Người đàn bà bất hạnh
Tôi đã mặc 3 chiếc váy cưới nhưng chưa lần nào được hạnh phúc trọn vẹn.
Từ nhỏ tôi đã mơ về ngày mình sẽ được mặc một bộ váy cưới thật lộng lẫy và sẽ hưởng cuộc sống hạnh phúc như một nàng công chúa. Ngày ấy rồi cũng đến. Tôi cất công đi khắp các hàng áo cưới ở thành phố, lật giở từng cuốn catalogue, ngắm nghía từng chi tiết trên váy áo và thử lên người những bộ váy vừa mắt. Sau bao nhiêu ngày tìm kiếm, tôi đã chọn được chiếc váy cưới ưng ý của mình. Chiếc váy màu trắng muốt, thiết kế đơn giản và tinh tế, thật hợp với một cô gái còn trinh trắng sắp bước về nhà chồng. Tôi hớn hở dẫn Đức, chồng sắp cưới, đến cửa hàng xem tôi thử lại chiếc váy cưới đó. Khi thấy tôi xúng xính váy áo, Đức bảo: “Trông thì đẹp đấy. Nhưng giá bao nhiêu. Mẹ dặn là chỉ nên thuê váy bình dân thôi, chứ em vào cửa hàng lớn thế này tốn tiền lắm”. Tôi xị mặt đáp: “Cưới cả đời mới có một lần. Em muốn mình phải thật xinh đẹp. Em sẽ trả tiền thuê bộ váy này chứ có bắt anh thuê cho em đâu mà anh phải lo”. “Em buồn cười nhỉ. Tiền của em hay tiền của anh sau này cũng là tiền của gia đình hết”, Đức giục.
Quả đúng như lời Đức nói, sau đám cưới, tiền của tôi hay tiền của chồng đều là tiền của gia đình, phải nộp để mẹ chồng quản lý. Nộp hết tiền lương cho mẹ chồng có nghĩa là bất cứ lúc nào cần phải chi tiêu gì, tôi đều phải hỏi xin. Không chỉ có chuyện tiền nong, mọi chuyện trong nhà tôi đều phải nhất nhất nghe theo mẹ chồng. “Mẹ bảo không cần đi trăng mật, lãng phí mà phù phiếm”, “Mẹ bảo hai vợ chồng mình phải có con trong tháng này vì chỉ tháng này mới hợp với bố mẹ, nếu không 2 năm nữa mới được sinh con”, “Mẹ bảo việc cơm nước là của phụ nữ, nhưng mẹ già yếu không thể làm được nên từ giờ em lo cho tốt việc này đi”, “Mẹ bảo em phải giặt tay cho quần áo khỏi hỏng”, “Mẹ bảo chợ cách nhà có hơn 1km thôi, em đi bộ cho dẻo chân”, “Mẹ bảo không ăn uống ngoài hàng, bẩn thỉu tốn kém. Đi làm xong mình cứ về nhà là an toàn nhất”… Nếu tôi không đồng ý, hai vợ chồng lại xảy ra cãi vã. Cứ thế, tôi phải cố căng sức chịu đựng cụm từ “Mẹ bảo”.
Tôi mang bầu trong tháng mà mẹ chồng chỉ định. Bị nghén nên tôi không ăn được gì, người lúc nào cũng mệt mỏi. Tôi xin cơ quan nghỉ phép nhưng vẫn phải làm tất cả việc nhà như lúc bình thường. Đức nói: “Mẹ bảo em bầu bí phải vận động nhiều mới khỏe được”. Sức khỏe suy kiệt lại phải cố làm nhiều việc chân tay, tôi sảy thai. Tôi chẳng nhận được lời an ủi hay chia sẻ từ mẹ chồng hay chồng trái lại liên tục bị chì chiết: “Mẹ bảo tại em không cẩn thận mới gây ra chuyện này. Em giết con rồi đấy có biết không. Giờ thì phải 2 năm nữa mới được có lại thì cứ ngồi đấy mà chờ”. Đau đớn vì mất đứa con trong bụng, lại nhận được sự đối xử lạnh lùng của chồng, bao nhiêu uất ức chất chứa từ lâu trong tôi bùng lên dữ dội. Tôi lẳng lặng viết đơn ly hôn.
Trong lúc tôi đang chìm đắm trong đau khổ với cú sốc đầu đời thì gặp Thành, một người bạn của cô bạn tôi. Là trai tân nhưng khi biết hoàn cảnh của tôi, Thành luôn ở bên chia sẻ và tâm sự làm nỗi buồn trong tôi vơi đi rất nhiều. Tôi như tìm thấy ở Thành sự bản lĩnh chứ không phải lúc nào cũng nghe cụm từ “Mẹ bảo” như với Đức. Có lẽ vì cảm giác này mà tôi sẵn sàng trao gửi thân mình cho Thành. Hơn 3 tháng quen nhau, tôi có bầu 2 tháng. Gia đình Thành chấp nhận để chúng tôi lấy nhau. Tôi vội vã chuẩn bị cho đám cưới “chạy bụng”. Không cầu kỳ như lần cưới đầu tiên, tôi chỉ đến một cửa hàng áo cưới gần nhà, chọn lấy một bộ váy thiết kế làm thế nào để không lộ bụng. Hôn lễ của tôi cũng không rình rang, chỉ bày tiệc nhỏ mời những người thân thiết.
Tôi vô cùng bàng hoàng, mồ hôi lạnh toát sống lưng (Ảnh minh họa)
Tôi cảm thấy rất biết ơn và đôi chút áy náy vì thấy Thành phải chịu thiệt thòi khi lấy tôi, “gái nạ dòng” lại không có được một đám cưới đàng hoàng như người ta. Nhưng chỉ sau 1 ngày kết hôn, tôi mới biết người thua thiệt chính là mình. Tôi bị đánh thức vào sáng sớm bởi tiếng đập cửa và chửi bới om xòm. Không thấy chồng nằm cạnh, tôi xuống nhà nhưng cũng chẳng có ai. Tôi mở cửa thì một đám người mặt mũi dữ tợn xông vào nhà làm tôi chết khiếp. Họ là những chủ nợ. Con số nợ mà họ thông báo cho tôi lên đến 200 triệu. Họ bảo: “Thằng Thành nó vay tiền chơi cá độ, lần lữa bao nhiêu ngày rồi không trả”. Tôi vội vã gọi điện cho chồng. “Bố mẹ dạt về quê rồi. Anh đi lánh nạn một thời gian. Giờ anh không biết trông vào đâu nữa. Nhà cũng đặt ngân hàng rồi. Em giúp anh cầm cự mấy ngày để anh tìm cách”, Thành nói rồi tắt máy. Tôi sững sờ trước những gì mình nghe được nhưng cố tỏ ra bình tĩnh. Tôi bảo đám chủ nợ: “Anh Thành đang đi lo tiền rồi. Các anh chị cứ về đi, có tiền anh ấy sẽ đem đến trả ngay”. “Lo gì cái mặt nó. Mỗi ngày nó lại có thêm chủ nợ đây này. Đến “bóng cỏ” nó còn chơi cá độ thì tiền nào cho xiết. Tốt nhất là cô nên trả thay nó đi. Nếu không cô không sống được yên mà chúng tôi cũng sẽ “xử” nó đấy”. Nghĩ đến đứa con trong bụng, tôi đành về nhà đẻ vay một ít tiền với lý do làm ăn, rồi đi vay tứ tung bạn bè cùng với số tiền gom góp bao lâu dồn vào để trả hết nợ. Xong việc, tôi gọi điện để Thành về nhà và đón bố mẹ ở quê lên. Bố mẹ chồng tỏ ra biết ơn tôi, cảm ơn rối rít. Thành cũng tỏ ra hối lỗi, hứa sẽ không bao giờ chơi cá độ bóng đá nữa.
Cuộc sống bình yên được gần đến ngày tôi sinh con. Một buổi sáng, tôi lại bị giật mình thức giấc bởi tiếng đập cửa. Ký ức của lần trước hiện lên trước mắt tôi. Tôi không mở cửa mà vội vã thay quần áo. Xách túi quần áo xuống nhà, tôi không thấy xe máy đâu. Tôi mở điện thoại định gọi cho Thành thì thấy có tin nhắn. “Anh mượn tạm xe em một thời gian. Em ở nhà tự lo mọi việc nhé”. Tôi ngồi phịch xuống ghế, đầu óc quay cuồng. Đến lúc này thì tôi chẳng còn hơi sức nào mà lo nợ nần nữa. Ngày tôi sinh con, tôi báo cho bố mẹ chồng ở quê nhưng chẳng ai lên thăm nom tôi lấy một lần. Thành thì tắt điện thoại không liên lạc được. Mọi việc đều do bố mẹ đẻ tôi lo hết. Quá đau đớn và thất vọng, tôi lại nhờ luật sư giúp cho việc ly hôn.
Tôi thuê một căn hộ nhỏ và sống nuôi con một mình. Tôi chẳng còn mặt mũi nào về lại nhà đẻ như lần chia tay trước đây nữa. Sau thời gian ở cữ, tôi thuê osin chăm cô con gái. Còn tôi xin làm cho công ty nước ngoài, cố kiếm thật nhiều để bù lại số tiền đã phải nhờ bố mẹ lo khi tôi sinh nở lẫn trả nợ giúp Thành lúc trước. Thời gian nguôi ngoai đi chuyện tình cảm nhưng trong tôi hiện hữu sự căm ghét đối với đàn ông Việt Nam. Trong môi trường làm việc của tôi, những người đàn ông nước ngoài thật biết cách đối xử với phụ nữ và rất tài giỏi. Tôi chắc chắn rằng họ không bao giờ nói câu “Mẹ bảo” hay chỉ biết lừa dối và sa vào tệ nạn.
Trong số những đối tác nước ngoài, tôi quen với Thomas, một anh chàng người Pháp. Từ công việc, tôi và Thomas trở nên thân thiết hơn trong chuyện tình cảm. Nhưng những cú vấp ngã đã nhắc nhở tôi không thể vội vã trong chuyện hôn nhân. Chúng tôi cứ thế cặp kè hơn 2 năm trời. Cô con gái nhỏ của tôi có vẻ rất hợp với Thomas, luôn miệng gọi anh ta là “Papa”. Cho đến một ngày, Thomas cầu hôn tôi bằng một chiếc nhẫn và một hộp quà lớn. Tôi đã nhận lời. Mở hộp quà, tôi bất ngờ khi thấy trong đó là một chiếc váy cưới. “Món quà này anh đặt mua ở bên Pháp cho em đấy”, Thomas bảo.
Về nhà, tôi lấy chiếc váy ra khỏi hộp. Chiếc váy trắng ngà trông sang trọng và gợi cảm. Gấu váy có một vết bẩn mờ nhưng tôi không để tâm lắm. Tôi mặc thử, vui sướng ngắm mình trong gương rồi lấy chiếc Iphone chụp hình. Tôi muốn đăng tải hình ảnh này lên Facebook thay lời khoe với mọi người rằng tôi vừa nhận lời cầu hôn và sẽ lại trở thành cô dâu. Bức ảnh của tôi nhận được rất nhiều lời nhận xét và chúc mừng của bạn bè. Trong số đó, tôi để ý thấy có lời nhận xét của một người bạn của Thomas: “Trông bạn thật giống bạn của tôi, Jeanne”. Tò mò, tôi tìm vào danh sách bạn bè của người này và thấy có một người tên Jeanne. Khi click vào trang cá nhân của Jeanne, tôi thấy hình của một cô gái người Pháp nhỏ nhắn và xinh đẹp. Nhưng rồi tôi ngạc nhiên thấy những câu chia buồn và cầu chúc yên nghỉ bằng tiếng Pháp từ cách đây 3 năm. Qua những gì họ viết, tôi hiểu được rằng người con gái tên Jeanne đã qua đời trong một tai nạn xe hơi trước ngày cưới không lâu. Lui xuống thời gian xa hơn, tôi giật mình khi thấy những bức ảnh cưới. Trong ảnh, chú rể không ai khác là Thomas và chiếc váy cưới Jeanne mặc giống y hệt bộ váy Thomas mới tặng tôi. Tôi vô cùng bàng hoàng, mồ hôi lạnh toát sống lưng. Phải đến một lúc sau, tôi mới định thần lại. Tôi lập cập vơ lấy chiếc váy cưới đang ở trên mắc áo cố nhét lại chiếc hộp. Tay run lẩy bẩy, tôi cố trấn tĩnh để bấm điện thoại. “Công ty chuyển phát nhanh đấy phải không? Xin hãy đến ngay nhà tôi, tôi có món đồ phải chuyển đi gấp. Tôi xin anh hãy mau lên”, giọng tôi lạc hẳn đi.