Người phụ nữ từ bỏ hai tấm bằng đại học để về may áo dài

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Hai tấm bằng đại học cho chị một mức lương cao và ổn định. Nhưng chị vẫn từ bỏ…

Người phụ nữ từ bỏ hai tấm bằng đại học để về may áo dài - 1

Người phụ nữ bỏ hai tấm bằng đại học để rẽ sang một hướng hoàn toàn khác

Học đại học có phải là con đường duy nhất dẫn đến thành công? Có trong tay 2, thậm chí là 3 tấm bằng đại học liệu đã phải là hành trang đầy đủ để gây dựng sự nghiệp cho riêng mình? Có những người, đã đổ, đã học và tốt nghiệp đại học loại giỏi, thế nhưng, vẫn từ bỏ để theo một công việc hoàn toàn khác với những gì đã học suốt 4 năm. Chị Trần Hoa Linh (35 tuổi, nhà thiết kế của thương hiệu áo dài Link An) là một người như thế.

Chị dành tình yêu cả đời cho áo dài dân tộc. Chị không chỉ chọn áo dài trong những dịp quan trọng nhất đời mà còn tự tay thiết kế ra những tà áo dài thướt tha, tôn lên vẻ đẹp và đường cong mềm mại của phụ nữ Việt.

Con đường đến với áo dài của chị Hoa Linh là cả một hành trình thú vị. Mẹ chị vừa là giáo viên, vừa là một thợ may áo dài, có tiệm may khá nổi ở Thái Bình. Từ nhỏ, chị đã quen với hình ảnh mẹ cặm cụi bên chiếc máy may, tỉ mỉ từng đường kim mũi chỉ, thi thoảng lại chia sẻ vài câu chuyện như một lời khẳng định về niềm đam mê với áo dài.

Người phụ nữ từ bỏ hai tấm bằng đại học để về may áo dài - 2

Chị quyết định theo đuổi niềm đam mê áo dài 

Chị ở bên cạnh, thường phụ những việc nhỏ như đơm khuy, khâu tà… Dần dà, hình ảnh người phụ nữ đẹp thướt tha trong tà áo dài mẹ may, đi sâu vào tâm trí chị, khiến chị đã có lúc cũng mơ trở thành một cô thợ may.

Thế nhưng, chị lai thi vào trường Đại học Sư phạm Ngoại ngữ, sau đó còn học văn bằng hai ở trường Đại học Kinh tế Quốc dân (Hà Nội). Ra trường, chị làm trong ngân hàng, rồi làm kế toán cho một cơ quan nhà nước với mức lương khá cao, có điều trong lòng chưa từng thôi trăn trở về nghề truyền thống gia đình.

“Nỗi buồn thoáng đến rồi hằn sâu trong những đêm khuya khó ngủ. Tôi luôn nghĩ, mẹ già rồi thì tiệm may sẽ không còn. Rồi tà áo dài của mẹ sẽ đi về đâu? Tại sao lại không theo nghiệp mẹ?”, Hoa Linh chia sẻ.

Năm 2012, chị quyết tâm khởi động “Link An” - thương hiệu áo dài của riêng mình, từ những gì kế thừa từ mẹ và tự tìm tòi, hỏi hỏi thêm mà cho ra những tà áo dài mang đậm “phong cách Hoa Linh”. Hai năm sau, chị quyết định từ bỏ công việc ổn định tại cơ quan nhà nước để hết mình với áo dài.

Người phụ nữ từ bỏ hai tấm bằng đại học để về may áo dài - 3

Bằng sự nỗ lực, giờ đây chị đã có sự nghiệp của riêng mình 

Ngày mới khởi nghiệp, chị xếp những tà áo của mình trong một căn gác nhỏ trên tầng 2. Không gian chật hẹp, mỗi tà áo phải chen chúc nhau càng khiến chị rối lòng. Khó khăn chị gặp phải khi ấy là thử thách quá lớn mà để được sống với đam mê, chị buộc phải vượt qua.

Thời gian đầu, lượng khách hàng biết đến Link An còn quá ít. Fanpage áo dài chưa được chăm sóc cẩn thận nên khách hàng chủ yếu là truyền tai nhau mà đến.

Nhân viên của tiệm áo dài cũng chỉ có 1 - 2 người, cùng lúc phải làm nhiều việc … Bản thân Hoa Linh là chủ nhưng cũng phải xông pha làm tất cả mọi việc từ đi mua vải, lên mẫu thiết kế, đính kết thủ công cho đến tiếp khách, giới thiệu, quảng bá sản phẩm…

“Áp lực lớn nhất vẫn là mặt chuyên môn. Mình phải hoàn thiện sản phẩm từ khâu may đo, thêu thùa cho đến đính kết… Hơn hết thảy là phải làm sao có được những ý tưởng độc đáo rồi hiện thực hóa nó để áo dài Link An trở nên thật đặc biệt”, chị chia sẻ.

Người phụ nữ từ bỏ hai tấm bằng đại học để về may áo dài - 4

Chị hài lòng với những gì mình có trong hiện tại 

Hoa Linh phải hy sinh nhiều thứ, sức khỏe của bản thân, thời gian dành cho gia đình… để hết mình với áo dài. Dần dần, chị giải quyết gọn gàng từng khúc mắc. Chị kết hợp với các nhiếp ảnh gia để có hình ảnh đẹp lan tỏa. “Hình ảnh có sức mạnh đi vào lòng người rất nhanh nên mình thông qua đó để truyền thông cho áo dài của mình”, chị nói.

Rồi sự hỗ trợ của gia đình bạn bè và quan trọng hơn cả là niềm tin dành cho nghề truyền thống của gia đình đã giúp chị vượt qua giai đoạn khó khăn nhất.

Và thành quả là Link An của hôm nay nhận được sự yêu mến của đông đảo khách hàng. Ngay cả bạn bè quốc tế hay người Việt sống ở nước ngoài cũng tin tưởng lựa chọn áo dài mang thương hiệu này. Niềm mong mỏi nhất của Hoa Linh là tạo ra một môi trường chuyên nghiệp, có được uy tín khách hàng cũng đã được thực hiện.

Có đam mê, sáng tạo, có tìm tòi, học hỏi không ngừng, có chia sẻ và có lan tỏa, có hy sinh, hướng tới mục đích chung mà sẵn sàng bỏ qua lợi ích riêng để cống hiến cho cái đẹp… Đó chính là bí quyết thành công của chị Hoa Linh.

“Đối với nghề của mình, nếu như làm việc mới mục đích kiềm tiền thì những giá trị mà mình mang đến không còn lớn lao nữa. Mình muốn làm vì niềm đam mê, lòng mong mỏi mang đến cái đẹp cho đời, tôn vinh tà áo dài - quốc phục của Việt Nam”, chị Hoa Linh say mê chia sẻ.

Người phụ nữ từ bỏ hai tấm bằng đại học để về may áo dài - 5

Đối với chị, những năm tháng học đại học là trải nghiệm đáng nhớ trong đời 

Trải qua bao sóng gió từ thuở đầu lập nghiệp đến khi thành công, chưa bao giờ chị quên thời khắc quyết định bỏ việc để gắn bó với áo dài. Mỗi tà áo dài chị thiết kế đều mang trong đó một câu chuyện thú vị từ khi lên ý tưởng cho đến khi hoàn thiện.

Chị thường lấy cảm hứng từ những loài hoa bởi mỗi bông hoa đều có vẻ đẹp riêng, dù màu sắc rạng rỡ hay nhẹ nhàng. Phụ nữ được ví như những bông hoa nên được làm phụ nữ là một đặc ân. Chị muốn giúp họ đẹp hơn mỗi ngày trong tà áo dài dân tộc.

"Chẳng phải ngẫu nhiên mà con gái Việt lại chọn áo dài cho những dịp quan trọng như ngày tựu trường, ngày khai giảng, ngày chụp ảnh kỷ yếu, ngày ăn hỏi, ngày lên xe hoa về nhà chồng… Áo dài là quốc phục, là thứ mà con gái Việt tin rằng khi khoác lên sẽ mang vẻ đẹp trọn vẹn", chị ngẫm về tà áo dài.

Những công việc khiến bạn dễ ngoại tình nhất

Doanh nhân có nhu cầu rất cao về tình dục và coi đó như là một cách xả stress hiệu quả.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Hạ Nhiên ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN