MobiFone chính thức tách khỏi VNPT

Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, Chính phủ đã thông qua đề án Tái cơ cấu VNPT, với việc tách MobiFone ra khỏi Tập đoàn này.

Tại cuộc họp báo của Chính phủ ngày 1/4, Bộ trưởng bộ TT&TT Nguyễn Bắc Son cho biết, ngày 31/3/2014, Chính phủ đã thông qua đề án Tái cơ cấu Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT). Đây là Tập đoàn sở hữu hai mạng di động lớn VinaPhone và MobiFone.

Trước đó, trong lần trao đổi với PV bên lề buổi họp báo thường kỳ Chính phủ tháng 9/2013, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết trong một tập đoàn không thể có 2 mạng viễn thông (Theo luật viễn thông và theo Nghị định 25 cuả Chính phủ, cũng như Điều 18 của Luật Cạnh tranh quy định là một tập đoàn không được sở hữu chéo quá quá 20%), chắc chắn một trong 2 mạng viễn thông Mobifone và Vinaphone sẽ phải ra khỏi tập đoàn.

MobiFone chính thức tách khỏi VNPT - 1

MobiFone chính thức được chấp thuận tách khỏi VNPT (Ảnh infonet)

Trả lời báo chí ngày 1/4, Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho hay sẽ tách MobiFone ra khỏi VNPT và trực thuộc Bộ TT&TT. Như vậy, Bộ TT&TT sẽ thực hiện chức năng quản lý nhà nước đối với VNPT và công ty điện thoại di động MobiFone.

Bộ trưởng cho biết, Thủ tướng Chính phủ cũng đã chỉ đạo phải nhanh chóng cổ phần hóa MobiFone theo đúng lộ trình. Phần còn lại của VNPT sẽ tổ chức lại, trong đó có nhà mạng VinaPhone. Như vậy, thời gian tới hình thành thị trường viễn thông cạnh tranh lành mạnh, có 3 đến 4 mạng viễn thông mạnh quốc gia.

Bộ trưởng Nguyễn Bắc Son cho biết, trong năm 2013, tất cả các tập đoàn, tổng công ty nhà nước đóng góp ngân sách 174.200 tỷ đồng. Trong đó, riêng VNPT và Viettel đóng góp hơn 25.000 tỷ đồng, chiếm hơn 14,8% trong tổng số đóng góp của tất cả các doanh nghiệp nhà nước.

Chính vì vai trò quan trọng của VNPT và tầm ảnh hưởng đến hàng chục triệu người dân Việt Nam đang dùng dịch vụ của tập đoàn này nên trong thời gian vừa qua nên Chính phủ và các bộ ngành rất quan tâm đến việc tái cơ cấu tập đoàn này.

Cũng tại cuộc họp báo chiều 1/4, Bộ trưởng, Chủ nhiệm VPCP Nguyễn Văn Nên cho rằng, VNPT là đơn vị lớn, chủ lực của ngành Viễn thông Việt Nam. Chính phủ rất thận trọng, chặt chẽ, dành nhiều thời gian khi bàn về tái cơ cấu VNPT.

Tinh thần chung, Chính phủ đồng ý theo đề nghị của Bộ Thông tin và Truyền thông là tách phần viễn thông di động ra để chuẩn bị cho cổ phần hóa đúng theo lộ trình, kế hoạch. Phần còn lại tiếp tục củng cố làm sao cho cả 2 cùng mạnh, tiếp tục giữ thương hiệu và phát triển ngày càng tốt hơn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Dương Tùng ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN