''Phượt'' ngắm cờ Tổ quốc

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

Tới Lũng Cú (Hà Giang), Mũi Cà Mau hay quần đảo Trường Sa, tôi đều gặp cờ Tổ quốc. Ở những nơi đó, mỗi lá cờ đỏ sao vàng đều có một câu chuyện riêng về tình yêu đất nước.

Để màu cờ không phai

Đến đồn Biên phòng Lũng Cú vào một buổi trưa đầy nắng, tôi nhìn thấy một chóp núi xa xa. Từ đồn Biên phòng tới cột cờ Lũng Cú nhìn tưởng gần nhưng đi lại hoá xa, vẫn quanh co, trùng điệp, lên chót vót rồi lại đằm xuống nốt trầm khi thấy thung lũng Lô Lô, những ngôi nhà sàn ẩn hiện, phía xa dòng sông Nho Quế ánh lên trong nắng. Cột Cờ Lũng Cú kia rồi. Tôi háo hức leo 286 bậc lên đỉnh núi Rồng cao 1.700 m.

Cột cờ Lũng Cú cao gần 20 m, hình dáng giống cột cờ Hà Nội, chân bệ có 6 mặt phù điêu mang nét hoa văn của trống đồng Đông Sơn. Thật khó diễn tả cảm xúc khi tôi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng in trên nền trời xanh thắm. Cờ bay phần phật trong gió miền sơn cước nghe như nhịp đập trái tim đang xúc cảm. Cán cờ cao 9 m, lá cờ rộng 54 m2, tượng trưng cho 54 dân tộc anh em.

Lũng Cú cao xa là vậy, nhưng nhiều bạn trẻ khắp vùng miền đã, đang và sẽ lên núi Rồng để đón giao thừa dưới chân cột cờ Lũng Cú.

Gió trên đỉnh núi Rồng thổi rất mạnh, nên trung bình một tuần phải thay cờ một lần, nếu không sẽ bị rách. Đồn Biên phòng luôn có 10 lá cờ 54m2 để dự phòng. Mỗi lần thượng cờ là mỗi lần đọ sức với những cơn gió lồng lộng. Bao nhiêu năm rồi, cột cờ Lũng Cú chưa một lần vắng bóng cờ đỏ sao vàng, cờ chưa một lần bị rách hay phai màu.

Tôi đứng trên đỉnh núi Rồng, nhìn những nóc nhà trên phần đất xa nhất của cực bắc Tổ quốc, nơi có cột mốc 17, mỏm đất cực bắc nhô ra như chóp nón. Chiều biên giới, lòng chợt lắng xuống khi nghĩ để chóp nón nhô ra đầy kiên gan ấy, bao nhiêu máu đã đổ xuống.

''Phượt'' ngắm cờ Tổ quốc - 1

  Cờ Tổ quốc ở Nam Cực.

Tôi đến đồn Biên phòng Tây Trang (tỉnh Điện Biên) hoang vắng núi rừng nổi tiếng với “ruồi vàng, bọ chó, gió Tây Trang”. Sự cô liêu và cả nỗi buồn nữa lập tức tan biến khi nhìn thấy lá cờ đỏ sao vàng bay trên đồn Biên phòng. Bốn mùa, cờ Tổ quốc như một ngọn lửa không bao giờ tắt.

Tại đồn Biên phòng Tây Trang, gió cũng nghiệt ngã với cờ. Gió lào ở đây ồn ào, rát bỏng, nên nếu không thay, cờ chỉ dăm ngày là rách và phai màu. Ở vùng biên này, cờ Tổ quốc luôn đỏ thắm, ngạo nghễ tung bay. Các chiến sỹ ở đây chấp nhận bạc mặt vì gió, để cho màu cờ không phai.

Tôi đến đồn Biên phòng Kỳ Sơn (tỉnh Nghệ An) vào một buổi tối trời mưa tầm tã, cách mấy trăm mét là nước bạn Lào. Một chiến sỹ hạ lá cờ Tổ quốc xuống, giặt và phơi lên. Đêm đông vùng sơn cước lạnh như cắt, tôi thấy người chiến sỹ ấp lá cờ vào ngực. Tôi hỏi “vì sao lại làm thế?”. Chiến sỹ binh nhất thật thà pha chút ngượng ngùng: “Làm thế cho cờ khô, cờ ướt thì ủ rũ lắm, cũng dễ làm mình buồn. Bọn em ở đây nhìn cờ Tổ quốc tung bay phần phật, thấy phấn khởi hơn”.

Sáng hôm sau, đã thấy lá cờ đỏ sao vàng bay trong gió. Tôi cảm giác như hơi ấm của người chiến sỹ đêm qua vẫn còn trong những thớ vải của lá cờ.

Lá cờ vươn ra biển

Một ngày nọ, tôi đến “mũi tàu” Tổ quốc: “Tổ quốc ta như một con tàu/Mũi tàu ta đó - Mũi Cà Mau” (Xuân Diệu). Suốt cuộc hành trình, đôi mắt quen với màu xanh cây cỏ, kênh rạch của vùng sông nước, bỗng loá lên màu cờ đỏ sao vàng. Lá cờ đỏ bay trên hình tượng con tàu đang vươn ra biển, cạnh cột mốc quốc gia có khắc dòng chữ: “Mũi Cà Mau, 8037’30” vĩ độ bắc, 104043’ kinh độ đông”. Mỗi năm, đất mũi nhích ra biển thêm vài trăm mét. Lá cờ trên mũi tàu Tổ quốc cũng theo đất mới mà vươn ra phía biển.

''Phượt'' ngắm cờ Tổ quốc - 2

 Chào cờ ở Trường Sa.

Tết Độc lập 2/9 hằng năm, nhiều du khách đến đây để làm lễ chào cờ đặc biệt ở điểm cực Nam đất nước.

Sau nhiều ngày trên biển, chúng tôi reo lên khi nhìn thấy đảo Song Tử Tây trước mặt. Bên ngọn hải đăng cao vút, lá cờ đỏ sao vàng tung bay. Nhìn cờ Tổ quốc lòng ấm lại như thấy quê nhà. Đến những đảo Song Tử Tây, Sinh Tồn, Nam Yết, Trường Sa Đông, An Bang... tôi đều lặng ngắm những lá cờ. Và tôi nhận thấy những lá cờ Tổ quốc ở quần đảo Trường Sa đẹp một cách lạ thường, bởi chẳng ở đâu có nền trời cao xanh vòi vọi, có mặt biển mênh mông xanh biếc như nơi đây. Có lẽ cũng chẳng ở đâu lá cờ Tổ quốc lại khiến nhiều người rưng rưng đến thế. Tôi được nghe kể, có những người lính hải quân gặp bão, tàu chìm đã ôm chặt cờ đỏ sao vàng như ôm hình hài đất nước, rồi bình thản đi vào thăm thẳm biển khơi.

Người bạn cùng khoang tàu với tôi mang theo một lá cờ Tổ quốc còn thơm mùi vải ra đảo Trường Sa. Anh muốn lá cờ thấm đượm nắng gió Trường Sa để mang về đất liền. Đến đảo Trường Sa lớn, chúng tôi được đảo trưởng, Trung tá La Tuấn Thăng, tặng một lá quốc kỳ từng tung bay trên đảo. Tôi ấp lá cờ vào mặt, cảm nhận một dư vị rất riêng, thật khó gọi tên, dường như có mùi của nắng gió, của biển, của mồ hôi và cả máu nữa.

Quốc kỳ ở Nam Cực

Ai đã từng xa Tổ quốc, mới thấy lá cờ đỏ sao vàng đặc biệt thế nào. Chị Hoàng Minh Hồng, người phụ nữ Việt Nam đầu tiên đến Nam Cực, đã mang theo quốc kỳ đến châu lục băng giá này. Giữa những núi băng khổng lồ, chị cắm cờ Tổ quốc lên. Lá cờ đỏ sao vàng trên nền trắng mênh mông của Nam Cực khiến chị xúc động và cảm thấy ấm áp lạ lùng.

Lá cờ Tổ quốc cũng cứu giúp những lao động Việt Nam ở Lybia. Trong cuộc nội chiến ở Lybia mới đây, nhiều lao động Việt Nam đã phải chạy loạn, bị cuốn vào đám đông hàng chục nghìn người Trung Quốc, Bangladesh... Anh Nguyễn Tuấn Sơn (từng là người lính) đã nảy ra sáng kiến cắm cờ tổ quốc trên khu lều để người Việt Nam nhận biết. Giữa biển người, nhìn thấy cờ Tổ quốc, những công nhân Việt Nam đã tìm đến nhau để được Đại sứ quán của ta và tổ chức quốc tế giúp đỡ...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Phùng Nguyên (Tiền Phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN