Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng

Làng Khuổi Kỵ nằm giữa hai địa điểm du lịch Thác Bản Giốc và động Ngườm Ngao thuộc xã Đàm Thủy, huyện Trùng Khánh (Cao Bằng). Từ lâu, Khuổi Kỵ đã nổi tiếng với cái tên “làng đá” và tục thờ thần đá độc đáo vùng biên giới.

Chiêm ngưỡng “làng đá”

Trải qua những thăng trầm của lịch sử, giờ đây trong tâm thức người Tày ở Cao Bằng “thần đá” vẫn gắn bó và tồn tại trong ý niệm của họ. Thế nhưng, những ngôi nhà sàn một thời mang dáng dấp của nhà Mạc đã ít nhiều chìm vào lãng quên.

Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng - 1

“Làng đá” Khuổi Kỵ

Cụ Nông Văn Tâm (70 tuổi) ở làng Khuổi Kỵ cho hay: “Ngược thời gian vào những năm 1594-1677, khi nhà Mạc lên vùng đất Cao Bằng để xây dựng thành quách để bảo vệ đất nước, những ngôi nhà sàn bằng đá đã được xây dựng lên như một “pháo đài” độc nhất vô nhị chỉ dành riêng cho những bậc quyền quý. 

Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng - 2

Ngôi nhà đẹp nhất làng Khuổi Kỵ được xây hoàn toàn bằng đá tự nhiên

Hiện Khuổi Kỵ có 14 căn nhà sàn bằng đá và để bảo tồn, phục dựng lại nó các cơ quan chức năng Cao Bằng phải tiêu tốn ngót ba năm trời xếp đá. Mãi đến năm 2010 “làng đá” này được hoàn thành với những nét kiến trúc độc đáo. 

Tùy thuộc vào căn nhà sàn lớn hay nhỏ (thường là 3 gian - 2 chái và 1 gian - 2 chái), thì chuyện dựng nhà sàn gỗ của người Tày cũng cần ít nhất quãng thời gian 5 năm với hàng chục khối gỗ lớn, lạt, số lượng cột, kèo…” 

Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng - 3

Cây cầu bắc qua suối trước “làng đá” được xây dựng khang trang, đẹp đẽ

Tuy nhiên, khi dựng nhà sàn đá lại chú trọng hơn đến khâu lựa chọn đá và sắp xếp chúng. Chẳng hạn, để xếp được một bức tường bằng đá thì người thợ phải mất vài tháng, có khi gần một năm. 

Khi xếp đá đến độ cao khoảng 2,5m, người thợ sẽ tính đến chuyện đặt dầm gỗ, sau đó xếp những tấm ván hoặc tre để làm sàn, đồng thời chia cách tầng 1 và tầng 2. Những viên đá được chọn để dựng nhà gần như có kích thước tương đồng và chúng sẽ được gắn kết với nhau bằng hỗn hợp vôi trộn cát.

Một điều nữa có thể nhận thấy sự khác biệt của làng Khuổi Kỵ so với những nơi khác giữa các huyện miền núi là các hàng rào, đường đi lại hoàn toàn được làm bằng đá núi. 

Độc đáo tục thờ “thần đá” 

Trong tâm niệm của người dân nơi đây, đá được coi như một vị thần tượng trưng cho sự lâu bền, vững chắc có thể phục vụ cho các mục đích lâu dài trong đời sống sinh hoạt nên đã lập đền để thờ thần đá.

Bên chén rượu ngô đượm vị vùng cao, một ông cụ, dáng vẻ phong sương đã ngoài tuổi bát tuần tên Nông Văn Khang, người dân tộc Tày ở xã Đàm Thủy cho chúng tôi hay: “Đá trong tâm tưởng của họ thiêng liêng như một vị thần giúp che chở những khắc nhiệt của thiên nhiên. Chẳng thế mà trong luật tục của của mỗi tộc người trên vùng đất Cao Bằng này đều có những ngày nhất định để tiến hành tế lễ cảm tạ thần đá, thần rừng. 

Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng - 4

Đường đi quanh làng cũng được người dân dùng đá để làm hàng rào hai bên

Còn nhớ tộc người Lô Lô sinh sống ở huyện Bảo Lạc, năm nào cũng vậy, cứ độ vào tiết trời thanh minh tháng Ba là cư dân cả bản dù có bận việc đến đâu cũng sẽ tạm gác lại để cùng họp nhau tại nơi thờ cũng thần đá được quy ước trong bản để làm lễ “mể-lồ-phỉ” (hiểu nôm na là lễ cúng thần đá)... 

... Hằng mong truyền đạt, cầu những điều tốt đẹp nhất sẽ đến với bản làng của mình trong những ngày mùa màng sắp tới. Hay suy nghĩ sâu hơn nữa thì, tập tục tế thần đá này còn thể hiện ý thức trách nhiệm của cả một cộng đồng trước mẹ thiên nhiên”. 

Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng - 5

Thay vì trồng cây gai hay chặt cây về dựng hàng rào như các nơi khác, người dân nơi đây đã tận dụng đá tự nhiên để dựng lên những bức rào đá một cách chắc chắn

Theo lời những người dân nơi đây, họ luôn coi đá như một phần trong cuộc sống. Bởi thế nên có những bức tường đá đã phủ hoen màu thời gian vẫn vững chắc tồn tại, mà không ai dám phá cả. Thậm chí bất cứ ai khi đi ngang qua những bức tường đá, chứng kiến chúng chẳng may bị hư hỏng là bà con lại tự động nhặt đá lắp lại. 

Độc đáo làng "đá” ở Cao Bằng - 6

Xung quanh những hàng rào bằng đá, làng Khuổi Kỵ đã lập đền để thờ thần đá

Giữa không gian bao la, những ngôi nhà sàn đá vững chãi vươn cao như một lũy thép kiên cố. Mặc cho thời gian trôi qua, suốt hàng trăm năm nhưng những ngôi nhà sàn đá này vẫn bền bỉ, kiên định, bao bọc, chở che những cư dân hiền lành, chất phác vùng biên viễn. 

Hay nói như ông Lương Văn La, Trưởng phòng Văn hóa huyện Trùng Khánh: "Đa số những người con của quê hương Đàm Thủy là dân tộc Tày, cho nên ngôi nhà cũng mang đậm bản sắc văn hóa của họ. Người Tày có tín ngưỡng thờ đá. Họ coi đá là khởi nguồn của sự sống và là trung tâm của vũ trụ. Họ quan niệm rằng, con người sinh ra từ đá và khi chết sẽ hóa thành đá”.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Vĩnh Oanh (Dân Việt)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN