Nhạc Hoa lời Việt không còn là "miếng bánh" béo bở
Việc ngày càng ít những bài hát nhạc Hoa được Việt hóa đang cho thấy việc khán giả tập trung vào những bản nhạc nguyên bản của Việt Nam hơn.
Nhạc Hoa không "dễ hit" như trước
Xu hướng nhạc Hoa lời Việt là chủ đề luôn nhận được nhiều sự quan tâm tại thị trường Việt Nam. Những tên tuổi trong làng âm nhạc như: Văn Mai Hương, Nam Em, Tăng Phúc,... thường xuyên có những ca khúc nhạc Hoa lời Việt trên sân khấu chạy show. Dù vậy, số lượng những ca khúc này cũng không lớn.
Tăng Phúc gần đây cũng không còn hát nhạc Hoa lời Việt
Đa phần, những bài hát nổi lên trong một thời gian ngắn, sau đó biến mất trên mạng xã hội. Đây không phải là hướng đi dễ dàng mà ai cũng có thể chinh phục. Nam Em liên tục hát nhạc Hoa lời Việt, nhưng tới giờ vẫn chưa tạo ra dấu ấn nào với dòng nhạc này.
Chi Dân cũng khiến nhiều người chú ý khi phát hành ca khúc Người Tôi Yêu Chẳng Hề Yêu Tôi. Đây là ca khúc nhạc Hoa và Chi Dân đã viết lại lời Việt, tuy nhiên điều này lại khiến nam ca sĩ nhận về khá nhiều chỉ trích từ cư dân mạng.
Cách viết lời đôi khi quá thô thiển, khi lại quá sến súa khiến những phiên bản Việt hóa của nhạc Hoa nhận nhiều phản ứng tiêu cực. Nam Em, Chi Dân,,,, và nhiều nghệ sĩ khác đều từng trải nghiệm những làn sóng trái chiều khi viết lại lời Việt.
Chi Dân không thành công với nhạc Hoa lòi Việt.
Ca sĩ Thuỷ Tiên gần đây cũng chia sẻ một sản phẩm mới, cô viết: "Tặng mọi người ca khúc Tiên mới viết lời Việt 'Là Tự Em Đa Tình'. Chúc mọi người ngày vui". Đây cũng là một trong những sản phẩm hiếm hoi nữ ca sĩ này cho ra mắt trong thời gian gần đây.
Trước đó, ca sĩ Thủy Tiên cũng cover ca khúc Bất Nhiễm - một bài hát nhạc Hoa, nhạc phim Hương Mật Tựa Khói Sương. Sau 8 tiếng phát hành, sản phẩm Là Tự Em Đa Tình đạt 16 nghìn lượt xem. Cùng những thống kê thấp, sản phẩm của ca sĩ Thủy Tiên cũng nhận về nhiều phản ứng không mấy tích cực.
Giới chuyên môn nói gì về nhạc Hoa lời Việt?
Nhạc sĩ Nguyễn Văn Chung chia sẻ: "Tôi hầu như không bao giờ nhận viết lời Việt cho nhạc ngoại, nhất là nhạc Hoa, chỉ trừ duy nhất 1 trường hợp là Việt hoá bài Hoa Thiên Cốt và Thiên Cổ Dương Danh cho một hãng game. Tôi muốn mỗi bài hát mình viết ra là toàn vẹn cả phần nhạc và lời chứ không phải chỉ có mỗi phần lời Việt.
Một lý do khác thiết thực hơn là những bên game thì cát-xê cao hơn job cá nhân. Thế nhưng, gần đây, sau mấy năm viết nhạc thiếu nhi, tôi đã thử nhận lời Việt hoá một số bài nhạc Hoa cho 1 bạn ca sĩ trẻ. Không phải vì tiền, mà là vì muốn tự kiểm chứng lại khả năng viết lời của mình xem có còn phù hợp với gu nghe khán giả hiện tại không, có bắt tai không, có cảm xúc không, có cần thay đổi hoặc cải tiến gì trong cách viết không, giống như 1 bài kiểm tra tự đặt ra cho bản thân mình vậy".
Thời kỳ nhạc Hoa lời Việt nổi đình đám tại Việt Nam bắt đầu từ cuối những năm 1990 và kéo dài đến đầu những năm 2000. Trong thời kỳ này, nhạc Hoa lời Việt được yêu thích rất nhiều và có nhiều ca sĩ nổi tiếng như Đan Trường, Cẩm Ly, Lâm Nhật Tiến, Ngọc Sơn, Như Quỳnh, Mỹ Linh...
Các ca sĩ này thường hát những bài hát lãng mạn, buồn tình với giai điệu dễ nghe và lời Việt được viết rất hay, sâu sắc. Đây cũng là thời kỳ mà các bản cover nhạc Hoa lời Việt được nhiều người yêu thích và trở thành hit như Nếu Như Anh Đến (Cẩm Ly), Tình Đơn Phương (Lâm Nhật Tiến), Người Tình Mùa Đông (Đan Trường)...
Đan Trường và Cẩm Ly từng là bộ đôi đạt nhiều thành công với nhạc Hoa lời Việt.
Âm nhạc cũng có một vòng tuần hoàn, nở rộ - suy tàn rồi lại bùng lên như một hiện tượng. Nhu cầu thưởng thức âm nhạc của người Việt cũng không nằm ngoài quy luật đó. Nhạc Hoa lời Việt cách vài năm lại trở lại thống trị rộng khắp các trang nghe nhạc trực tuyến và mạng xã hội.
Nhạc sĩ Thanh Hưng từng lên tiếng trên trang cá nhân khi nhạc Hoa lời Việt bỗng bùng nổ trở lại. Anh thẳng thắn nói rằng: "Trong mắt người Trung Quốc, ta mãi là kẻ nghèo nàn khi cứ diễn ra quá nhiều tình trạng đi vay mượn nhạc (không tuân thủ bản quyền) của họ, viết lời Việt để ra sản phẩm riêng".
Không chỉ Thanh Hưng, nhạc sĩ Mew Amazing cũng lên tiếng về vấn đề này. Anh thẳng thắn đã không đụng vào viết thì thôi, còn đã làm chuyển ngữ thì phải để người nghe thán phục sự tinh tế và sâu sắc của cả tiếng Hoa và tiếng Việt.
Ca sĩ Phương Thanh cho rằng không nên quá khó khăn với nhạc Hoa lời Việt.
Ca sĩ Phương Thanh cũng từng nêu quan điểm về xu hướng này: "Chúng ta cũng đừng quá khó khăn vì suy cho cùng, cảm xúc trong âm nhạc mới là điều quan trọng. Hiện tại, lực lượng ca sĩ quá đông nhưng lượng bài hát lại không nhiều.
Tôi ủng hộ những bài hát được dịch lời Việt vì những ca khúc ấy có giai điệu, ca từ, nội dung rất hay. Nếu Việt Nam có một đội ngũ sáng tác thật dày và thật tốt thì chưa chắc ai đã chịu cover, hát những ca khúc nhạc Hoa lời Việt. Tôi nhận thấy, cái cung cái cầu phải hợp lý".
Nguồn: [Link nguồn]
Nhạc Hoa lời Việt lẫn nhạc Việt lời Hoa đang có những bước phát triển trở lại tại thị trường nhạc Việt trong thời gian qua.