Bùng nổ dịch vụ trên mạng 3G

Công nghệ 3G bắt đầu được triển khai ở Việt Nam từ năm 2009, VinaPhone là nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ ra thị trường. Theo dự đoán của các chuyên gia tại Hội nghị Viễn thông quốc tế Mobile Vietnam 2012, trong vòng 6-12 tháng tới sẽ có sự bùng nổ nhu cầu các dịch vụ trên mạng 3G...

3G Việt đang phát triển đúng hướng

Theo số liệu gần đây của Bộ Thông tin và Truyền thông, hiện Việt Nam có 16 triệu thuê bao 3G, chiếm 15% dân số. Chiếm đáng kể trong đó là thuê bao 3G của Tập đoàn Bưu chính Viễn thông Việt Nam (VNPT) với hai mạng VinaPhone và MobiFone.

Chia sẻ thông tin tại Hội thảo, ông Đỗ Vũ Anh - Trưởng ban Viễn thông, Tập đoàn VNPT cho hay, hiện mạng di động 2G của VNPT đã phủ sóng 100% tỉnh, thành trên cả nước, mạng 3G phủ sóng hơn 70% dân số với nhiều dịch vụ nổi bật như video call, mạng băng rộng, Mobile Internet, Mobile camera… và hiện đang nghiên cứu và thử nghiệm công nghệ tiên tiến nhất 4G (LTE).

Bùng nổ dịch vụ trên mạng 3G - 1

VinaPhone đã là nhà mạng đầu tiên cung cấp dịch vụ 3G tại Việt Nam với nhiều gia tăng tiện ích.

Đánh giá về tốc độ phát triển 3G tại thị trường Việt, chuyên gia đến từ Huawei cho rằng, hiện tỉ lệ sử dụng 3G của người tiêu dùng đã theo kịp với xu thế thị trường nói chung, đặc biệt là khi so sánh tỉ lệ này của Việt Nam với một vài quốc gia trong khu vực triển khai 3G trước đó. Chẳng hạn như Philippines hay Indonesia.

Tuy nhiên, kết quả này vẫn chưa đạt được sự kỳ vọng thực sự của các nhà phân tích cũng như các nhà khai thác. Theo ông Michael MacDonald- CTO khu vực Đông Nam Á của Huawei, nguyên nhân chính là sự phát triển chưa hài hòa giữa “thiết bị đầu cuối, hạ tầng mạng viễn thông và điện toán đám mây”.

Đối với những người dùng đăng ký sử dụng dịch vụ trực truyến, họ hy vọng dịch vụ này sẽ hoạt động được trên tất cả các loại thiết bị từ thiết bị cầm tay cho đến máy tính xách tay. Do đó, mục tiêu của nhà mạng là làm sao kết nối được nội dung và thiết bị.

Trong thời gian qua chúng ta đã chứng kiến một sự dịch chuyển xu hướng máy tính để bàn, máy tính xách tay sang di động. Mọi người nghĩ rằng, mật độ máy tính xách tay sẽ tăng lên trong những năm tới nhưng thực tế lại hoàn toàn ngược lại. Theo thống kê mới đây của Gartner, lần đầu tiên doanh số của PC và máy xách tay đã giảm xuống, doanh số của điện thoại di động đã tăng vượt qua doanh số của máy để bàn.

Tại các thị trường phát triển, những người đã có máy đầu cuối và máy xách tay, họ sẽ mua thêm máy tính bảng và điện thoại. Còn ở Châu Á, điều đó hoàn toàn ngược lại. Tại Châu Á, trải nghiệm đầu tiên của người dùng trên mạng có thể thông qua điện thoại thông minh (smartphone), không thấy xu hướng nào nói rằng, người dùng Internet trên ĐTDĐ lại muốn chuyển trải nghiệm đó sang máy tính xách tay hay máy tính để bàn. Do đó, điều quan trọng là nhà mạng cần phát triển nội dung, video, giải trí đa phương tiện cho ĐTDĐ.

Hiện nhiều nhà khái thác đã nghĩ tới việc sử dụng nhiều công nghệ khác nhau để tạo ra truy cập nhanh hơn và dễ dàng hơn như LTE… nhưng điều quan trọng hơn cả là làm thế nào để cung cấp cho khách hàng một trải nghiệm thông suốt bất kể họ ở đâu và dùng thiết bị gì. Đây chính là điều mà các nhà khai thác mạng di động Việt Nam cần tận dụng để giành thắng lợi với chính 3G - “mảnh đất” màu mở vẫn còn nhiều tiềm năng khai thác.

Cũng về vấn đề này, Bộ Thông tin và Truyền thông cũng thể hiện rõ quan điểm rằng, hiện Bộ vẫn chưa nghĩ tới việc cấp tần số cho 4G mà các nhà mạng nên tối ưu hóa băng tần 2G và quan trọng hơn cả là kinh doanh hiệu quả trên 3G hiện nay.

Cần thêm cú hích bùng nổ

Theo dữ liệu mới đây của Huawei, 95% người có độ tuổi từ 10 đến 35 tuổi tại Việt Nam truy cập Internet và cách họ sử dụng Internet chủ yếu từ máy xách tay và máy để bàn, đa phần là sử dụng tại quán cà phê, công sở…

Trong khi đó, smartphone vẫn đang nằm ngoài tầm với của phần lớn dân số tại Việt Nam. Nếu như năm 2011, ở Thái Lan bùng nổ người dùng sử dụng smartphone thì điều đó vẫn chưa xảy ra tại Việt Nam. Do đó, giá của smartphone cần giảm xuống nữa.

Tuy nhiên, theo dự đoán trong vòng 6 tháng tới, tỉ lệ người dùng smartphone tại Việt Nam có thể tăng từ 16-21%, máy tính bảng tăng từ 2-5%. Tốc độ tăng trưởng này đang và sẽ tạo tiền đề phát triển đầy tiềm năng cho ngành kinh doanh dịch vụ 3G trong nước. Theo ông Denis Brunetti, Phó Tổng Giám đốc Erricsson Việt Nam, sự phổ cập smartphone giá thành hợp lý kèm các gói dịch vụ 3G sáng tạo, dịch vụ dữ liệu và ứng dụng có tính chất địa phương sẽ là những yếu tố quyết định giúp kinh doanh 3G phát triển mạnh và bền vững,

Nếu như 5 năm trước Apple đã tạo ra làn sóng smartphone, hay máy tính bảng cách đây ba năm, hoặc như kính Google Glasses hơi kỳ quặc và còn quá xa vời nhưng loại kính này sẽ bán ra thị trường vào đầu tháng tới. Điều đó có thể thấy, công nghệ phát triển rất nhanh, 99% người dùng sử dụng ĐTDĐ để truy cập mạng xã hội và chơi game thay vì gửi tin nhắn SMS.

Với Google Glasses, đây thực sự là một chiếc điện thoại thông minh tích hợp trong một chiếc kinh mắt và sẽ là thiết bị giúp thúc đẩy tăng trưởng băng thông vì nếu như smartphone khi nào cần thì người dùng truy cập mạng còn với Google Glasses, luồng thông tin dữ liệu thường xuyên truy cập, giống như một biển báo điện tử. Do đó, trong 5 năm tới những sản phẩm như Google Glasses sẽ làm thay đổi hoàn toàn ý tưởng về kết nối mạng.

Hơn nữa, khi người dùng bắt đầu sử dụng 3G và điện thoại có 3G thì người ta sẽ quay sang dùng các nền tảng quốc tế nhiều hơn. Do đó các nhà khai thác viễn thông nên tạo ra một nền tảng quốc tế và kết nối chúng với nội dung địa phương. Điều đó mới tạo nên sức mạnh thực sự của một nhà khai thác, ông Michael MacDonald quả quyết.

Hy vọng trong thời gian tới, thị trường 3G tại Việt Nam sẽ thực sự “thăng hoa” khi xu hướng smartphone tiếp tục “hạ nhiệt” và các nhà khai thác Viễn thông tạo ra dịch vụ để khai thác tối đa doanh thu từ những người sử dụng mạng hiện có.

Trong khuôn khổ Mobile Vietnam 2012, Hội nghị Quốc tế Mobile Việt Nam 2012 vừa khai mạc sáng nay, 19/10. Hội nghị tập trung thảo luận các nội dung xung quanh chủ đề: "Tương lai ngành di động Việt Nam, có vai trò định hình cho tương lai ngành di động Việt Nam" với 17 bài tham luận được đăng ký của các diễn giả từ Bộ Thông tin và Truyền thông, các nhà khai thác viễn thông Việt Nam và các diễn giả, đại diện của các Tập đoàn, công ty viễn thông lớn trên thế giới như Cục Tần số Vô tuyến điện, Cục Viễn thông thuộc Bộ Thông tin và Truyền thông; diễn giả của VNPT, Ericsson, Huawei, Telcordia, Qualcom, Intel...

Diễn ra trong trọn vẹn một ngày, nội dung hội nghị đề cập đến các vấn đề chính sách và điều tiết viễn thông; Mạng và dịch vụ viễn thông di động; Ứng dụng và giải pháp trên di động; Dịch vụ nội dung trên di động. Phần thảo luận bàn tròn với sự tham gia của Cục viễn thông bộ TT&TT, và đại diện các nhà khai thác viễn thông Việt Nam và chuyên gia nước ngoài tập trung xoay quanh 2 chủ đề chính là tương lai của ngành di động Việt Nam và 1 vấn đề nóng đó là quản lý giá cước để tránh cạnh tranh bằng giá.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Tuệ Minh (VnM)
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN