Bi hài chuyện… khóc của diễn viên

Sự kiện: Nghe Nghĩ Ngẫm

Cảnh khóc luôn đóng vai trò quan trọng trong các bộ phim khi mang lại nhiều cảm xúc cho khán giả. Những giọt nước mắt rơi xuống cũng là lúc diễn viên vô cùng nhập tâm vào nhân vật. Tuy nhiên không phải cứ diễn viên chuyên nghiệp là khóc đạt và khóc đẹp.

Nỗi ám ảnh không của riêng ai

“Trạm cứu hộ trái tim” là tác phẩm giờ vàng VTV bị chê nhiều nhất từ đầu năm 2024 đến nay, trong đó nữ chính Ngân Hà do Hồng Diễm thủ vai bị chê thậm tệ vì diễn dở. Cô bị khán giả đánh giá là khô khốc, thiếu cảm xúc trong những cảnh cần phải khóc. Ở một cảnh xúc động trong tập 44, nữ diễn viên chỉ mếu miệng và không chảy được giọt nước mắt nào.

Bi hài chuyện… khóc của diễn viên - 1

Dù quen mặt khán giả với những vai bi thương, khắc khổ nhưng Hồng Diễm vẫn bị chê “không biết khóc”

Tuy nhiên, Hồng Diễm không phải là diễn viên chuyên nghiệp duy nhất bị chê “không biết khóc”. Tài năng của Thu Quỳnh được khán giả ghi nhận qua nhiều bộ phim giờ vàng nhưng có lẽ nữ diễn viên này cũng không có duyên với cảnh khóc.

Khá nhiều lần cô bị chê khóc không tự nhiên, rất gượng và nặng nề như ở phim “Cuộc chiến không giới tuyến” hay ở cả “Hương vị tình thân”. Nhã Phương cũng bị chê vì màn khóc lóc sượng trân trong “Ngày ấy mình đã yêu”. Vốn trẻ trung, xinh đẹp nhưng mỗi khi khóc, Nhã Phương trông già đi cả chục tuổi.

Danh sách diễn viên “khóc xấu” còn được khán giả gọi tên Hoàng Thùy Linh. Trong phim “Không ngại cưới chỉ cần 1 lý do”, có cảnh quay nữ diễn viên rơi nước mắt nhưng biểu cảm trên gương mặt gượng gạo, nhiều phân cảnh nét mặt của cô còn như đang cười khiến toàn cảnh phim không hợp lý.

Rất nhiều diễn viên thổ lộ: Khóc chính là một trong những thử thách lớn khi tham gia mỗi dự án phim. Với diễn viên hài như Thúy Ngân, phải khóc bền bỉ trong suốt nhiều tiếng đồng hồ lại càng là thách thức lớn. “Khác với những vai diễn thiên về hành động, cá tính trước đây, trong phim “7 năm chưa cưới sẽ chia tay” tôi bị đánh, khóc rất nhiều. Phân cảnh khóc quay khoảng 3 tiếng, mỗi ngày quay khoảng 7 phân cảnh”, Thúy Ngân chia sẻ.

Với diễn viên trẻ Khả Ngân, “Gia đình mình vui bất thình lình” là bộ phim mà cô phải tốn nhiều nước mắt nhất từ trước đến nay: “Một ngày tôi khóc liên tục 7 tiếng từ sáng đến tối. Khóc nhiều đến mức khiến mắt tôi sưng húp nên hôm sau phải nghỉ quay 3 tiếng buổi sáng.

Sau đó lại quay cảnh khóc từ chiều đến tận 3 giờ sáng hôm sau”. Khán giả đánh giá, so với lần khóc trong phim “Hậu duệ mặt trời” và “11 tháng 5 ngày” bị chê khô cứng trước đó thì lần này, kỹ năng khóc của Khả Ngân đã tiến bộ rất nhiều.

Bi hài chuyện… khóc của diễn viên - 2

Khả Ngân phải khóc liên tục 7 tiếng khi đóng phim “Gia đình mình vui bất thình lình”

Trong “Thương ngày nắng về”, Lan Phương đảm nhận vai nặng tâm lý nên phải khóc thường xuyên. Cô lột tả trọn vẹn nỗi đau đớn tột cùng của nhân vật qua từng ánh mắt, cử chỉ và cả từng giọt nước mắt rơi xuống. “Cứ 2,3 ngày liên tục phải khóc từ sáng đến tối khiến về nhà tôi thấy kiệt sức, vài ngày tiếp theo cảm thấy rất buồn bã”, nữ diễn viên cho biết phải uống thuốc chống trầm cảm sau những ngày vật vã như thế.

Xem “Về nhà đi con”, khán giả không thể đếm xuể tất cả các cảnh quay mà diễn viên Bảo Thanh phải khóc. NSND Trung Anh từng phong cho Bảo Thanh là “Nữ hoàng nước mắt” vì chứng kiến cô phải khóc quá nhiều trên phim trường. Nữ diễn viên cũng tiết lộ có những ngày do khóc nhiều nên đôi mắt sưng đỏ và phải dùng tới thuốc an thần để ngủ, lấy sức ngày hôm sau tiếp tục quay.

Sau vai diễn trong phim “Người một nhà”, Tuấn Tú được khán giả phong danh hiệu “ông hoàng nước mắt”. Vào vai một người em trai yếu đuối, nam diễn viên phải khóc rất nhiều.

Trong “Cây táo nở hoa”, Thái Hòa cũng phải khóc rất nhiều, nhưng nhờ khéo léo xử lý cảm xúc nên những phân đoạn rơi nước mắt rất tự nhiên, không sướt mướt, không lê thê. Khán giả dường như đã quên mất có lúc anh được mệnh danh là “ông vua” của dòng phim hài.

Bi hài chuyện… khóc của diễn viên - 3

Nước mắt của Thái Hòa trong “Cây táo nở hoa”

Diễn vai khóc đã áp lực, khóc trong hoàn cảnh trớ trêu lại càng khiến diễn viên ám ảnh. Kiều Trinh khẳng định bà Tư trong phim “Mặt trời mùa đông” là nhân vật khổ nhất chị từng đóng.

“Gần như tôi khóc từ 7h sáng đến 1h đêm. Phim thu tiếng trực tiếp mà bối cảnh ở gần biển nên mỗi lần có tiếng động gì đều phải quay lại. Quay lại thì tôi phải diễn từ đầu nên gần như tôi bị rút cạn sức lực sau mỗi ngày”.

Không chỉ khóc, bà Tư còn phải ngã, ngất, phải lăn lê, bò lết... ngoài bờ biển nên từ sáng tới chiều nữ diễn viên lúc nào cũng ẩm ướt, ngứa ngáy.

Đến bây giờ diễn viên Thanh Hương vẫn gai người khi nhớ đến cảnh quay bị hiếp dâm tập thể trong phim “Quỳnh búp bê”. Nữ diễn viên phải gào khóc, vật lộn, cào xé với nhóm đàn ông. Cảnh hiếp dâm dài khoảng 7 phút trên màn ảnh được thực hiện trong gần 4 tiếng đồng hồ.

Khi tiếng hô “cắt” vang lên, nữ diễn viên thất thần, mệt mỏi với gương mặt nhòa nước mắt với mồ hôi. Đôi mắt sưng húp vì khóc quá nhiều, vẫn nguyên nét lo sợ, kinh hoàng. Tuy nhiên, cảnh cô vừa khóc vừa bị nhét cơm vào mồm sau đó mới thật sự kinh khủng. Thanh Hương cho biết đây là cảnh quay khó, cô và bạn diễn phải quay tới 10 lần.

Bi hài chuyện… khóc của diễn viên - 4

Thanh Hương ám ảnh khán giả với cảnh vừa khóc vừa bị nhét cơm vào mồm

Lại có những cảnh khóc dù diễn viên rất nhập tâm, diễn rất thật nhưng lại khiến đoàn phim phải… phì cười. Trong phim “Hoa vương”, nam diễn viên trẻ Đỗ Nhật Trường có phân đoạn khóc nước mắt, nước mũi chảy ròng ròng lúc đang ôm mẹ khiến nữ diễn viên Hồng Ánh phải la lên: “Trời ơi, muốn chết với con luôn, thấy ghê quá!”.

Nam diễn viên thật thà chia sẻ: “Tôi xem phim Hàn Quốc thấy các anh khóc rất đẹp còn bản thân cũng học theo nhưng không hiểu sao chỉ toàn chảy nước mũi… Nhưng vì đang diễn nên tôi cứ kệ, nhập tâm không lau nước mũi nữa”. Có lúc nước mắt, nước mũi cứ chảy ra không thể ngăn lại, anh chàng phải đi ra chống đẩy, tập thể dục tại chỗ để kiềm chế cảm xúc.

1001 cách… chảy nước mắt

Với các diễn viên được đào tạo chuyên nghiệp, đều được dạy một số bí kíp để lấy cảm xúc khi diễn cảnh khóc như: nhớ lại ký ức buồn, đánh vào nỗi sợ của bản thân, sống trong khoảnh khắc của nhân vật… Thậm chí, nguyên tắc “nhìn chằm chằm” cũng được nhiều diễn viên áp dụng thành công.

Quỳnh Kool từng chia sẻ, trong diễn xuất cô khá tự tin ở việc lấy cảm xúc. Để diễn cảnh khóc, cô chỉ cần khoảng 30 giây. Thậm chí có những cảnh quay, cô chỉ cần quay một đúp là xong. “Khi mình có khoảng lặng để cảm nhận nhân vật, suy nghĩ về nhân vật và những điều từng trải qua, mình sẽ lấy cảm xúc rất nhanh. Nó là bản năng của người diễn viên” – cô cho biết.

Phương Oanh cũng nhận được nhiều lời khen ngợi của khán giả khi đóng cảnh khóc không chỉ nhập tâm mà còn rất đẹp trong “Hương vị tình thân”. Nữ diễn viên chia sẻ: “Đứng trước những cảnh quay đó, Oanh luôn chọn một góc trống để lắng, để cảm thụ, để nhập tâm, rồi tìm các nét diễn sao cho có sự khác biệt mà vẫn phải chân thật và đầy cảm xúc”.

Cũng có khi, đạo diễn phải “phụ một tay”. Khi làm phim “Tấm lòng của biển”, đạo diễn Trương Dũng đã đặt nhạc sĩ viết nhạc nền của phim trước, khi ra hiện trường, trong lúc diễn viên chuẩn bị nội tâm là mở nhạc cho nghe. Bằng cách này, chỉ cần nghe tiếng nhạc da diết là nước mắt của các diễn viên cứ tự động tuôn rơi.

Có cảm xúc đã tốt, việc bảo toàn, nuôi dưỡng cảm xúc trong suốt quá trình quay lại càng quan trọng hơn. Bởi không ít diễn viên quay lần đầu thì khóc ngon lành nhưng sau khi phải quay đi quay lại nhiều lần cho đủ góc máy thì… đơ ra, không thể khóc nổi. Với kinh nghiệm diễn xuất chuyên nghiệp, NSƯT Thanh Quý dễ dàng làm chủ những cảnh quay lấy nước mắt khán giả.

Sau mỗi lần quay, nữ diễn viên thường ra góc ngồi một mình, không chuyện trò, không tiếp xúc với ai để nuôi cảm xúc của nhân vật. Vì thế, dù có quay lại 10 lần thì cảm xúc vẫn nguyên vẹn như lần đầu. Quãng thời gian tham gia phim “Bánh mỳ ông Màu”, Dương Cẩm Lynh phải xin đạo diễn không quay những cảnh khóc vào buổi sáng, để bảo toàn năng lượng và cảm xúc cho một ngày quay dài.

NSƯT Võ Hoài Nam cũng cho biết, khi tuổi đã lớn, anh chỉ đủ năng lượng từ sáng đến trưa. Vì thế với cảnh quay phải khóc liên tục trong phim “Hương vị tình thân”, anh đã nói trước với anh em quay phim quay luôn cảnh cận ngay từ đầu để anh chỉ diễn một lần.

Nước mắt đàn ông là câu chuyện khá nhạy cảm. Làm vừa thì hiệu quả lớn, mà làm quá thì thành phản cảm. Vào vai người cha “gà trống nuôi con” trong “Hương vị tình thân”, NSND Trung Anh cũng phải khóc rất nhiều. “Tôi nói thật, đóng xong cảnh khóc mệt lắm! Nhiều hôm khóc xong mà tôi cứ bần thần, u uất. Tôi có nói với đạo diễn sửa kịch bản cho nhẹ đi, giảm bớt cảnh khóc để nhân vật người bố không bị ủy mị quá!”, nam diễn viên chia sẻ.

Một chuyên gia trang điểm cho các đoàn làm phim tiết lộ: một số diễn viên có thể khóc rất tự nhiên nhưng nhiều người thì không thể khi không có cảm xúc, và họ cần những phương pháp hỗ trợ để có thể diễn thật tốt những phân đoạn cảm xúc này như thuốc nhỏ mắt, ống thổi hơi cay bạc hà để làm đỏ mắt… Tuy nhiên, với diễn viên chuyên nghiệp thì sẽ phân biệt được khóc khác với việc chảy nước mắt. Và cảm xúc thì cần được đong đầy từ bên trong.

Nguồn: [Link nguồn]

Phân đoạn bạn thân giúp nữ chính đánh ghen tiếp tục tạo cơn sốt trên sóng phim giờ vàng. Cảnh quay này dễ dàng bắt gặp trong những bộ phim Việt đề tài gia đình, lặp đi lặp lại nhưng vẫn là quân cờ hút tương tác. 

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo [ Diệp Anh ] ([Tên nguồn])
Nghe Nghĩ Ngẫm Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN