Các "ông lớn" công nghệ tung chiêu kích thích người dùng "ở nhà để chống dịch"

Sự kiện: Công nghệ

Bằng cách tặng người dùng những dịch vụ miễn phí hoặc bổ sung các tiện ích online, các "ông lớn" công nghệ kêu gọi người dùng nên ở nhà, hạn chế ra đường.

Những ngày qua, thông điệp có nội dung "Chúng tôi đi làm vì bạn. Bạn hãy ở nhà vì chúng tôi" của ngành y tế trong công tác phòng, chống dịch Covid-19 đã lan tỏa mạnh trên mạng xã hội. Hưởng ứng lời kêu gọi này, nhiều "ông lớn" công nghệ đã nhanh chóng tung những ưu đãi và tính năng mới trên sản phẩm của mình hướng tới việc phục vụ người dùng ở nhà chống dịch.

Hạn chế ra đường, ưu tiên ở nhà làm việc, học tập và giải trí là một trong những giải pháp phòng tránh dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Hạn chế ra đường, ưu tiên ở nhà làm việc, học tập và giải trí là một trong những giải pháp phòng tránh dịch Covid-19. (Ảnh minh họa)

Đặc biệt trong lĩnh vực giáo dục, rất nhiều "ông lớn" công nghệ đã tung những giải pháp miễn phí hỗ trợ học sinh, sinh viên lẫn phụ huynh cùng học. Chẳng hạn với Viettel là ViettelStudy, với VNPT là VNPT e-Learning,... Bên cạnh đó còn có những sản phẩm khác như "Học kỳ trực tuyến" của Kiến Guru theo đúng chương trình trong sách giáo khoa, hay gói Pro miễn phí trên phần mềm học tiếng Anh Elsa Speak,...

Trong lĩnh vực truyền hình, chương trình tri ân “Ai cũng có quà - Giải trí tại gia - Đẩy lùi Corona” diễn ra từ ngày 23/2 - 30/4/2020 là món quà dành tặng đến hàng triệu khách hàng sử dụng Truyền hình FPT trên cả nước. Theo đó, các khách hàng đang sử dụng gói kênh Cơ bản sẽ có thêm 16 kênh truyền hình quốc tế đặc sắc, trong đó có 7 kênh chuẩn HD được nhiều người yêu thích như Fox HD, Red by HBO HD, Blue Ant Extreme HD,…

Ngoài ra, đơn vị truyền hình này cho biết, họ đã hoàn tất thủ tục mua bản quyền hàng loạt bộ phim chiếu rạp đặc sắc để gửi tặng miễn phí tới 100% khách hàng trong thời gian tới với tần suất 1 phim mỗi tuần. Để mang lại sự bất ngờ cho khách hàng, tên của các bộ phim đang được giữ kín và chỉ được công bố vào đầu hàng tuần công chiếu.

Trong lĩnh vực mua đồ ăn qua mạng, Grab đã triển khai thử nghiệm GrabMart cho người dùng tại TP.HCM, giúp tăng an toàn cho người dùng Grab trong thời điểm dịch Covid-19 đang diễn biến phức tạp. Theo đó, người dùng Grab tại TP.HCM giờ đây có thể dễ dàng tìm kiếm và chọn mua các loại thực phẩm đóng hộp, thức ăn chế biến sẵn, trái cây tươi, thức uống đóng chai, rau củ quả từ các đối tác liên kết là các cửa hàng tiện lợi, chuỗi cửa hàng bán lẻ, siêu thị.

Siêu thị GrabMart với đa dạng hàng hóa.

Siêu thị GrabMart với đa dạng hàng hóa.

Theo Grab, đơn hàng sẽ được gửi trực tiếp đến máy nhận đơn của các thương nhân liên kết với GrabMart. Đối tác tài xế nhận đơn hàng GrabMart chỉ cần đến cửa hàng, báo số đơn, chờ nhận hàng và giao hàng, lược bỏ các quy trình ghi nhớ đơn hàng, mua hộ, thanh toán thủ công, rút ngắn đáng kể thời gian thực hiện đơn hàng.

Việt Nam là quốc gia thứ 4 có GrabMart, sau một số quốc gia khác tại Đông Nam Á cũng đang phải gồng mình chống dịch Covid-19 là Indonesia, Thái Lan và Malaysia. Trong thời gian tới, sẽ có thêm nhiều cửa hàng, đối tác liên kết, cùng nhiều mặt hàng khác được bổ sung trên GrabMart.

57,5 tỉ đồng ủng hộ công tác phòng, chống dịch Covid-19 qua tin nhắn gửi 1407

Chiều 19/3, Bộ Thông tin và Truyền thông (TT&TT) và Ủy ban Trung ương Mặt trận Tổ quốc Việt Nam đã cùng phát động chương trình “Toàn dân ủng hộ phòng, chống dịch bệnh Covid-19”. Để tham gia ủng hộ chương trình, người dân cần nhắn tin theo cú pháp: CV n gửi 1407, trong đó n là số lượng tin nhắn ủng hộ trong lần nhắn tin.

Số lượng tin nhắn trong một lần nhắn tin giới hạn từ 1 đến 100. Với mỗi tin nhắn, chủ thuê bao di động sẽ đóng góp tối thiểu 20.000 đồng. Ví dụ, CV 1 là 20.000 đồng, CV 5 là 100.000 đồng,...

Toàn bộ số tiền thu được sẽ được sử dụng cho công tác phòng, chống dịch Covid-19, bao gồm việc hỗ trợ trang thiết bị y tế, nhu yếu phẩm để bảo vệ thầy thuốc và các chiến sĩ công an, bộ đội, cơ quan báo chí trực tiếp tiếp xúc với người mắc bệnh, hỗ trợ người nhiễm và nghi nhiễm phải cách ly.

Thời gian tiếp nhận tin nhắn ủng hộ từ 0h ngày 19/3/2020 đến hết ngày 18/6/2020. Theo số liệu cập nhật đến 12h ngày 23/3, đã có gần 878.000 tin nhắn ủng hộ với số tiền khoảng 57,5 tỉ đồng, tức trung bình số tiền ủng hộ trong mỗi tin nhắn là 65.000 đồng.

Số lượng tin nhắn và số tiền quyên góp được, tính từ 0h ngày 19/3 đến 12h ngày 23/3.

Số lượng tin nhắn và số tiền quyên góp được, tính từ 0h ngày 19/3 đến 12h ngày 23/3.

Nguồn: [Link nguồn]

Những rủi ro bảo mật khi làm việc online tại nhà trong mùa dịch Covid-19

Làm việc online tại nhà giúp giảm nguy cơ lây lan Covid-19 nhưng cũng tạo ra những rủi ro nhất định.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Ngọc Phạm ([Tên nguồn])
Công nghệ Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN