Lý do khiến bài hát kinh điển trong Tây Du Ký 1986 từng bị phản đối kịch liệt
Đạo diễn Dương Khiết đã phải rất vất vả để giữ lại được bài hát kinh điển này.
Xin Hỏi Đường Ở Nơi Nào - Bài hát chủ đề phim Tây Du Ký 1986
Ca khúc chủ đề của bộ phim Tây Du Ký 1986 - Xin Hỏi Đường Ở Nơi Nào cho đến nay vẫn là giai điệu hết sức quen thuộc đối với những khán giả đã từng gắn bó tuổi thơ với những tập phim Tây Du Ký.
Bài hát ra đời cách đây đã 35 năm và được xếp vào hàng những ca khúc tiếng Hoa nổi tiếng nhất mọi thời đại.
Ca khúc với phần nhạc hào sảng, trầm hùng và dù ca từ không dài nhưng lại chứa đựng nội dung phong phú, ý nghĩa, khắc họa hành trình vượt qua bao gian nan vất vả, băng đèo lội suối, chiến thắng bao yêu ma quỷ quái dọc đường để cuối cùng đắc đạo thành Phật sau khi thỉnh được chân kinh.
Bài hát chủ đề phim từng bị phản đối kịch liệt vì sử dụng âm nhạc điện tử hiện đại
Tuy nhiên, ít ai biết rằng, một trong những bài hát được người Trung Quốc yêu thích nhất mọi thời đại này lại từng bị phản đối kịch liệt khi được chọn làm ca khúc chủ đề cho Tây Du Ký 1986.
Lúc mới ra đời, bài hát Xin Hỏi Đường Ở Nơi Nào bị báo chí chê không phù hợp. Các chuyên gia âm nhạc cho rằng, bài hát này có phần âm nhạc quá “Tây” với việc sử dụng nhiều âm thanh điện tử. Bản thân “cha đẻ” của bài hát – nhạc sỹ Hứa Kính Thanh cũng thừa nhận: “Trước tôi, hầu như chưa có ai sử dụng âm thanh điện tử trong nhạc phim truyền hình Trung Quốc”.
Cấp trên của đạo diễn Dương Khiết cũng kịch liệt phản đối sử dụng bài hát vì cho rằng, sự hiện đại trong phần âm nhạc của Xin Hỏi Đường Ở Nơi Nào hoàn toàn không phù hợp để dùng với một danh tác cổ điển như Tây Du Ký.
Đạo diễn Dương Khiết (phải) và "cha đẻ" bài hát chủ đề phim Tây Du Ký - Hứa Kính Thanh (trái)
Ca khúc Xin Hỏi Đường Ở Nơi Nào suýt chút nữa bị “chết yểu” và không thể đến được với đông đảo khán giả nếu như không có sự bảo vệ kiên quyết của đạo diễn Dương Khiết.
Trong một cuốn sách của mình, đạo diễn Dương Khiết cho biết, bà không thể không suy nghĩ về ý kiến của cấp trên. Song, với cương vị là đạo diễn – người chịu trách nhiệm hoàn toàn về chất lượng của bộ phim, bà hoàn toàn có quyền bảo vệ chính kiến của mình.
Nữ đạo diễn cá tính cho biết, bà đã mất rất nhiều thời gian, công sức để tìm được bản nhạc chủ đề ưng ý nên quyết không thay đổi.
Vì thế, đạo diễn Dương đã viết một bức thư nhằm thuyết phục cấp trên với lời lẽ cương quyết. Bà cho rằng, vấn đề của nhạc phim không nằm ở chỗ cổ điển hay hiện đại. Tây Du Ký là một bộ phim thần thoại, không bị hạn chế bởi không gian, thời gian. Bắt Tây Du Ký phải mang hơi thở của thời đại là điều không hợp lý.
“Thế giới của Tây Du Ký vô cùng khoáng đạt, trí tưởng tượng của chúng ta cũng nên phong phú, bay bổng hơn. Nếu chỉ dùng các nhạc cụ truyền thống, chẳng phải quá đơn điệu sao?", Dương Khiết viết đanh thép.
Cuối cùng, bà khẳng định: “Tôi không đồng ý thay đổi ca khúc chủ đề vì bài hát của Hứa Kính Thanh rất phóng khoáng, réo rắt và mới mẻ. Không một ca khúc nào phù hợp với bộ phim hơn ca khúc này”.
Cùng với Tây Du Ký, bài hát chủ đề của phim cũng được xếp vào hàng kinh điển
Đạo diễn Dương cũng từng chia sẻ, bà rất thích phần lời đầy ý nghĩa của ca khúc này, đặc biệt là câu: “Bao mùa xuân, hạ, thu, đông/ Bao hồi cay đắng, ngọt bùi/ Xin hỏi đường ở nơi nào?/ Đường ngay dưới chân thôi”.
Chính nhờ sự cương quyết, quyết liệt của đạo diễn Dương Khiết, ca khúc Xin Hỏi Đường Ở Nơi Nào đã trở thành bài hát xuyên suốt bộ phim, cũng là bài hát vang lên trên phim trường Tây Du Ký, khích lệ tinh thần của đoàn phim trong thời kỳ gian nan, vất vả và trở thành bài hát đi cùng năm tháng như ngày hôm nay.
“Tây Du Ký là nỗi đau, là nuối tiếc lớn nhất cuộc đời tôi”, cố đạo diễn Dương Khiết từng nói.