TP.HCM: Nhiều thuê bao bị “đứt gánh” internet do nhà mạng kéo cáp “chui”?

Sự kiện: Internet

Nhà mạng FPT Telecom cho biết, hôm 4/10, họ đã cắt 2 sợi cáp của CMC Telecom vì đó là cáp kéo "chui".

Để đầu tư cho một cơ sở hạ tầng viễn thông, số tiền bỏ ra là rất lớn. Do đó, phương án dùng chung hạ tầng giúp các doanh nghiệp tiết kiệm được chi phí và triển khai mạng lưới nhanh chóng hơn. Song để có thể đi đến những thống nhất về đơn giá, về lắp đặt đường dây,… thì không phải chuyện dễ dàng. Hơn nữa, khi đã dùng chung thì một bên phải phụ thuộc nhiều vào đối tác nên cũng có nhiều bất lợi.

Trong khi đó, thị trường viễn thông đang dần trở nên chật hẹp chính là lý do để nhiều doanh nghiệp muốn tiết kiệm tối đa chi phí và dẫn tới các sai phạm một cách bất chấp, đặc biệt trong việc sử dụng hạ tầng. Song dường như người chịu thiệt hại vẫn thường là khách hàng - những thuê bao internet.

TP.HCM: Nhiều thuê bao bị “đứt gánh” internet do nhà mạng kéo cáp “chui”? - 1

Ngoài việc bị "đứt gánh" đường truyền internet do nguyên nhân bất khả kháng (như mưa bão, lũ lụt,...) thì đã có nhiều trường hợp xảy ra do sai phạm của chính nhà mạng. (Ảnh minh họa: T.T)

Gần đây nhất là vụ việc nhà mạng CMC Telecom tố FPT Telecom cắt dây cáp của mình. Chưa rõ thực hư vụ việc thế nào nhưng thông tin nói trên đang khiến cho khách hàng có cái nhìn thiếu thiện cảm về thị trường viễn thông, thậm chí là họ đang mất niềm tin vào các nhà cung cấp mạng viễn thông tại Việt Nam.

Là một trong những đơn vị đang thuê lại hạ tầng của FPT Telecom, CMC Telecom đã tố phía FPT Telecom đơn phương cắt sợi cáp quang 48FO tại đoạn hầm cống cáp tuyến đường Tân Sơn Nhì (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Độc Lập), khiến cho toàn bộ khách hàng khu vực này bị ảnh hưởng. Đây là bể cáp ngầm mà FPT Telecom đầu tư theo hình thức xã hội hoá và CMC Telecom đang thuê lại hạ tầng.

Sau khi nhận được tố cáo từ phía CMC Telecom về việc xử lý những sợi cáp kéo thêm ngoài hợp đồng mà không khai báo, FPT Telecom đã có những thông tin chi tiết liên quan tới vụ việc.

Theo đại diện FPT Telecom, khi phát hiện CMC Telecom tự ý triển khai kéo sợi cáp 48FO, FPT Telecom đã thể hiện thiện chí hợp tác khi đồng ý hợp thức hóa cáp ngoài hợp đồng không khai báo, tất nhiên là với điều kiện CMC Telecom phải ký thêm phụ lục hợp đồng đối với trường hợp phát sinh này theo quy định.

“Tuy nhiên phía CMC Telecom không có phương án khắc phục và vẫn tiếp tục sử dụng cáp ngầm ngoài hợp đồng. Số cáp kéo ngoài hợp đồng không khai báo là 9 sợi với tổng chiều dài cáp chênh lệch so với hợp đồng lên tới hàng ngàn mét”, đại diện FPT Telecom thông tin.

Đại diện nhà mạng FPT Telecom cho biết thêm, trong quá trình rà soát hạ tầng, thông tin về các sợi cáp kéo thêm ngoài hợp đồng mà không khai báo đã được FPT Telecom cảnh báo tới các đơn vị có liên quan nhằm mục đích đảm bảo quyền lợi khách hàng; tuy nhiên, FPT Telecom vẫn không nhận được sự hợp tác từ phía đối tác.

“Do đó, FPT Telecom buộc phải cắt các đoạn cáp kéo thêm mà không nằm trong hợp đồng như trên. Trước khi diễn ra sự việc ngày 4/10/2018, CMC Telecom đã nhiều lần vi phạm hợp đồng với hành vi kéo cáp ngoài hợp đồng không khai báo, và họ từng bị truy thu hàng trăm triệu đồng”, đại diện FPT Telecom nói.

Hiện, những thông tin mà CMC Telecom tố cáo FPT Telecom cắt đường cáp của mình, cũng như việc FPT Telecom phản hồi lý do là CMC Telecom kéo cáp ngoài hợp đồng, đang gây hoang mang cho dư luận và đang đặt ra hàng loạt câu hỏi liên quan. Nếu thật sự CMC Telecom đang kéo “ké” cáp ngoài hợp đồng như FPT Telecom phản ánh thì liệu chi phí hằng tháng mà người dùng đang phải trả để sử dụng mạng internet của CMC Telecom có đúng giá trị hay không; ngược lại cũng có nhiều vấn đề cần làm rõ.

Như vậy có thể thấy, lúc này cần lắm vai trò của các cơ quan chủ quản để đảm bảo tính minh bạch, cạnh tranh lành mạnh giữa các doanh nghiệp. Cạnh tranh trong viễn thông luôn là chủ đề được quan tâm, vì người trực tiếp bị ảnh hưởng chính là khách hàng.

Trước đó, hồi 14h45 ngày 4/10/2018, tại số 2 và số 26 Tân Sơn Nhì, quận Tân Phú, TP.HCM, tuyến cáp quang 48FO của CMC Telecom đã bị FPT Telecom cắt đứt khiến toàn bộ đường truyền internet của khách hàng CMC Telecom tại khu vực quận Tân Phú, huyện Hóc Môn và Củ Chi bị mất tín hiệu.

Các mốc thời gian diễn biến vụ việc do FPT Telecom chia sẻ với báo chí:

- Tháng 1/2018, CMC Telecom và FPT Telecom ký kết hợp đồng số 81/2017/HĐCT-FTEL-INF về việc thuê cơ sở hạ tầng cống cáp tại địa điểm đường Tân Sơn Nhì (đoạn từ đường Trường Chinh đến đường Độc Lập).

- Ngày 24/4/2018, CMC Telecom gửi công văn đề nghị thuê bổ sung hạ tầng ngầm theo sợi trên tuyến ngầm Tân Sơn Nhì. Cụ thể là loại cáp 48FO, dự kiến triển khai từ hầm 48-H-2NL đến hầm 7-H-1NL với chiều dài dự kiến là 333m. Đối với nội dung đề nghị này, FPT Telecom vẫn đang trong tiến trình xem xét.

- Ngày 23/8/2018, FPT Telecom phát hiện có sợi cáp 48FO vô chủ đã được tự ý triển khai mà không thông báo trong hạ tầng ngầm của FPT Telecom trên tuyến đường Tân Sơn Nhì và đang được khai thác, sử dụng.

Qua quá trình rà soát, FPT Telecom xác định sợi cáp 48FO này là do CMC Telecom tự ý triển khai. Nhận thấy đây là hành vi vi phạm hợp đồng, FPT Telecom đã lập biên bản nghiệm thu thực tế tại hiện trường về việc vi phạm này. Biên bản có chữ ký xác nhận của đại diện đơn vị thi công hạ tầng cho CMC Telecom tại hiện trường.

Sau đó, FPT Telecom nhiều lần gửi email cũng như gọi điện cho CMC Telecom yêu cầu thỏa thuận điều khoản phụ lục hợp đồng nhưng không nhận được bất cứ phản hồi nào.

- Ngày 19/9/2018, FPT Telecom đã gửi cho CMC Telecom công văn số 557/CNCTCPVTFPT-INF với nội dung thông báo kế hoạch kiểm tra hạ tầng viễn thông trên tuyến đường Tân Sơn Nhì và nêu rõ: “FPT Telecom sẽ xử lý cáp vô chủ hoặc có chủ nhưng không đúng trong hợp đồng mà không cần thông báo trước hướng giải quyết cho các đơn vị chủ quản”. 

- Biên bản kiểm tra ngày 24/9/2018 được CMC Telecom ký xác nhận là có 2 sợi cáp 48FO của CMC Telecom triển khai trong hạ tầng của FPT Telecom ngoài quy định của hợp đồng.

- Ngày 4/10/2018, FPT Telecom đã xử lý 2 sợi cáp 48FO nói trên của CMC Telecom bằng hình thức cắt cáp.

Mạng di động nào có tốc độ internet nhanh nhất Việt Nam?

SpeedTest đã kiểm tra tốc độ internet di động tại Việt Nam trong 6 tháng đầu năm 2018.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN