Phim rùng rợn "Us" được khen nức lời, nhưng đây là những điểm đáng chê

Us đang "phá đảo" các phòng vé toàn thế giới và cả Việt Nam, dù bị cắt rất nhiều cảnh đắt giá.

* LƯU Ý: Bài viết tiết lộ nội dung phim

Là bộ phim kinh dị thứ hai của biên kịch - đạo diễn Jordan Peele, Us còn được đánh giá cao hơn cả Get Out - bộ phim trước đó của ông, được đề cử 4 giải Oscar.

Us vẫn sử dụng dàn diễn viên chính là người da đen, với đề tài đột nhập, giết chóc khá quen thuộc nhưng lại có cách tư duy và thể hiện khá độc đáo. Ngoài nữ diễn viên chính từng được giải Oscar Lupita Nyong'o, đạo diễn Jordan Peele cũng nhận cơn mưa lời khen từ giới phê bình, thậm chí được đánh giá là "ông vua phim kinh dị thế hệ mới".

Phim rùng rợn "Us" được khen nức lời, nhưng đây là những điểm đáng chê - 1

Những kẻ đột nhập và giết chóc lại chính là bản sao ác độc của chủ nhà

Thử tưởng tượng gia đình vốn êm ấm của bạn bỗng nhiên bị những kẻ lạ mặt cô lập, tấn công và "xử lý" từng người một. Có lẽ cũng không cần tưởng tượng nhiều, bởi mô tuýp này đã khá quen thuộc trên màn ảnh rộng.

Nhưng trong thế giới kinh dị của Jordan Peele, những kẻ "lạ mặt" này lại không hề lạ mặt. Khi Adalaide cùng chồng và hai con quay trở lại bãi biển mà cách đây 33 năm, cô từng đi lạc và mất tích một cách bí ẩn, Adalaide đã sớm có dự cảm chẳng lành.

Và nỗi sợ hãi của cô đã trở thành sự thật. Bốn kẻ đột nhập cởi bỏ mặt nạ, chúng chính là bản sao "không hoàn hảo" của gia đình Adalaide. Từ đây, một cuộc rượt đuổi sống còn bắt đầu.

Dù được đánh giá cao bởi những chi tiết rùng rợn, những cảnh phim gây ám ảnh, cùng cách điều khiển tâm lý người xem qua những đoạn cao trào và sự đan xen của những tình tiết hài hước, Us vẫn tạo cảm giác không thỏa mãn bằng cái kết có phần hơi "rướn".

Phim rùng rợn "Us" được khen nức lời, nhưng đây là những điểm đáng chê - 2

Trận quyết đấu giữa Adalaide và "cái bóng" của chính mình

Cuối phim, sau khi thắng lợi đã thuộc về gia đình Adalaide, đạo diễn - biên kịch Jordan Peele lại lật ngược kịch bản, quay lại đoạn ký ức mở đầu phim, hé lộ sự thật rằng Adalaide thật ra đã bị bản sao bóp cổ và hoán đổi vị trí từ cách đây 33 năm.

Đối với những khán giả nhanh trí, có lẽ sự thật này cũng không quá shock, vì đã có thể tiên đoán từ đầu phim. Nhưng đối với phần còn lại, dù có chút kích thích, nhưng chắc chắn cũng là tình tiết khiến họ càng thêm rối trí. Nói "càng thêm" là bởi vì xuyên suốt bộ phim, "vũ trụ hai tầng" của Jordan Peele đã tồn tại khá nhiều kẽ hở rồi.

Một kết cục khiến người xem chia rẽ vì sự hoài nghi

Phim rùng rợn "Us" được khen nức lời, nhưng đây là những điểm đáng chê - 3

Tại sao những bản sao lại chỉ ăn thịt thỏ, và họ lấy đâu ra nhiều thỏ như vậy?

Phần đông khán giả vốn đứng về phía Adalaide, thương cảm cho cô vì phải sống trong sợ hãi, chống chọi với cái ác để bảo vệ gia đình mình. Nhưng giờ đây, ta lại phát hiện hóa ra thứ cô lo sợ không phải là bản sao, mà là sự thật rằng cô mới chính là bản sao, là kẻ ác.

Adalaide chiến đấu để bảo vệ một sự dối trá, bảo vệ cuộc sống cô có được bằng cách chiếm đoạt của người khác. "Bản gốc" của Adalaide khi lớn lên đã trở thành một "bản sao" độc ác, tàn bạo, một con quái vật được tạo ra bởi chính "người hùng" của câu chuyện này.

Sự thật này khiến khán giả khó có thể vui mừng khi Adalaide giành thắng lợi ở cuối phim, vì đó là một thắng lợi trả giá bằng máu của người vô tội.

Không ai đáng bị nhốt ở thế giới trong gương đó. Không có nhân vật phản diện thật sự nào trong Us, chỉ có những nạn nhân. Hoặc cả nhân vật chính diện và phản diện trong phim đều bị buộc trở thành quái vật bởi chính tình huống mà họ bị đẩy vào.

Vô số kẽ hở trong "vũ trụ hai tầng" do Jordan Peele tạo dựng

Dù có bất ngờ hay không, kết cục của Us cũng làm dấy lên nhiều câu hỏi khó trả lời. 33 năm trước, khi Adalaide "trở về" từ thế giới trong gương, Peele đã gợi mở cho khán giả về kết cục này khi hé lộ việc Adalaide bị câm. Chính là vì Adalaide chỉ là bản sao đã sống từ nhỏ ở thế giới kia, nên cần có thời gian để biết nói, chứ không phải do cô bé bị sốc.

Đoạn cuối, việc Adalaide dễ dàng tìm được đường xuống thế giới trong gương để tìm con trai cũng là một sự gợi mở khéo léo, rằng cô gái này quá quen thuộc với đường đi nước bước của một thế giới đáng sợ mà cô ta lẽ ra thuộc về.

Phim rùng rợn "Us" được khen nức lời, nhưng đây là những điểm đáng chê - 4

Dù tình yêu của Adalaide dành cho các con là thật, nhưng cuộc đời cô là dối trá

Ngược lại, bản gốc Adalaide là một cô bé thông minh, nhanh nhẹn, đủ trí thông minh, nhưng lại không thể trốn thoát khỏi thế giới đó trong suốt bao nhiêu năm - điều mà bản sao Adalaide đã làm được một cách thật dễ dàng.

Con đường nối hai thế giới có vẻ quanh co vòng vèo, nhưng chẳng có hố sâu, rừng gươm hay cạm bẫy nào hết, tại sao cô bé lại chịu ở lại đó cho tới khi trưởng thành, lại còn hoàn toàn quên hết chuyện quá khứ? Những người còn lại đã ở đó cả đời, nhưng Adalaide vốn là một cô bé bình thường, tới từ một thế giới bình thường. Điều gì khiến cô trở nên u mê đến vậy?

Càng khó hiểu hơn là việc "bản sao" Adalaide miêu tả cả cuộc đời mình là sự "bắt chước" méo mó và tàn khốc những sự kiện lớn trong đời Adalaide như lấy chồng, sinh con...  Bản chất của sự bắt chước đó là cả một bí ẩn lớn.

Tại sao Adalaide áo đỏ lại phải bắt chước Adalaide áo trắng, trong khi cô ta mới là bản gốc? Tại sao khi bản sao Adalaide gặp và lấy Gabe làm chồng, bản gốc cũng phải chịu sự cưỡng đoạt bản sao của Gabe? Tại sao họ lại cùng lúc có con? Không ai giải thích được việc Adalaide bản gốc và bản sao cùng nhảy múa, như họ đang bắt chước nhau. Rốt cuộc ai đang bắt chước ai?

Một bộ phim kinh dị đơn thuần hay là cơn ác mộng của nước Mỹ?

Phim rùng rợn "Us" được khen nức lời, nhưng đây là những điểm đáng chê - 5

Thông điệp "lạnh người" nào được đạo diễn gửi gắm trong phim?

Rõ ràng Us là một bộ phim ngập tràn tính ẩn dụ. Có thể nói cả hai Adalaide đều sống trong cùng một nước Mỹ, nơi bộ máy chính trị tạo ra một xã hội phân hóa trầm trọng về mặt kinh tế, cho một số người của cải và sự hưởng thụ, còn những người khác phải chịu cảnh bần cùng dù chẳng có tội lỗi gì.

Đó là một hệ thống xã hội gây ra nhiều đau khổ, và những kẻ được hưởng thụ thường cho đó là mặc nhiên, ít khi biết tới hoặc quan tâm tới những gì phần còn lại đang chịu đựng. Tất cả mọi người trong xã hội đó đều có mối liên kết với nhau, dù nhiều hay ít, dù biết hay không.

Adalaide áo đỏ nói rằng những "bản sao" không có tâm hồn, nhưng bộ phim chẳng có định nghĩa thế nào là "tâm hồn". Nếu đó là khả năng yêu, cảm xúc, và hy vọng, thì Adalaide bản sao cũng có những thứ đó.

Cô ta biết đủ để dành lấy cuộc sống có tương lai. Cô ta biết ghen tức, chán ghét, và sợ hãi, nhưng cũng thật sự yêu Gabe và hai đứa con của mình. Cuối cùng thì, mặc cho xuất thân từ đâu, về bản chất, con người là giống nhau. Chỉ có xuất thân khiến họ bị dồn vào một tầng lớp khác.

Nhiều người nói kết cục của Us thuần túy mang tính "giật gân", đẩy người xem ra khỏi vùng triết lý nghiêm túc của bộ phim. Nhưng nó cũng chính là quy luật cuộc sống qua lăng kính khá hài hước nhưng xuất phát điểm rất lạnh lùng của Jordan Peele.

Rằng sự phân tầng về giáo dục và kinh tế ở nước Mỹ ngày nay là rất khó để vượt qua nếu không có một sự hy sinh to lớn, và nó tổn hại đến cả hai bên.

Cuối cùng Adalaide bản sao, "kẻ phản diện" thực sự đã chiến thắng, nhưng cái giá của nó là cuộc đời và mạng sống của người vô tội, hay chính phần tốt đã bị giết chết trong con người mình.

Sự thật đen tối nhất thể hiện qua kết cục của Us chính là: Ở nước Mỹ, cách tốt nhất để vượt lên (hay là cách duy nhất) đối với những người sinh ra không ngậm thìa vàng, đó chính là đạp lên đạo đức, trở nên nhẫn tâm, không nề hà gì việc tước đoạt của người khác, thậm chí giết chóc để bảo vệ thứ mình đã cướp được.

Trailer phim Us.

Phim về bạo lực tình dục: Nỗi đau nhức nhối trên màn ảnh xứ Hàn

Một điều trớ trêu ở xứ sở kim chi: Hiện thực xã hội lại cung cấp rất nhiều chất liệu để các nhà làm phim xứ này...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Trương Dương (tổng hợp) ([Tên nguồn])
Phim kinh dị Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN