Vì sao nhân viên Gen Z dễ nghỉ việc?

Sự kiện: Giới trẻ 2024
00:00 / 0:00
Chuẩn
Tốc độ đọc

Vừa đến làm việc ở công ty mới được ba tiếng, Minh Thu nộp đơn xin nghỉ việc sau khi được phổ biến nội quy cấm ăn uống, nói chuyện riêng trong giờ làm.

Cô gái 22 tuổi ở Hà Nội cho biết đây là lần nghỉ việc thứ hai trong một tháng. Ở công ty mới, Thu là Gen Z duy nhất trong phòng truyền thông 15 người. Thay vì vài câu trò chuyện để làm quen với người mới, các đồng nghiệp chỉ im lặng tập trung làm việc. Cô gái trẻ thấy ngột ngạt và không biết bắt chuyện từ đâu.

"Mỗi lần nói chuyện quá 5 phút sẽ bị phạt 100.000 đồng nên tôi muốn tìm nơi làm thoải mái hơn", Thu lắc đầu ngán ngẩm.

Cô kể cơ quan cũ cũng đặt ra những nguyên tắc như thứ hai đầu tuần phải mặc đồng phục, không được mặc váy ngắn, phải liên tục tương tác trên nền tảng mạng xã hội của công ty. Thu cho rằng những điều này không giúp cô phát triển về kỹ năng nghiệp vụ còn gây chán nản mỗi khi đi làm.

Minh Thu quyết định nghỉ việc sau ba tiếng vì cảm thấy lạc lõng, bị phạt nếu ăn uống, nói chuyện riêng trong giờ làm. Ảnh nhân vật cung cấp

Minh Thu quyết định nghỉ việc sau ba tiếng vì cảm thấy lạc lõng, bị phạt nếu ăn uống, nói chuyện riêng trong giờ làm. Ảnh nhân vật cung cấp

Làm nhân viên markerting được nửa năm ở một công ty giáo dục, Thảo Phương vừa xin nghỉ việc vì bị công ty trừ lương do không đi du lịch cùng mọi người. Cô cảm thấy bị chèn ép bất công vì chưa từng nghe về quy định này trước đây.

Nói về lý do ghét việc tham gia hoạt động tập thể, cô nàng Gen Z cho biết đồng nghiệp thường chia bè, kéo phái, không giao lưu vì "không cùng tần số", khác biệt thế hệ. Việc đi du lịch chung với những người không thích mình khiến cô thấy bất mãn.

"Bản thân tôi nghĩ chỉ cần làm tốt việc của mình là được, tham gia hay không là quyền của mỗi người. Tôi chọn nghỉ việc để được đến nơi tự do cống hiến", cô gái 24 tuổi ở Hà Nội nói.

Có nhiều dấu hiệu cho thấy môi trường làm việc là một trong những mối quan tâm hàng đầu của người trẻ sinh từ 1997 đến 2012 (Gen Z). Họ thường than thở chuyện văn hóa công ty trên các nền tảng mạng xã hội. Trong một nhóm đánh giá công ty ở Việt Nam với hơn 400.000 thành viên, bài viết của một Gen Z với nội dung "khó chịu vì đi làm không được gác chân lên ghế, không được có mùi cơ thể, không được cãi sếp, không tương tác với trang mạng xã hội của công ty thì bị phạt" cũng nhận được hàng nghìn lượt quan tâm và bình luận ủng hộ nghỉ việc.

Trên nhóm "Vũ trụ Gen Z" với hơn một triệu thành viên cũng có hàng trăm bài viết bàn về việc họ khó thích nghi với thế hệ khác, sẵn sàng rời đi khi công ty không thỏa mãn mong muốn bản thân.

Khảo sát hơn 1.300 lãnh đạo doanh nghiệp năm 2023 của hãng tuyển dụng và nhân sự toàn cầu Resume Builder cho thấy gần 3/4 nhà quản lý nhận thấy Gen Z là những người khó cộng tác nhất. 49% lãnh đạo doanh nghiệp cho biết thường xuyên cảm thấy thất vọng trong quá trình làm việc cùng thế hệ này, 65% người tham gia khảo sát thừa nhận đuổi việc nhân viên Gen Z nhiều hơn bất kỳ thế hệ nào khác. 12% bị sa thải trong chưa đầy một tuần nhận việc, 27% trong một tháng. Gen Z cũng đã trở thành nhóm người tạo nên nhiều xu hướng mới tại nơi làm việc, đặc biệt là các phong trào phản đối công việc.

6 năm ở vị trí quản lý nhân sự, hiện tại phụ trách hơn 20 nhân viên Gen Z, Khánh Vy, 35 tuổi, ở TP HCM cho biết cấp dưới của mình làm việc phần lớn dựa vào cảm hứng. Nếu tinh thần xuống dốc, tâm trạng bất ổn, nhân viên Gen Z dễ chán nản và sẵn sàng nghỉ việc bất cứ lúc nào hoặc âm thầm trốn việc.

Tuy nhiên, khi thấy hứng thú trong công việc, họ có thể sẵn sàng cống hiến ngày đêm để hoàn thành nhiệm vụ mà không một lời than vãn, thậm chí còn thấy hạnh phúc khi "chạy kịp deadline".

Theo Vy, để giữ chân nhân viên và kết nối với họ, có thể "mua chuộc" bằng sự thoải mái về thời gian, không gian làm việc, thoải mái sáng tạo, và đặc biệt Gen Z thích được công nhận sự nỗ lực và giao cho họ quyền được chịu trách nhiệm với kế hoạch, kết quả họ thực hiện.

"Thay vì là sếp, bản thân người quản lý có thể trở thành một người bạn biết lắng nghe, chia sẻ, biết cách giúp họ chứng minh giá trị của bản thân, thực sự đặt niềm tin vào học khi giao nhiệm vụ", Vy cho biết.

Theo PGS TS Trần Thành Nam, Hiệu phó trường ĐH Giáo dục, ĐH Quốc gia Hà Nội, Gen Z được xem là thế hệ sáng tạo, thế hệ tốc độ nhất, thế hệ tài năng sẵn sàng cống hiến làm việc cật lực vì đam mê. Tuy nhiên họ cũng có yêu cầu và kỳ vọng cao hơn với doanh nghiệp và công việc.

Theo ông, thu nhập đủ sống và có thể tiết kiệm được một khoản, có không gian tự do để cân bằng công việc, cuộc sống cá nhân là những điều người trẻ ưu tiên khi đi làm.

Ngoài ra, họ quan tâm đến cả danh tiếng công ty, thu nhập và phúc lợi mà doanh nghiệp mang lại cho nhân viên trong hiện tại và tương lai; cách thức doanh nghiệp hỗ trợ nhân viên cập nhật kỹ năng và phát triển; mối quan hệ giữa lãnh đạo và nhân viên mang tính hướng dẫn, chia sẻ hơn chỉ đạo giám sát; doanh nghiệp có các hoạt động nâng cao chất lượng cuộc sống và sức khỏe tinh thần của nhân viên.

"Chính vì những kỳ vọng cao như vậy nên nhiều nhân viên Gen Z dễ dàng nghỉ việc hoặc cảm thấy chán nản nếu công ty không đáp ứng được mong muốn, kỳ vọng cá nhân của họ", ông Nam nói.

Ông ví dụ việc một số không được mặc trang phục thoải mái khi tới công sở, bị áp đặt bởi những quy định như không được ăn trong văn phòng, không được cãi sếp khiến họ nghĩ không được tôn trọng, thiếu tự do, thiếu hỗ trợ và sẵn sàng tìm kiếm một môi trường khác thoải mái hơn.

Tuy nhiên, theo ông, để có sự nghiệp bền vững, ngoài kiến thức, kỹ năng, Gen Z nên trau dồi cả phẩm chất và thái độ. Họ cần lập kế hoạch để rèn tính kỷ luật bản thân, học cách quản lý, tổ chức công việc, học cách thấu hiểu, đặt mình vào vị trí của người khác.

"Thay vì nhảy việc liên tục, người trẻ nên kiên nhẫn để học hỏi, đúc rút kinh nghiệm, nếu gặp nhiều mâu thuẫn về kỳ vọng của bản thân với công ty, có thể thẳng thắn chia sẻ với lãnh đạo", ông Nam nói.

Về phía những nhà quản lý, theo ông, người lãnh đạo cần điều chỉnh và dung hòa những sự khác biệt trong nhận thức. Khi nhận một nhân sự Gen Z, cần chia sẻ về yêu cầu công việc, các kỳ vọng một cách rõ ràng, thường xuyên tổ chức hoạt động kết nối, gắn kết nhân viên, quan tâm đến sức khỏe tinh thần để họ thấy thoải mái và muốn gắn bó.

Ba năm ở vị trí nhân viên truyền thông, Tuấn Minh, 25 tuổi, ở Hà Nội thừa nhận lý do khiến anh muốn cống hiến là có người sếp tốt, đồng nghiệp vui vẻ, mọi người luôn lắng nghe và cùng nhau chia sẻ kinh nghiệm làm việc dù ở thế hệ nào.

Minh kể trước đây, ở công ty cũ, anh và loạt nhân viên Z xin nghỉ việc cùng lúc chỉ vì người quản lý không có trách nhiệm, xem nhân viên như "chân chạy việc vặt", không có nhiệm vụ cụ thể, luôn tìm cách bắt lỗi, đặt ra quy tắc vô lý để trừ lương, không có năng lực.

"Hiện tại được làm việc với sếp giỏi, cảm thấy bản thân được phát huy giá trị, bản thân sẵn sàng gắn bó dù công ty có nhiều nguyên tắc tới đâu, tôi nghĩ những điều đó đều giúp mình nâng cấp bản thân", Minh nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Ảnh hưởng bởi truyền thông mạng xã hội, ám ảnh khẳng định vị thế bản thân, áp lực từ những giấc mộng lớn và cao cả... dễ khiến gen Z trầm cảm vì công việc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Nga ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN