Ôm hận cả đời vì không chồng mà chửa

Sự kiện: Tình yêu nữ giới

Dù không muốn nhưng chị phải dũng cảm đối diện với sự thật, rồi mai kia con chị cũng sẽ có một tuổi thơ đau buồn như chị.

Không phải bỗng dưng mà từ làng trên xóm dưới ai ai cũng miệt thị, coi thường gia đình chị. Không những thế ngay cả đứa con chị năm nay mới học lớp 6 cũng bị tụi bạn chòng ghẹo, rồi tẩy chay. Tất cả đều có nguyên do, nhưng đôi khi có những nguyên do thật bất công, trớ trêu…

Những nguyên do mà người đời gắn mác cho chị đã hành hạ mẹ chị suốt bao năm qua, đến khi bà nhắm mắt xuôi tay thì nó lại ám vào chị, rồi ám vào đứa con gái bé bỏng của chị. Dù chị có cố gắng thay đổi đến đâu thì số phận cũng không buông tha cho chị.

Chị sinh ra đã không biết cha mình là ai, nên từ nhỏ luôn bị chúng bạn chê cười là đứa con hoang, là đứa từ đất chui lên… Nghe nói, mẹ chị lúc còn trẻ xinh lắm, thanh niên trong làng chết mê chết mệt, không ít người từng đánh nhau sứt đầu mẻ trán, thù nhau đến già cũng chỉ vì không yêu được mẹ chị. Nhưng người đời vẫn nói “hồng nhan thì bạc mệnh”. Xinh đẹp bao nhiêu, tài giỏi bao nhiêu thì mẹ chị cũng không thoát khỏi số phận cay nghiệt.

Hồi đó mẹ chị phải lòng một người đàn ông trên tỉnh, rồi nhẹ dạ trót tin lời đường mật trao thân cho người đàn ông đó. Không ngờ nỗi đau sau này chỉ mình mẹ chị phải gánh chịu. Vài tháng sau người đàn ông kia lấy vợ, mẹ chị ngậm ngùi ôm bụng. Rồi cả làng, cả xã mắng chửi mẹ chị. Vì uất hận, vì sợ làm vấy bẩn cho gia đình nên mẹ chị phải bỏ làng tha hương.

Vài ngày sau khi mẹ chị bỏ đi, bà ngoại chị tìm kiếm khắp nơi. Thế rồi mẹ chị đành giả câm, giả điếc cùng bà ngoại chị về quê sống. Quãng thời gian mang bầu mẹ chị không dám ló mặt ra đường sợ người ta dị nghị. Hơn thế ở quê chị ngày đó còn cổ hủ lắm. Hễ biết nhà ai có con gái không chồng mà chửa là người ta chửi. Sống được ở đó phải “sạch”, phụ nữ phải theo chồng, một dạ năm thưa.

Ôm hận cả đời vì không chồng mà chửa - 1

Chị sợ bản thân mình lại giẫm phải vết xe đổ của mẹ (Ảnh minh họa)

Ngày chị được sinh ra đời cũng là ngày bà ngoại chị mất. Khi đó ông ngoại chị phẫn uất quá, cho rằng chị là điềm họa, là sao chổi. Rồi ông chị hóa điên bỏ đi biệt xứ không ai biết. Kể từ đó mẹ chị vất vả nuôi nấng chị nên người. Mẹ chị sống trong câm lặng hơn 20 năm cũng mong được nhìn thấy chị khôn lớn từng ngày. Nhưng ở cái xã hội đảo điên, cổ hủ lúc bấy giờ việc nuôi con một mình đâu có dễ dàng.

Sau khi sinh, bà mẹ một con như mẹ chị càng trở nên xinh đẹp hơn, đàn ông trong làng được thể lúc nào cũng mon men đến gần, có người tốt cũng có kẻ gian. Nhưng quá khứ tin lầm vào một người đàn ông khiến mẹ chị không thể nào mở lòng thêm lần nữa. Mẹ chị luôn tìm cách tránh giao tiếp với đàn ông. Thế nhưng tai ương vạ gió cứ ập đến.

Trong làng nhà nào có vợ chồng cãi vã với nhau là họ lại nhắc tên mẹ chị, nói bóng nói gió “Chắc là tại ông chồng mê gái một con không chồng mà chửa nên về hắt hủi vợ ý mà/ Có vợ hiền con khôn chẳng muốn lại thích cái ngưỡng chửa hoang…”.

Rồi lời của người lớn truyền đến tai trẻ nhỏ, ở đây, bao nhiêu năm qua họ vẫn không thôi nói đến mẹ chị như thứ gì đó ô uế. Hết nói mẹ chị không chồng mà chửa thì họ lại nói mẹ chị là sao chổi, là căn nguyên khiến bà ngoại chị mất, là lý do khiến ông ngoại chị dở điên dở dại. Ngày chị học lớp 6 không biết bao nhiêu lần chị chứng kiến cảnh dăm bảy người phụ nữ ở đâu đến túm tóc mẹ chị, người tát người xé áo quần, rồi không ngớt nói mẹ chị là đồ đàn bà chửa hoang, cướp chồng người khác...

Những lúc như thế mẹ chị lại ôm chị vào lòng vừa khóc vừa nói “mẹ không có cướp chồng của ai cả, là ngày trước mẹ dại dột nên giờ mẹ phải chịu. Con còn nhỏ con không hiểu được. Mẹ không đi đâu cả, mẹ phải ở lại đây để thờ phụng hương hỏa, để chờ ông ngoại con về. Chuyển nhà đi rồi nhỡ ra ông ngoại con về không thấy mẹ con mình thì tính sao. Con có thương mẹ thì ráng học thật giỏi…”. Những lần như thế chị lại cắm cúi vào học. Cho dù năm nào cũng đứng nhất lớp nhưng tụi trẻ con trong làng vẫn chòng ghẹo chị, nói chị không cha.

Bao nhiêu năm qua dù có những người đàn ông tốt muốn ngỏ lời giúp đỡ mẹ con chị nhưng vì thương con nên mẹ chị nhất quyết ở vậy, hai mẹ con sống với nhau. Ngày chị đỗ đại học, không vui sướng như bao đứa trẻ khác. Chị lo sợ phải lên thành phố bỏ mặc mình mẹ ở quê nhà. Sống một mình giữa miệng đời thiên hạ đâu có dễ. Nhưng vì ước mơ một ngày kia sẽ khiến mẹ thành người phụ nữ hạnh phúc nhất nên chị gạt đi những giọt nước mắt khăn gói lên đường.

Sống ở nơi đất khách quê người chị luôn cố gắng giữ gìn bản thân, cố sức vươn lên, ngoài học tập và làm thêm ra chị từ chối mọi cuộc tụ tập, chơi bời của bạn bè. Chị sợ bản thân mình lại giẫm phải vết xe đổ của mẹ.

Người tính không bằng trời tính, con người có tâm có tình chứ không giống sỏi đá vô tri vô giác. Càng cố gắng kìm nén cảm xúc, càng cố gắng bắt bản thân phải “tỉnh” thì những năm cuối cùng của thời sinh viên chị lại để trái tim mình sa ngã.

Dường như chị đúng là bản sao không sai lệch của mẹ chị. Cũng xinh đẹp, cũng đảm đang, biết giữ mình nhưng lại dại dột tin tưởng, trao trọn trái tim cho một người mà không hề hay biết lòng người ác lắm. Có những người coi yêu thương là trò đùa thì số phận lại không cay nghiệt, nhưng cũng có người một lòng một dạ yêu thương, non nặng lòng với nước như chị thì số phận trái ngang muôn phần. Vì một phút không giữ được cảm xúc, không kìm nén được bản thân, chị đã trao đi thứ quý giá nhất của đời mình cho một người con trai. Nhưng khi vừa nghe tin chị mang bầu, gã ta cũng cao chạy xa bay.

Chẳng những mất đi những gì quý giá nhất của đời con gái, chị còn bao lần bị vợ của gã đàn ông kia tìm đến tận trường, tận lớp. Trước đó chị chưa bao giờ ngờ tới người đàn ông chị yêu đã có vợ. Nỗi đau đó như được sắp đặt để vừa khít với nỗi đau của mẹ chị, sắp tốt nghiệp đại học nhưng chị vẫn phải bỏ dở vì không thể mạnh mẽ như mẹ chị sống với miệng đời.

Chị không dám về quê gặp mẹ, chị càng sợ hơn mỗi lần nhìn thấy bản thân mình, thấy tương lai mình trong mắt mẹ chị. Chị không còn dám đến trường, những ánh mắt, những tiếng nói cười thì thầm to nhỏ của bạn bè khiến chị cảm giác như tiếng mấy người đàn bà trước kia ở quê vẫn thường nói về mẹ chị.

Chị không đủ can đảm để lặp lại vết nhơ cũ của mẹ mình. Chị sợ mẹ chị biết cũng sẽ điên dại như ông ngoại chị rồi bỏ chị đi biệt tăm biệt tích. Chị quyết định phải sống khác mẹ chị, phải thay đổi số phận. Thế rồi một mình chị bước tới phòng khám thai để bỏ đi đứa trẻ ngoài ý muốn ấy. Trong lúc chờ đợi bác sĩ chị ngồi ở sảnh những hình ảnh mập mờ về một đứa trẻ đang cất tiếng gọi mẹ khiến chị chùn bước, không dám tiến lại gần hơn cái phòng phá thai u tối đó, mặc cho tiếng bác sĩ gọi nhưng chị vẫn cố chạy thật nhanh ra ngoài.

Rồi chị khóc òa giữa phố đông người, chị thấy tủi cho số phận mình quá. Dù không muốn nhưng chị phải dũng cảm đối diện với sự thật, rồi mai kia con chị cũng sẽ có một tuổi thơ đau buồn như chị, sẽ phải nghe miệng đời chửi rủa “mày không có cha, mẹ mày không chồng mà chửa"...

Từ đó, chị càng sống khép mình hơn và không còn tin vào bất cứ người đàn ông nào. Chính vì chị nghĩ “nước thì dễ trôi nhưng miệng đời thì khó rửa” nên mới quyết tâm giữ lại đứa bé vì dù sao đi chăng nữa tuổi thơ của chị cũng gắn với tiếng đời nhơ nhuốc.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Hạnh Nhung (Đời sống & pháp luật)
Tình yêu nữ giới Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN