Olympia 14: Ban cố vấn lý giải vì sao Hoàng Bách mất điểm

“Em Bách mới nói được nguyên nhân do ưu trương dẫn tới kết quả là vi khuẩn chết. Chưa nêu được cơ chế tại sao trong môi trường ưu trương, nước rút ra bằng cơ chế nào. Vậy câu nói của em Bách chưa đầy đủ cho nên chưa cho điểm được”.

Ngày 3/8, trận chung kết Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14 đã diễn ra. Kết thúc cuộc thi, Nguyễn Trọng Nhân (học sinh THPT chuyên Tiền Giang, tỉnh Tiền Giang) đã giành vòng nguyệt quế với số điểm 260. Nguyễn Hoàng Bách (THPT Năng khiếu, TP.HCM) về nhì với số điểm 240.

Ngay sau cuộc thi, nhiều thầy cô giáo dạy môn Sinh, khán giả đã có tranh luận về đáp án câu hỏi 20 điểm của Bách. Cụ thể, ở phần thi Về đích, ban tổ chức đặt câu hỏi: “Vì sao dung dịch nước muối có tính sát trùng?", Hoàng Bách trả lời: “Vì dung dịch nước muối tạo môi trường ưu trương nên khi vi khuẩn ở trong dung dịch nước muối sẽ bị mất nước mà chết”.

Olympia 14: Ban cố vấn lý giải vì sao Hoàng Bách mất điểm - 1

4 thí sinh lọt vào vòng thi chung kết Olympia 2014

Ban tổ chức chương trình kết luận, đáp án của Hoàng Bách chưa đúng. Tuy nhiên, phần lớn các ý kiến cho rằng Hoàng Bách đã đưa ra những lý giải chấp nhận được về mặt sinh học, nhưng cố vấn môn Hoá học lại không cho điểm.

Ngày (6/8), ban tổ chức chương trình Đường lên đỉnh Olympia năm thứ 14 đã họp với ban cố vấn về thắc mắc của thầy cô, khán giả trong trận chung kết ngày 3/8. Theo đó, các cố vấn đã đưa ra lời giải thích cụ thể về đáp án câu hỏi 20 điểm của học sinh Nguyễn Hoàng Bách và quyết định bảo toàn kết quả này.

Theo PGS.TS Lê Đình Trung (cố vấn môn Sinh học): “Câu hỏi này muốn giúp người đọc và người thi nắm được 4 khái niệm: hiện tượng co nguyên sinh và hậu quả hiện tượng đó trong tế bào, cơ chế thẩm thấu của nước, cơ chế điều hòa áp suất thẩm thấu, vai trò sinh lý của nước trong tế bào.

Olympia 14: Ban cố vấn lý giải vì sao Hoàng Bách mất điểm - 2

Đại diện Ban tổ chức chương trình và các cố vấn trong cuộc họp chiều qua tại Đài THVN

Dựa trên những khái niệm này có thể trả lời câu hỏi như sau: Môi trường dung dịch muối ion Na là môi trường ưu trương dẫn tới nước thấm từ tế bào ra ngoài theo cơ chế thẩm thấu để điều hòa nồng độ. Cơ chế này xảy ra dễ dàng theo cách đi từ thế nước cao ở trong tế bào đến môi trường thế nước thấp trong dung dịch muối, dẫn đến hiện tượng co nguyên sinh. Vai trò sinh lí của nước hiện nay không còn dẫn đến tế bào ngừng trao đổi chất.

Em Bách mới nói được nguyên nhân do ưu trương dẫn tới kết quả là vi khuẩn chết. Chưa nêu được cơ chế tại sao trong môi trường ưu trương, nước rút ra bằng cơ chế nào. Vậy câu nói của em Bách chưa đầy đủ cho nên chưa cho điểm được”.

PGS.TS Nguyễn Đức Chuy nói: “Về mặt hóa học, em Bách trả lời chưa đầy đủ. Thiếu cơ chế về mặt hóa học mà trong đó vấn đề thẩm thấu của ion Na và ion Cl trong tế bào là hai vấn đề quan trọng nhất”.

PGS.TS Vũ Quốc Trung giải thích: “Về cả mặt hóa học và sinh học, chúng tôi đã thống nhất là phải đòi hỏi thí sinh giải thích được cơ chế vì đây là câu hỏi tại sao. Vì vậy, câu hỏi này được giải đáp như sau: Trong dung dịch nước muối, nồng độ NaCl tương đối lớn so với nồng độ NaCl trong tế bào. Bạn Hoàng Bách đã nói đúng khi đề cập tính ưu trương của dung dịch muối. Tuy nhiên, hiện tượng mất nước xảy ra theo cơ chế nào thì bạn không trả lời được. Vấn đề này liên quan tới hiện tượng thẩm thấu và khuếch tán trong hóa học. Và vai trò sinh lý của nước đối với tế bào thế nào cũng cần được đề cập”.

Như vậy, cả về mặt hoá học và sinh học, Hoàng Bách chưa trình bày được cơ chế mất nước của tế bào dẫn đến vi khuẩn bị chết. Vì vậy, Ban cố vấn đã quyết định không cho Hoàng Bách điểm ở câu hỏi này.

Mặt khác, PGS.TS Vũ Quốc Trung cũng khẳng định đã chủ động trao đổi với Hoàng Bách về đáp án câu hỏi ngay khi kết thúc chương trình. Bản thân học sinh Hoàng Bách và gia đình cũng không có bất cứ thắc mắc nào sau khi nghe lời giải đáp của PGS.TS Vũ Quốc Trung.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Đức ([Tên nguồn])
Đường lên đỉnh Olympia Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN