Không dám đối mặt thất bại là một khuyết tật

Sự kiện: Giới trẻ ngày nay

"Những người khỏe mạnh đôi khi không dám đối mặt thất bại, thường đổ lỗi cho các lý do và ước nếu như, giá như… Đó là một sự khuyết tật."

Tối 21/3, tại Đại học Quốc gia Hà Nội, các gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013 đã giao lưu, chia sẻ với đông đảo sinh viên về đam mê và động lực vươn lên trong cuộc sống, chiếm lĩnh tầm cao mới về khoa học kỹ thuật. Điểm chung của các gương mặt tiêu biểu là tỏa sáng vì cộng đồng.kiên nhẫn.

Không dám đối mặt thất bại là một khuyết tật - 1

Bí thư thứ nhất Trung ương Đoàn Nguyễn Đắc Vinh trao bằng khen cho 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013. Ảnh: Như Ý

Đam mê & hứng khởi

Tại chương trình, nhiều sinh viên đặt câu hỏi về khởi nguồn của đam mê nghiên cứu, sáng tạo và bí quyết thành công với Tiến sĩ Tạ Hải Tùng, Nguyễn Dương Kim Hảo, Bùi Quang Tú - gương mặt trẻ nổi bật trong lĩnh vực nghiên cứu khoa học và sáng tạo.

Nguyễn Dương Kim Hảo (học sinh lớp 7, Trường THCS Nguyễn Gia Thiều, TPHCM) nói, làm quen với máy vi tính từ năm lớp 2. Sáng chế đầu tiên của Hảo là phần mềm cộng điểm giúp ba đỡ mệt mỏi hay nhầm lẫn mỗi khi làm điểm (ba của Hảo là giáo viên). Khi học tiểu học, Hảo tạo ra phần mềm giải toán tổng hợp cấp 2…“Mỗi lần nghiên cứu sáng tạo, em thấy thích thú, tò mò muốn tìm hiểu sâu hơn. Khó thì học hỏi, tìm hiểu thêm”, Hảo nói.

Cậu học trò lớp 7 muốn trở thành một lập trình viên giỏi trong tương lai. Còn với Bùi Quang Tú (ĐH Khoa học Tự nhiên – ĐHQG Hà Nội) cho hay, niềm yêu thích Vật lý bắt đầu từ sự tò mò đối với các hiện tượng sự vật xung quanh và muốn tìm hiểu tại sao lại thế. “Mình làm quen và yêu thích môn Vật lý từ những năm học THCS, THPT”.

Không dám đối mặt thất bại là một khuyết tật - 2

Em Nguyễn Dương Kim Hảo, học sinh lớp 6/8 trường THCS Nguyễn Gia Thiều (TPHCM) tại đêm giao lưu gương mặt trẻ tiêu biểu 2013

Bí quyết thành công của ba gương mặt nghiên cứu, sáng tạo là sự phân bổ hợp lý thời gian gắn với sự hứng thú. Với quan điểm không nhất thiết phải tuân theo một cách cứng nhắc thời gian biểu để làm việc, Bùi Quang Tú cho rằng: “Mình cần phân bố thời gian hợp lý giữa việc học với giúp đỡ gia đình, giải trí để hoàn tất công việc một cách hiệu quả nhất”.

Đối với những bạn có hứng chơi nhiều hơn học, theo Tú cần đặt ra một số mục tiêu nhỏ làm những công việc có ích gắn với hoạt động giải trí. Tiến sĩ Tạ Hải Tùng (ĐH Bách khoa Hà Nội) nhấn mạnh: “Học tập, nghiên cứu phải có đam mê mới có hứng thú. Song niềm đam mê cũng cần có sự kiểm soát”.

Anh cũng cho rằng, trong cuộc sống cần biết cân bằng giữa công việc và giải trí. Tiến sĩ Tạ Hải Tùng chia sẻ về sở thích chụp ảnh và xem đây là hình thức giải trí tạo sự thoải mái để có thêm động lực gắn bó với nghiên cứu phát triển công nghệ định vị sử dụng vệ tinh.

Nghị lực không khuyết tật

Chia sẻ về cảm xúc khi trở thành 1 trong 10 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013, anh Lại Văn Điệp cho rằng, đây là niềm hạnh phúc mà anh không ngờ tới. “Sinh ra đã bị khuyết tật, mình chỉ mong muốn đi lại như người bình thường, được đi học như bạn bè, có việc làm, kiếm được miếng cơm, lo được cho bản thân. Mong ước đó khiến Điệp cố gắng nhiều hơn trong cuộc sống”, anh Điệp chia sẻ trong tiếng vỗ tay vang dội từ các hàng ghế tại hội trường.

Anh Điệp kể, sau một trận ốm lúc 10 tháng tuổi, anh bị liệt toàn thân. Lúc đó, hoàn cảnh gia đình khó khăn, cũng không có điều kiện để chạy chữa. “Thương con, nhưng gia đình chấp nhận, nhiều khi cũng có ý nghĩ hay là bỏ đi cho đỡ khổ”, anh Điệp nói. Cũng may, ông trời cho anh Điệp cái đầu thông minh và cánh tay phải nguyên vẹn.

Đến năm 8 tuổi, anh có thể di chuyển được, dù khó, để đi học cùng bạn bè. Đến năm học lớp 2, lớp 3, anh có thể đan rổ bán kiếm tiền phụ giúp gia đình. Đến năm lớp 8, anh kiếm tiền nuôi sống bản thân bằng nghề đánh đàn thuê trong đám cưới.

Không dám đối mặt thất bại là một khuyết tật - 3

Anh Lại Văn Điệp trong buổi giao lưu gương mặt trẻ tiêu biểu 2013. Ảnh: Như Ý

“Cũng ước mơ được vào đại học, nhưng mình nghĩ tìm nghề nào thích hợp để kiếm việc làm sẽ tốt hơn”, anh Điệp chia sẻ. Hết lớp 9, anh đi học nghề chạm khắc đồ gỗ, mỹ nghệ. “Các bạn học 6 tháng thì Điệp xin học 12 tháng. Học cho ra nghề thì thôi”, anh Điệp nói.

Lúc mới ra nghề, anh Điệp kiếm được những đồng tiền đầu tiên đầy nước mắt vì sung sướng. Ngày đầu, anh phải tín chấp với mọi người rằng, nếu sản phẩm không đúng yêu cầu sẽ không lấy tiền. Dần dần, từ bàn tay trắng của một người khuyết tật, anh tạo dựng nên một doanh nghiệp có doanh thu 4 tỷ đồng năm 2013 và tạo công ăn việc làm, dạy nghề cho hàng chục lao động khuyết tật tại địa phương.

“Theo tôi, trong cuộc sống, ai cũng có khó khăn, thuận lợi. Chúng tôi là người khuyết tật, gặp khó khăn về vận động, nhưng được bù đắp bằng sự tỉ mẩn, kiên nhẫn. Những người khỏe mạnh đôi khi không dám đối mặt thất bại, thường đổ lỗi cho các lý do và ước nếu như, giá như…

Đó là một sự khuyết tật. Chúng tôi khuyết tật về thân thể, nhưng trái tim và nghị lực không khuyết tật. Chúng tôi thèm khát sự vươn lên, thèm khát những cánh tay chìa ra để vịn vào và đứng lên.

Nếu cho chúng tôi cơ hội, chúng tôi sẽ có tất cả. Tương lai ở trước mắt, tuy đường còn dài, còn xa, gập ghềnh và khó khăn, dù đi chậm, nhưng đều đến đích”, anh Điệp nói trong tiếng vỗ tay vang dội của hội trường.

Giao lưu với sinh viên, kỹ sư Mai Văn Phương tự hào cho rằng, anh là kỹ sư trưởng vận hành nguồn nổ đầu tiên là người Việt làm việc trên tàu Bình Minh 02.

“Khi tôi mới lên tàu đã rất ấn tượng với câu nói của người nước ngoài rằng lau chùi, dọn dẹp là việc đầu tiên của những người thực tập. Điều này cũng giống như những tác phong làm việc của người Nhật. Việc vệ sinh, lau chùi máy móc đầu tiên sẽ giúp máy vận hành tốt hơn, tránh được tai nạn. Hơn nữa, cũng có ý là anh phải làm sạch tư duy, làm sạch được ý thức trong làm việc”, anh Phương nói.

Theo anh Phương, kiến thức và ý thức làm việc của người Việt trong lĩnh vực địa chấn còn chưa có nhiều. Tuy nhiên, thế hệ như anh Phương đang từng ngày khẳng định được trí tuệ Việt Nam.

Khi mình lên chức kỹ sư trưởng, ông thuyền trưởng nói rằng “anh là con gà trống” có nghĩa là dẫn đầu. Đến nay, người Việt đã dần khẳng định được mình và dần thay thế chuyên gia nước ngoài trong lĩnh vực này”, anh Phương nói.

Mang xuân Trường Sa về Hà Nội

Cảm động và ấn tượng nhất trong đêm giao lưu khi Thượng úy Cấn Ngọc Sơn (chỉ huy trưởng đảo Đá Đông B, quần đảo Trường Sa) hát vang bài hát Mùa xuân nơi Trường Sa giữa hội trường. Mặn lên da là biển, mặn xuống tóc là trời. Lính đảo không trắng nổi, yêu hay đừng… em ơi, giọng hát cất lên không cần nhạc khiến cả hội trường xúc động với người con về từ Trường Sa.

Không dám đối mặt thất bại là một khuyết tật - 4

 10 gương mặt trẻ tiêu biểu 2013 chụp ảnh cùng các vị lãnh đạo. Ảnh: Như Ý

“Mình là lính đảo, nhiệm vụ là canh giữ biển trời Tổ quốc, nhưng cũng làm nhiệm vụ bảo vệ cho bà con ngư dân yên tâm đánh bắt hải sản trên vùng biển quê hương”, anh Sơn nói.

Năm 2013, anh Sơn cùng đồng đội dũng cảm vượt sóng gió cứu sống 10 ngư dân Phú Yên gặp nạn trên biển ở Trường Sa. “Mình đợt này có song hỷ. Nghỉ phép về nhà thì được lọt vào top 20 gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu và cưới được vợ cách đây 5 ngày”, anh Sơn kể.

Đối mặt hiểm nguy thường xuyên ở vùng đất có tiếng về tội phạm ma túy, đại úy Mai Hoàng nổi bật với những chiến công xuất sắc. Mai Hoàng cũng là một trong 10 gương mặt tuổi trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013.

Có sinh viên Đại học Quốc gia, hỏi: “Nếu tội phạm là người thân của anh, hoặc tội phạm đưa tiền cho anh thì anh sẽ xử lý ra sao”, Mai Hoàng không ngần ngại trả lời: “Chiến sĩ công an trên mặt trận phòng chống tội phạm, đặc biệt tội phạm ma túy, thì phải có bản lĩnh vững vàng. Nếu muốn lập chiến công, lập thành tích, đảm bảo an toàn xã hội thì sẽ biết cách phải làm gì. Tôi sẽ không bao giờ thỏa hiệp với tội phạm, dù đó là người thân của tôi hoặc cho tôi tiền”.

Các vị đại biểu tham dự chương trình: Ông Vũ Khoan, nguyên Phó Thủ tướng Chính phủ, Chủ tịch Hội đồng bảo trợ tài năng trẻ Việt Nam; Bà Trần Thị Bích Thủy, Phó trưởng ban Dân vận T.Ư; Anh Nguyễn Đắc Vinh, Bí thư thứ nhất T.Ư Đoàn; Anh Lê Quốc Phong, Bí thư T.Ư Đoàn, lãnh đạo báo Tiền Phong, lãnh đạo Đại học Quốc gia Hà Nội cùng đông đảo sinh viên ĐH Quốc gia Hà Nội.

Niềm tin sẽ làm nên những điều kỳ diệu

“Mỗi lần tham dự lễ trao giải Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu, tôi thấy các bạn trẻ nước ta rất sáng láng, rất nhiều người thông minh, tài ba. Nó làm cho niềm tin vào tương lai đất nước được củng cố. Mỗi năm đều xuất hiện những gương mặt mới. Năm trước chưa thấy những gương người khuyết tật, nhưng năm nay có một tấm gương là người khuyết tật, hay một cháu học sinh dù nhỏ tuổi nhưng đạt được thành tích đáng ngạc nhiên, không chỉ ta đánh giá mà bạn bè quốc tế đánh giá… Người tài trong thanh niên của ta rất nhiều. Niềm tin vào tương lai của đất nước, thế hệ này sẽ làm nên những điều kì diệu…”.

Nguyên Phó Thủ tướng Vũ Khoan

Tại chương trình giao lưu, T.Ư Đoàn đã trao bằng khen và phần thưởng 5 triệu đồng cho 10 Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu; Bằng khen và phần thưởng 3 triệu đồng cho 10 gương mặt trẻ triển vọng.

Sáng 22/3, Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Tấn Dũng sẽ gặp mặt, tặng quà các Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013, Gương mặt trẻ triển vọng 2013 tại Văn phòng Chính phủ. Chiều cùng ngày, đoàn đại biểu Giải thưởng Gương mặt trẻ Việt Nam tiêu biểu 2013 sẽ hành hương về nguồn tại Đền Hùng (Phú Thọ) và khu du lịch Tây Thiên (Vĩnh Phúc).

Xem thêm các bài viết liên quan:

Công bố 10 Gương mặt trẻ VN tiêu biểu năm 2013

Những chàng trai là tỷ phú sáng tạo

10X Việt sáng chế robot tránh vật cản

Những sáng tạo của học trò phố núi

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Mai Xuân Tùng - Trường Phong (Tiền Phong)
Giới trẻ ngày nay Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN