Mối nguy hiểm từ những cung đường phượt

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Nhiều bạn trẻ chỉ biết "xách ba lô lên và đi" mà không để ý đến sự an toàn của bản thân.

Thời gian gần đây, phượt (du lịch bụi) đã trở thành trào lưu cuốn hút giới trẻ. Rất nhiều phượt thủ lên đường chinh phục các cung đường khó để thỏa mãn sự đam mê. Nhưng xung quanh đó cũng có không ít những nguy hiểm luôn rình rập.

Những cung đường đẹp… “chết người”

Trong thời gian ngắn, trào lưu phượt đã lan rộng một cách chóng mặt và trở nên phổ biến trong giới trẻ Việt. Phượt luôn thu hút mọi người bởi đây là một hình thức du lịch khám phá mạo hiểm, mang đến cho con người sự hứng khởi khi được đến những vùng đất mới. Không những thế, các “phượt thủ” còn có cơ hội tìm hiểu phong tục tập quán của người dân địa phương, gặp gỡ những con người mới, mảnh đất mới.

Anh Tùng (admin Phượt 24h) chia sẻ: “Khi đi phượt luôn mang đến cho mình cảm giác thoải mái, dễ chịu và rất cuốn hút. Bạn có thể ngả lưng bất kỳ nơi đâu bạn muốn, chụp bất kỳ cảnh vật thiên nhiên nào bạn thích. Bạn cũng có thể ăn chung, uống chung, ở chung với con người ở những vùng đất đã đi qua. Những cảm giác này, không một tua du lịch bình thường nào có thể có được”.

Nhưng phượt cũng còn tồn tại không ít nguy hiểm. Những cung đường sâu, xa với cảnh đẹp hùng vĩ, hấp dẫn, cuốn hút các bạn trẻ đôi khi lại là những cái “bẫy” chết người.

Những sự cố như: ngã xe, xây xát, hỏng xe, gặp mưa lũ… không chuyến đi nào là không có. Không những vậy, trong những chuyến phượt còn xảy ra các vụ tai nạn thương tâm.

Mới đây, vụ nữ sinh tử nạn trong chuyến phượt từ Hà Nội lên Mộc Châu diễn ra vào tối ngày 6/12 vừa qua đã khiến mọi người hoang mang, lo lắng. Đây là một trong số những vụ tai nạn đáng tiếc của dân phượt trong suốt một năm qua. Nó như hồi chuông báo động sự nguy hiểm của những cung đường phượt, cũng như sự coi thường tính mạng của một bộ phận phượt thủ.

Những sự cố từ phượt xuất phát từ rất nhiều lý do. Có nhiều cung đường đẹp, hùng vĩ nhưng cũng không kém phần chông chênh, khúc khuỷu, hiểm trở. Đi trên những cung đường đó, các phượt thủ phải đối mặt với rất nhiều hiểm nguy, bất trắc. Hơn nữa, nhiều bạn trẻ đi phượt lại không nắm bắt được tình hình thời tiết. Những cơn mưa bất ngờ, bão, lũ... khiến đường trơn, ngập lụt, cản trở rất nhiều đến việc đi lại của các phượt thủ.

Sự nguy hiểm cũng xuất phát từ chính ý thức của các phượt thủ. Một số bạn trẻ chỉ “xách ba lô lên và đi” để thỏa mãn niềm đam mê, khao khát khám phá, chinh phục của mình chứ chưa để ý đến sự an toàn của bản thân. Phóng nhanh trên đường đèo, “phượt” trên những cung đường hẻo lánh trong đêm, rượt đuổi, nô đùa khi lái xe, dàn xe hàng hai, hàng ba… đều là những hành động nguy hiểm, có thể dẫn đến những tai nạn chết người trong các chuyến phượt.

Mối nguy hiểm từ những cung đường phượt - 1

Phượt rất thu hút giới trẻ trong những năm gần đây

Bí quyết để an toàn với phượt

Khám phá, trải nghiệm luôn phải gắn liền với sự an toàn, đó chính là những nguyên tắc trong mỗi chuyến phượt mà các bạn trẻ cần ghi nhớ. Mỗi người trước khi tham gia một hành trình khám phá cần phải trau dồi cho mình những kỹ năng cần thiết để có thể trở thành một phượt thủ chuyên nghiệp và an toàn.

Mỗi chuyến phượt cần phải có lịch trình cụ thể và rõ ràng. Các thành viên trong nhóm phải biết được lịch chạy chi tiết từng ngày với các điểm ăn, ngủ, nghỉ. Trước mỗi chuyến phượt, nhóm phải có cuộc gặp mặt và phân công nhiệm vụ cho từng thành viên, phổ biến lịch chạy cùng các yêu cầu trang thiết bị hay các quy định khi chạy xe với nhóm đông.

Trong một chuyến phượt, nhất thiết phải có một người dẫn đầu chuyên nghiệp, có kinh nghiệm và có trách nhiệm. Trưởng đoàn là người chịu trách nhiệm lập cung đường đi trong một ngày, bố trí lịch trình hợp lý về số kilomet chạy trong ngày, thời gian ngủ nghỉ, phân xe chốt, xe dẫn…

Bạn Nguyễn Trọng Anh (admin của nhóm phượt Xa lộ) chia sẻ: “Trong mỗi chuyến đi, trưởng đoàn giống như người anh cả bảo vệ sự an toàn cho cả nhóm, là người vạch lịch, lên tinh thần cho anh em. Đặc biệt, trong những tình huống bất ngờ thì trưởng đoàn chính là người ra quyết định và tất cả thành viên phải tuân theo. Bởi vậy, mình nghĩ phẩm chất cần có nhất của một leader nhóm phượt chính là sự quyết đoán”.

Di chuyển an toàn theo đoàn cũng là một nguyên tắc bất di bất dịch của mỗi chuyến phượt. Thông thường một đoàn xe máy chạy chỉ nên dừng ở 4 đến 8 xe, vừa dễ dàng giao lưu trò chuyện, vừa dễ kiểm soát khi đi trên đường. Mỗi ngày nhóm phượt chỉ nên chạy dưới 200km. Ở những đoạn đường đèo xe chỉ được chạy ở vận tốc tối đa 35 đến 40 km/h.

Khi đi các xe phải bám nhau, cách nhau tầm một pha. Khi đi đường không được rượt đuổi hay nô đùa, không chạy song song hai xe, dừng xe trên đường phải tấp sát vỉa hè, buổi tối có xi nhan đèn cho các xe sau trông thấy. Đặc biệt, các thành viên tuyệt đối không được tách đoàn để khi gặp sự cố có đồng đội cùng hỗ trợ.

Sử dụng la bàn, bản đồ để xác định đường đi cũng là việc làm quan trọng. Các cung đường đi trong mỗi chuyến phượt đều là những cung đường mới và lạ, bởi vậy sẽ rất khó khăn trong việc xác định phương hướng nếu không có la bàn hoặc bản đồ. Mỗi thành viên trong nhóm nên đem theo mình một tấm bản đồ để khi cần thiết có thể đọc để xác định đúng hướng đi.

Nhiều bạn cho rằng, khi không biết đường có thể hỏi người dân xung quanh, không cần thiết phải mất thời gian đọc bản đồ. Nhưng không được chủ quan, bởi giữa vùng đồi núi heo hút không phải lúc nào cũng có người bản địa, thông thuộc đường sá để hỏi thăm.

Để chuyến đi diễn ra suôn sẻ và an toàn thì công tác chuẩn bị là không thể thiếu. Mỗi nhóm phượt cần phải trang bị cho mình đầy đủ các thiết bị sửa chữa xe, thuốc, bông, băng… để phòng trừ những sự cố gặp phải ngang đường. Mỗi thành viên cần phải có hành trang đầy đủ để sẵn sàng đối phó với những tình huống bất ngờ xảy ra.

Điều quan trọng nhất trong mỗi chuyến phượt chính là sự quan tâm, chia sẻ của các thành viên trong nhóm. Các thành viên trong đoàn phượt có thể là những người chưa từng quen biết, nhưng khi đã lên đường với chung một đam mê là khám phá và trải nghiệm thì cần có sự quan tâm, chia sẻ với nhau trong suốt chuyến đi. Khi một thành viên gặp sự cố thì cả nhóm phải tập trung giúp đỡ. Nếu một thành viên nào đó cảm thấy quá sức thì phải thông báo ngay để cả nhóm dừng lại nghỉ ngơi hoặc quyết định hủy chuyến đi để đảm bảo an toàn.

Mỗi chuyến đi là một hành trình khám phá các vùng đất mới, trải nghiệm và thỏa mãn sự đam mê. Nhưng nó chỉ thực sự có ý nghĩa khi cả nhóm cùng trở về an toàn. Mỗi phượt thủ hãy trau dồi cho mình những kĩ năng cần thiết trước mỗi chuyến đi để hạnh phúc không chỉ là điểm đến mà còn là những gì mình có trên một chặng đường dài.

Xem thêm các bài viết liên quan:

Theo chân giới trẻ phượt đêm Hà Nội

Dân phượt nói gì về Huyền Chip?

''Phượt'' ngắm cờ Tổ quốc

MV tuyệt đẹp của cặp tình nhân phượt

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Lịch- Đức Tiến ([Tên nguồn])
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN