Chuyển mạng giữ số di động: Quyền lợi người dùng có được tối ưu?

Theo lộ trình quy định của bộ Thông tin và Truyền thông, đến ngày 31/12, việc triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số di động (Mobile Number Portability) cho người dùng sẽ được tất cả các nhà mạng áp dụng chính thức. Băn khoăn về tính khả thi cũng như được, mất của dịch vụ này cũng bắt đầu được đưa lên bàn cân…

Trao đổi với PV báo Người Đưa Tin, ông Vũ Hoàng Liên, Chủ tịch Hiệp hội Internet Việt Nam cũng đã có những chia sẻ đa chiều về dịch vụ chuyển mạng giữ số di động mà tới đây tất cả các nhà mạng đều phải áp dụng.

Theo ông Liên, kế hoạch và lộ trình thực hiện dịch vụ chuyển mạng giữ số đã được bộ Thông tin và Truyền thông chuẩn bị, đầu tư một cách kỹ lưỡng. Nếu xét về hạ tầng kỹ thuật sẽ không có gì đáng phải lo ngại. Chúng ta được kế thừa nhiều kinh nghiệm từ nước ngoài cũng như kỹ năng “chinh chiến” của một số nhà mạng lớn trong nước, đây là một điểm cộng rất đáng để ghi nhận.

“Tuy nhiên cũng phải thừa nhận rằng, dù đầu tư, chuẩn bị chu đáo đến đâu cũng sẽ không tránh khỏi những sự cố nhất định thời gian đầu vận hành. Theo tôi, những sai sót phát sinh nếu có khả năng cao sẽ đến từ các khâu có liên quan đến con người như thủ tục chuyển đổi chẳng hạn. Thủ tục đó như thế nào, có tận dụng được tối đa việc online trên mạng hay không? Bản thân khách hàng lẫn nhân viên cũng có thể chưa chuẩn trong khâu nhập thông tin. Bên cạnh đó các quy định về quy trình thực hiện, công tác quản lý cũng sẽ mất một khoảng thời gian mới có thể tối ưu được”, ông Liên cho biết.

Chuyển mạng giữ số di động: Quyền lợi người dùng có được tối ưu? - 1

Những băn khoăn về tính khả thi của dịch vụ chuyển mạng giữ số di động bắt đầu được đưa ra bàn luận.

Chuyên gia này phân tích, sẽ có rất nhiều vấn đề mà các nhà mạng phải tìm cách để điều chỉnh và xử lý. Đơn cử như các quy định về việc phối hợp khi nhà mạng này tiếp nhận thì nhà mạng kia phải xóa khách hàng chuyển đi; các vấn đề về cước phí, thời điểm tính cước bên này, cắt cước bên kia, cách tính tròn tháng, chưa tròn tháng, cước thuê bao tính từ ngày bao nhiêu, tài khoản còn tiền nhưng chưa sử dụng hết… nếu các nhà mạng không khớp với nhau thì chính người sử dụng mới là người chịu thiệt vì giao dịch bị gián đoạn và mất thêm chi phí ngoài phí dịch vụ.

Về bài toán chiến lược kinh doanh của các nhà mạng, theo ông Vũ Hoàng Liên, việc chuyển mạng giữ số cũng sẽ có những tác động không nhỏ. Với những “ông lớn” đang ở thế thượng phong, đương nhiên họ sẽ không thích việc sẽ phải chia sẻ khách hàng với những nhà mạng khác. Trong khi đó, các nhà mạng nhỏ, nhà mạng mới xâm nhập thị trường thì đây lại là cơ hội tốt để chiếm được thị trường và giảm chi phí bán hàng. Chắc chắn, các nhà mạng sẽ phải có những thay đổi về chiến lược kinh doanh.

“Nếu đây là một giải pháp kinh doanh thì có tạo ra được một thị trường công bằng hay không? Nếu là giải pháp lành mạnh thì khách hàng là người được hưởng nhiều. Tuy nhiên cũng phải tính tới những yếu tố khác như việc nhà mạng phải gia tăng đầu tư chi phí, giảm lợi nhuận. Từ đó gián tiếp dẫn đến việc tăng giá cước người dùng hoặc cắt giảm những quyền lợi như khuyến mại, chăm sóc khách hàng…. Ở góc độ một người dân, sẽ phải chịu những tác động trực tiếp từ vấn đề này, tôi hoàn toàn có thể đặt ra những nghi ngờ”, ông Liên cho biết.

Chuyển mạng, giữ nguyên số
Chuyển mạng giữ số, bạn chọn nhà mạng nào?

Chuyển mạng giữ số: VinaPhone sẽ triển khai ”một cửa”

Đây là yếu tố then chốt trong quy trình triển khai dịch vụ chuyển mạng giữ số mà nhà mạng này đang thử nghiệm.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Đỗ Huệ ([Tên nguồn])
Internet Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN