Thăm Lán Nà Nưa nhớ Bác Hồ
Ngày cuối tháng 8, chúng tôi ghé thăm Lán Nà Nưa (Tuyên Quang). Khung cảnh dẫn đến di tích linh thiêng làm dậy lên xúc cảm cảm phục và phần nào thấm thía những gian lao của thời kì kháng chiến. Trời mưa giăng lối như cũng muốn nghiêng mình tưởng niệm ngày mất của “vị cha già dân tộc” (21-7 năm Kỷ Dậu - 21-7 năm Giáp Thìn).
Cuối tháng 5/1945 đến 22/8/1945, Bác Hồ đã từ Pác Bó về Tân Trào để tiếp tục lãnh đạo cách mạng. Để đảm bảo bí mật chiến sự và thuận tiện cho công việc, Bác đã cùng một số cán bộ tìm địa điểm dựng lán với yêu cầu: “Gần nước, gần dân, xa đường quốc lộ, thuận đường tiến, tiện đường thoái”.
Đường vào lán Nà Nưa những ngày cuối tháng 8
Đường lên lán có 79 bậc đá tượng trưng cho 79 mùa xuân của Bác
Lán có tên là Nà Nưa (hay Nà Lừa) vì được đặt tại khu vực lưng chừng rừng Nà Lừa, thuộc dãy núi Hồng. Dưới chân rừng Nà Lừa là dòng suối Khuôn Pén và một khu ruộng bậc thang. Nà Lừa trong tiếng Tày gọi là Nà Nưa, có nghĩa là ruộng nằm ở trên, sau được dùng làm tên gọi của di tích này.
Thành kính dâng hương tưởng niệm 55 năm ngày mất Hồ Chủ tịch
Những nén hương trao gửi tinh thần “uống nước nhớ nguồn”
Đây là nơi nhiều văn kiện, chỉ thị, chủ trương, kế hoạch liên quan đến Cách mạng Tháng Tám đã được Bác Hồ soạn thảo. Cụ thể, Bác đã chỉ thị thành lập Khu Giải phóng gồm 6 tỉnh Cao Bằng - Bắc Kạn - Lạng Sơn - Hà Giang - Tuyên Quang- Thái Nguyên; thống nhất các lực lượng vũ trang thành Quân Giải phóng; đề ra 10 chính sách lớn của Việt Minh. Tân Trào được chọn làm Thủ đô của Khu Giải phóng, trở thành trái tim của cách mạng Việt Nam.
Lán gồm hai gian nhỏ, có diện tích khoảng hơn 10m2, được dựng theo kiểu nhà sàn của đồng bào miền núi, nằm ẩn mình dưới tán rừng xanh mát. Phần mái lợp lá gồi, . Lán có hai gian nhỏ, gian trong là nơi Bác nghỉ ngơi, gian ngoài Bác dùng để làm việc, tiếp khách.
Nữ hướng dẫn viên người Tày kể lại câu chuyện thật đẹp về lối sống, phong cách làm việc của Bác
Cuối tháng 7/1945, do điều kiện làm việc hết sức gian khổ và thiếu thốn, lại thêm sức khỏe giảm sút nhiều trong thời gian bị giam giữ ở nhà tù đế quốc nên Bác bị ốm nặng có lúc tưởng chừng không qua khỏi. Nhưng bất chấp bệnh, mỗi khi tỉnh lại Người cố gượng dậy làm việc. Thời ấy, thuốc men khan hiếm, chỉ với vài viên thuốc cảm và ký ninh không thể giúp Bác khỏi ốm. Trước tình hình đó, các cán bộ chiến sĩ và người dân thay nhau vào rừng tìm lá thuốc về sắc nước, nhưng sức khỏe Bác chẳng khá lên chút nào.
Một hôm, thấy Bác rất yếu, đồng chí Võ Nguyên Giáp xin phép ở lại với Bác. Đêm ấy, tỉnh lại sau cơn sốt, Bác nói với rằng: “Lúc này thời cơ thuận lợi đã tới, dù hy sinh tới đâu, dù phải đốt cháy cả dãy Trường Sơn cũng kiên quyết giành cho được độc lập”. Giữa cơn nguy cấp, nhờ sự mách bảo của nhân dân, có một cụ lang già tìm đến chữa bệnh cho Bác Hồ. Sau khi xem mạch, sờ trán Bác, ông vào rừng tìm về một thứ củ đem đốt cháy lên và hòa vào cháo loãng cho Bác ăn. Sau một vài lần như thế, Bác đã khỏi bệnh và tiếp tục hoàn thành sự nghiệp cách mạng vĩ đại .
Với quyết tâm sắt đá, Người đã cùng Trung ương Đảng lãnh đạo Tổng khởi nghĩa thành công, giữa mùa thu tháng Tám, Việt Nam ta từ đêm đen nô lệ đã “rũ bùn đứng dậy sáng lòa”.
Đường dẫn vào di tích Lán Nà Nưa, suối Khuôn Pén. Những cây lim xẹt vẫn xanh tươi, vươn cao như những người gác thầm lặng cho một di tích lịch sử linh thiêng, để lớp trẻ nối gót về cội, ghi nhớ công ơn của Bác, của bao chiến sĩ cách mạng can trường vì thời bình đã đổ máu xương.
Chẳng ai kể chuyện Bác Hồ ở Lán Nà Nưa giàu cảm xúc như người Tày bản địa.
Chẳng thước phim, khung hình nào thay thế được trải nghiệm đứng trước những di tích lịch sử vẫn được người dân địa phương ở Tân Trào nói riêng và khu Việt Bắc nói chung gìn giữ với lòng thành kính tột bậc.
Nguồn: [Link nguồn]
Thay vì đến những điểm du lịch biển nổi tiếng trong kỳ nghỉ lễ, nhiều người dân đã tìm đến những điểm du lịch vùng Tây Bắc để trải nghiệm với giá chỉ hơn 1 tiệu đồng/người.