Làm gì khi sếp nghĩ rằng bạn làm việc không hiệu quả?

Đây là những việc cần làm khi thấy cấp trên đang đánh giá mình ở mức hiệu suất làm việc khác bản thân vẫn nhận định.

Làm gì khi sếp nghĩ rằng bạn làm việc không hiệu quả? - 1

Sáng sáng đi làm đúng giờ, bắt tay vào giải quyết công việc để chiều có thể trở về nhà đúng giờ. Dẫu không tránh khỏi những lúc áp lực, chật vật song nhìn chung bạn vẫn thấy mọi thứ khá ổn. Không đến mức làm nên điều gì lớn lao nhưng bạn luôn thấy mình hoàn thành tốt công việc được giao.

Thế rồi, đột nhiên bạn được cấp trên của mình hẹn gặp. Trong buổi họp đó, cấp trên nói với bạn một cách nghiêm túc rằng họ không hài lòng với mức hiệu suất làm việc hiện tại của bạn.

Cũng có thể đã đến hạn đánh giá KPI của thời gian trước và những con số đánh giá của cấp trên về bạn hoàn toàn không giống như những gì bạn tự đánh giá về chính mình.

Tất cả những tình huống này đều có thể xảy ra với chúng ta. Khi kỳ vọng tại nơi làm việc của bạn khác với kỳ vọng của sếp, điều đó có thể gây ra căng thẳng và áp lực cho cả đôi bên. Dưới đây là những lời gợi ý để bạn có thể xử lý tình huống trên một cách khéo léo và khôn ngoan.

Chuẩn bị tinh thần cho bản thân trước cuộc trò chuyện

Trước khi bước vào phòng họp, hãy tự nhủ rằng bất kể cuộc trò chuyện đó diễn ra theo chiều hướng nào, đó chỉ là quan điểm của một cá nhân về hiệu suất của bạn. Nội dung đó chỉ đơn giản là một cách để bạn nhận được thông tin và phản hồi về cách bản thân đang làm việc ở một vị trí cụ thể trong công ty, hoàn toàn không phải là đánh giá giá trị cá nhân của bạn hay cách bạn sẽ làm ở một vị trí khác hay với công ty khác.

Thay vào đó, hãy xem đây là cơ hội để bạn có được những thông tin phù hợp, hướng đến việc cải thiện bản thân trong công việc cũng như tương tác với đồng nghiệp.

Nhìn vào bản thân một cách trung thực

Thật khó để thừa nhận rằng chúng ta có thể đang gặp vấn đề trong công việc hoặc hiệu suất mình không như bản thân mong muốn. Sau khi đã thành thật với chính bản thân mình, bạn cần xác định những nhận xét của người quản lý liệu đã hợp lý chưa, bạn có cần hành động để cải thiện tình hình.

Hãy suy nghĩ trước khi bạn phản ứng

Khi ai đó đánh giá về hiệu suất công việc của bạn kém, bạn có thể sẽ nhanh chóng cảm thấy không thoải mái, thậm chí là khó chịu. Nếu điều này xảy ra với bạn, hãy cố gắng hết sức để hít thở sâu và đếm đến 3 trước khi bạn phản ứng và khiến mọi chuyện trở nên tệ hơn.

Sẽ tốt hơn khi bạn dành thời gian để lắng nghe ý kiến của vị quản lý kia và cho phép bản thân một vài ngày để xử lý thông tin trước khi đưa ra phản hồi.

Yêu cầu một kế hoạch cải tiến tình hình

Làm gì khi sếp nghĩ rằng bạn làm việc không hiệu quả? - 2

Nếu bạn tin rằng quan điểm của người quản lý là đúng đắn, đừng ngại ngần chủ động yêu cầu một kế hoạch cải tiến, trong đó có nêu ra các mục tiêu cụ thể. Cần đảm bảo rằng bạn và sếp của mình có chung đường hướng trong việc cải thiện hiệu suất công việc. Các mục tiêu cần được đặt ra một cách cụ thể, có định lượng và mốc thời gian cụ thể để đạt được. Càng đưa ra một cách cụ thể và rõ ràng, bạn càng dễ có thể đạt được những gì đã đề ra.

Giữ mối quan hệ cởi mở

Đừng ngại ngần chủ động hỏi cấp trên của bạn rằng liệu bạn có thể lên lịch cho những buổi trao đổi sau đó. Bất kể hiệu suất làm việc của bạn thế nào, việc giữ mối quan hệ cởi mở với cấp trên luôn là điều có lợi, nên làm.

Trau dồi thêm kỹ năng

Bạn có thể đề xuất lên cấp trên của mình về các nguồn lực có thể giúp bạn cải thiện kỹ năng, nghiệp vụ trong phần được xác định là vấn đề của bạn. Đó có thể là một khóa đào tạo do công ty cử đi hay được một người đồng nghiệp chỉ giúp.

Bạn cũng có thể chủ động tìm các lớp học trực tuyến hoặc trực tiếp, miễn là phù hợp với bản thân mình. Điều này sẽ thể hiện sự chủ động và cho thấy rằng bạn thực sự quan tâm đến hiệu quả công việc của mình.

Yêu cầu những đánh giá của người khác

Trong trường hợp bạn không đồng ý với đánh giá của một cấp trên về hiệu suất của mình, hãy cân nhắc đến việc hỏi một cấp trên khác hoặc bạn bè, đồng nghiệp đáng tin cậy về quan điểm của họ. Điều bạn đang tìm là những phản hồi trung thực để đánh giá xem người khác có thấy những gì người quản lý của bạn thấy.

Dựa trên những phản hồi đó, bạn có thể xác định các lĩnh vực cần cải thiện hoặc những thay đổi bạn cần thực hiện ở vị trí hiện tại. Có thể, một vị trí khác sẽ phù hợp hơn với bạn.

Trò chuyện cởi mở nếu có vấn đề cá nhân ảnh hưởng đến công việc của bạn

Làm gì khi sếp nghĩ rằng bạn làm việc không hiệu quả? - 3

Nếu vấn đề hiệu suất của bạn phát sinh trong thời gian gần đây và nguyên nhân phần lớn là do một số vấn đề cá nhân mà bạn đang phải trải qua, chẳng hạn như ly hôn, bệnh tật cá nhân hoặc gia đình… hãy cân nhắc chia sẻ với người quản lý của bạn.

Bạn không cần phải đi vào quá nhiều chi tiết, nhưng chúng ta không ai có thể kiểm soát hết cuộc đời của mình và cấp trên của bạn hiểu điều đó. Họ sẽ cho bạn thời gian nhất định để giải quyết mọi việc và bạn cần đảm bảo rằng mình sẽ nhanh chóng cân bằng lại cuộc sống, đạt hiệu suất như cấp trên mong đợi khi các vấn đề được kiểm soát hoặc xử lý.

Cho bản thân một lối đi khác

Sự phù hợp với công việc là yếu tố quan trọng để bạn đạt được thành công. Nếu bạn thấy rằng hiệu suất của mình đang bị ảnh hưởng bởi bạn thực sự không hài lòng với vị trí hoặc đơn vị hiện tại của mình, hãy bắt đầu làm hồ sơ và tìm kiếm vị trí thực sự phù hợp với mình.

Một trường hợp khác là khi cấp trên của bạn thực sự không phải người có năng lực tốt, hãy coi đây là một bài học kinh nghiệm cho sau này, khi bạn trở thành một người sếp.

Nguồn: [Link nguồn]

8 thói quen của nhân viên dễ khiến sếp tăng xông, biết để tránh là thượng sách

Có thể những điều này không hẳn xấu hay tiêu cực nhưng lại có thể khiến cấp trên của bạn cảm thấy không hài lòng.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Bảo Anh ([Tên nguồn])
Công sở và những áp lực Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN