Giải pháp hạn chế cháy nổ smartphone

Trước tình trạng cháy nổ smartphone ngày càng nhiều thì người dùng nên tự tìm giải pháp bảo vệ mình trước khi xảy ra sự cố.

Phòng, chống cháy nổ bằng ứng dụng 

Đa số các nhà sản xuất trước khi bán sản phẩm ra thị trường đều tối ưu vi xử lý nhằm hạn chế việc quá nhiệt. Vậy nên khi thiết bị chạm tới ngưỡng nhiệt độ nhất định, máy sẽ hoạt động ì ạch do CPU phải giảm tốc độ xử lý. Nếu muốn chủ động hơn trong việc kiểm soát, bạn cần phải cài đặt một số ứng dụng của bên thứ ba để smartphone tự động cảnh báo khi thiết bị quá nóng. 

Bạn có thể sử dụng ứng dụng Cooler Master (https://goo.gl/h0FvK7) để kiểm tra nhiệt độ smartphone. Giao diện chính của Cooler Master (CM) sẽ hiển thị thông tin về nhiệt độ smartphone, dung lượng RAM và CPU chiếm dụng theo thời gian thực. Nếu cảm thấy điện thoại quá nóng, bạn chỉ cần chạm vào nút Detect Overheating Apps, sau đó đánh dấu chọn vào các ứng dụng đang chạy nền và nhấn Clean Up. Ngoài ra, CM còn có chức năng tự động hiển thị cảnh báo trên màn hình nếu nhiệt độ tăng cao bất thường, giúp người dùng ngăn chặn kịp thời các vấn đề liên quan đến việc hư hỏng phần cứng hoặc cháy nổ. 

Để giới hạn nhiệt độ, bạn hãy chạm vào biểu tượng ba chấm ở góc trên bên phải, truy cập vào Settings > Advanced settings > Temperature threshold, đồng thời đánh dấu chọn vào ô High temperature notification. Khi nhiệt độ smartphone tăng quá mức cho phép, ứng dụng sẽ ngay lập tức cảnh báo. 

Giải pháp hạn chế cháy nổ smartphone - 1

Người dùng nên kiểm tra nhiệt độ smartphone khi thiết bị có dấu hiệu lạ. Ảnh: M.HOÀNG

Ngoài Cooler Master, người dùng cũng có thể cài đặt thêm ứng dụng CPU Temperature (https://goo. gl/2pZamt) để kiểm soát toàn diện smartphone, bao gồm nhiệt độ CPU, nhiệt độ pin, dung lượng RAM và CPU đang hoạt động. Khi chuyển sang thẻ Analyze, tự động ứng dụng sẽ phân tích và liệt kê các ứng dụng đang làm nóng máy, qua đó bạn có thể tắt bớt để hạ nhiệt smartphone. 

Ngoài ra, trên các thiết bị android nếu không muốn cài các ứng dụng, bạn hãy mở phần quay số và nhập *#*#4636#*#*, chọn tiếp vào mục Battery information. Tại đây sẽ có đầy đủ thông tin về tình trạng pin, sức khỏe, nhiệt độ, công nghệ pin (đa số đều là lithium-ion) và thời gian mở máy. Nếu thiết bị không hỗ trợ tính năng này, bạn cần phải cài thêm các ứng dụng của bên thứ ba. 

Bằng giải pháp đơn giản khác

Để hạn chế tình trạng smartphone quá nóng, bạn cần phải sạc điện thoại đúng cách. Việc này tưởng chừng đơn giản nhưng vẫn còn khá nhiều người mắc sai lầm. Theo đó, khi sạc pin, mặc định thiết bị sẽ ấm hơn so với bình thường, do vậy trong quá trình này bạn không nên xem phim, cập nhật ứng dụng hoặc chơi game bởi điều này chỉ khiến thiết bị tỏa nhiệt nhiều hơn. Ngoài ra, bạn cũng nên đặt điện thoại ở một nơi mát mẻ, tránh tiếp xúc trực tiếp với ánh sáng mặt trời vào giữa trưa, gỡ bỏ ốp lưng đi kèm (nếu có) để smartphone tỏa nhiệt nhanh hơn. 

Nhiều người thường có thói quen ép xung smartphone để tăng tốc độ xử lý, hành động này chỉ mang lại lợi ích nhỏ và sẽ vắt kiệt sức CPU, tiêu hao nhiều năng lượng và làm máy nóng nhanh hơn. Thậm chí smartphone còn có thể bị “bức tử” và chết đột ngột. Nhìn chung khi thấy smartphone quá nóng, bạn nên tắt hẳn thiết bị và để nó ở một nơi thoáng mát. Lưu ý, không đặt điện thoại vào tủ lạnh bởi việc thay đổi nhiệt độ đột ngột có thể khiến thiết bị bị nứt và gặp sự cố. 

Ngoài ra, bạn cũng nên thường xuyên kiểm tra viên pin xem nó có bị phồng hoặc rỉ chất hóa học hay không, nếu có người dùng hãy mang điện thoại đến các trung tâm bảo hành hoặc cửa hàng có uy tín để thay mới, không tiếp tục sử dụng để tránh xảy ra tình trạng cháy nổ smartphone.

Đối với các thiết bị iOS, bạn có thể cài đặt ứng dụng Battery Percentage tại địa chỉ https://goo.gl/w10Dgd để kiểm tra nhiệt độ, sức khỏe và số lần sạc trên iPhone mà không cần jailbreak. Ứng dụng này hiện tại đã có sẵn trên App Store tại khu vực Việt Nam.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hoàng Minh ([Tên nguồn])
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN