh sách 200 bộ phim hay nhất mọi thời đại được giới thiệu đến khán giả. Đây đều được xem là những siêu phẩm điện ảnh kinh điển của thế giới từ trước đến nay.

Thái Lan là một trong những quốc gia nổi tiếng với thể loại phim kinh dị. Nhưng năm 2010, đã có một bộ phim ma của Thái lên đến tầm đỉnh cao với việc nhận được giải Cành cọ vàng tại LHP Cannes. 

Rùng mình với bộ phim ma gây ảo giác cho người xem - 1

Bộ phim đã trở thành một hiện tượng của điện ảnh Thái Lan

Không chỉ được vinh danh bằng một giải thưởng điện ảnh cao quý mà ít phim châu Á nào làm được, bộ phim này còn liên tục nằm trong danh sách phim xuất sắc được các nhà phê bình phim ảnh bầu chọn.

Bộ phim có tên bằng tiếng Thái là Lung Bunmi Raluek Chat, dịch sang tiếng Anh thành Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives (tạm dịch: Chú Boonmee có thể gọi về quá khứ). Phim kể về những ngày cuối cùng của một người đàn ông đang hấp hối được gặp lại linh hồn của người vợ và người con trai quá cố.

Vậy lý do gì đã giúp một bộ phim Thái Lan lại có thể vượt qua những ứng cử viên nặng ký đến từ những quốc gia có nền điện ảnh phát triển?  

Rùng mình với bộ phim ma gây ảo giác cho người xem - 2

Đảm nhận vai chính trong bộ phim lại là một diễn viên không chuyên

Tuyệt đẹp, bí ẩn và sinh động là những gì các nhà phê bình dành tặng cho bộ phim này. Bao trùm cả bộ phim là những bóng ma, nỗi sợ trước cái chết và sự trăn trở, ân hận bởi những gì đã qua trong quá khứ.  

Nhưng bộ phim lại không làm theo hướng phim kinh dị hoặc tình cảm lãng mạn. Bộ phim làm theo hơi hướng siêu thực bên cạnh những hiện tượng thông thường. Chất thơ đến với bộ phim một cách từ từ và nhẹ nhàng. Tinh thần của cả bộ phim khiến cho khán giả cảm thấy như chìm trong một làn sương mê man.

Nhân vật ông chú Boonmee trong bộ phim lại do một diễn viên không chuyên đảm nhân. Ông Thanapat Saisaymar vào vai một người đàn ông trung niên, mặc bệnh suy thận cấp. Trước những ngày tháng cuối đời, ông đã quay lại khu rừng phía đông bắc Thái Lan để giải quyết việc riêng của mình cũng như số tiền để dành.

Ông chú Boonmee đã góa vợ nhưng lại có một mối quan hệ thân thiết với em gái vợ Jen (Jenjira Pongpas) – người đã đồng hành với ông trong chuyến đi rừng. Ngoài ra còn có người họ hàng Tong (Sakda Kaewbuadee) và bác sĩ riêng người Lào Jaai (Samud Kugasang).

Rùng mình với bộ phim ma gây ảo giác cho người xem - 3

Những cảnh ma mị trong phim lại không hề đáng sợ

Trong phim xuất hiện hàng loạt những cảnh phim ma quái đến mức phi lý. Nhưng cảnh phim nào cũng để lại cảm xúc cho khán giả, đặc biệt là những câu hỏi xoay quanh dụng ý nghệ thuật của đạo diễn.

Như cảnh tượng người vợ quá cố của Boonme trở về giữa bữa ăn của cả gia đình. Đạo diễn không cố tình biến cảnh hồn ma viếng thăm người sống trở nên quá đáng sợ. Cảnh phim này gần như không có kịch tính ngoại trừ cảm xúc của người xem, những luyến tiếc trong quá khứ.

Hay như cảnh cả nhóm người Boonme vào rừng và gặp một sinh vật kỳ lạ với bộ lông rậm và đôi mắt phát sáng, có chút gì đó gần với nhân vật Chewbacca của Star Wars. Sinh vật đó lại chính là người con trai đã thất lạc từ lâu của Boonmee – Boonsoong, giờ đã trở thành thủ lĩnh của bầy khỉ.

Gần như các cảnh phim đều đột ngột chuyển động, đưa khán giả đến những chiều riêng biệt với những ám chỉ đôi khi đầy mơ hồ. Cảnh nàng công chúa đang bị làm nhục bởi một con cá trê như một sự ám chỉ kiếp trước của Boonme.

Nhiều khán giả xem bộ phim này đều có chung một cảm nhận, đó là sự phi lý đạo diễn đã tạo ra. Nhưng đâu đó trong bộ phim này vẫn có đầy những yêu tố hài hước, dù cho đó không phải chủ ý của đạo diễn. Một bộ phim siêu thực và khó hiểu nhưng cũng đậm chất thơ.

Rùng mình với bộ phim ma gây ảo giác cho người xem - 4

Phim có nhiều cảnh tượng siêu thực

Dù cho bộ phim xoay quanh những ngày cuối đời của một người đàn ông bệnh tật thì đạo diễn vẫn tạo ra được không khí phấn khởi đầy ánh sáng. Những cảnh phim được quay tại Thái Lan với kỹ thuật lấy sáng đầy kỳ diệu khiến nó trở nên như ảo giác trong tâm trí khán giả.

Đạo diễn bộ phim Apichatpong Weerasethakul cũng là một đạo diễn trẻ. Ông nhận giải Cành cọ vàng với Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives khi vừa bước sang tuổi 40. Weerasethakul cũng là tay ngang trong điện ảnh. Ông theo học ngành kiến trúc và bắt đầu làm phim ngắn ở tuổi 23. Sau đó, Weerasethakul mới sang Mỹ để tiếp tục theo học về lý luận điện ảnh.

Rùng mình với bộ phim ma gây ảo giác cho người xem - 5

Đạo diễn bộ phim trên trường quay

Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives được cây viết Peter Bradshaw của tờ The Guardian nhận định rằng đó là bộ phim hay nhất về tín ngưỡng và tinh thần mà ông từng xem qua. Cho đến cảnh cuối phim, cái chết được chấp nhận một cách nhẹ nhàng và yên tĩnh thay vì sợ hãi và chối bỏ. Dù nói về cái chết, Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives lại khiến khán giả cảm thấy hạnh phúc nhiều hơn.

Tuy nhiên không phải ai cũng chấp nhận với kết cấu đặc biệt và nội dung mơ hồ của bộ phim này. Trên nhiều diễn đàn điện ảnh, Uncle Boonmee Who Can Recall His Past Lives cũng bị chê là quá tẻ nhạt và đều đều.

Trang đánh giá phim Rotten Tomatoes, khán giả chỉ chấm cho bộ phim 60% trong khi đó những nhà phê bình lại chấm cho phim này tới 88%. Một bình luận trên trang này khẳng định, bộ phim của đạo diễn Thái Lan Weerasethakul đậm chất thiền và triết học không phải là bộ phim dành cho tất cả mọi người.

Trailer của bộ phim

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Yên Chi ([Tên nguồn])
200 bộ phim hay nhất mọi thời đại Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN