Hà Nội: Gặp gỡ nhóm bạn trẻ bỏ tiền túi thuê nhà cho người vô gia cư

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Ba tháng có nơi ở mới, các cụ nhận được sự chăm sóc sau những tháng ngày lang bạt hè phố, bồng bềnh trên sông nước. Việc làm của “Hà Nội chung tay” thực sự mang ý nghĩa nhân văn cao cả, góp phần thiết thực cùng xã hội chăm lo cho những hoàn cảnh yếu thế.

Căn nhà rộng 15 mét vuông, cao 4 tầng này từ nhiều tháng nay là nơi ở miễn phí của 3 hoàn cảnh khó khăn, vô gia cư được nhóm thiện nguyện “Hà Nội chung tay” giúp đỡ thuê. Ít ai biết được rằng nhóm bạn trẻ có nghĩa cử cao đẹp này đang ở tuổi đời còn rất trẻ. Dù xa quê hương, phải học tập và làm việc nơi “đất khách, quê người”, vượt qua nhiều khó khăn về nhân lực, định kiến, kinh tế... “Hà Nội chung tay” đã thành công thuê một căn nhà để làm nơi mang mái ấm đến với người vô gia cư.

Ba chàng trai độ tuổi đôi mươi đã thành lập "Hà Nội chung tay", trao mái ấm cho người vô gia cư giữa lòng Thủ đô.

Ba chàng trai độ tuổi đôi mươi đã thành lập "Hà Nội chung tay", trao mái ấm cho người vô gia cư giữa lòng Thủ đô.

Chia sẻ với PV Đời sống & Pháp luật, bạn Lê Thanh Hải – Trưởng nhóm thiện nguyện “Hà Nội chung tay” cho biết: “Thời gian đầu lên Hà Nội, mình thấy khá nhiều người vô gia cư, mình có đi phát quà và phát cơm ở đó. Trong thời gian phát đồ, mình đã tâm sự với các cụ và nhận ra thứ mà các cụ khao khát nhất là một mái ấm để về, nên mình đã rủ hai người bạn của mình là Minh Sơn và Vương Anh để mở Hà Nội chung tay, giúp đỡ các cụ có nơi để về”.

Biết ý định dựng mái ấm của Lê Thanh Hải, hai sinh viên Minh Sơn và Vương Anh ngỏ ý tham gia để dự án sớm triển khai. Thời điểm đó cả hai vẫn nhận hỗ trợ từ gia đình, còn Hải làm giáo viên, lương tháng chưa đến 7 triệu đồng. Để thuyết phục người vô gia cư tin tưởng về nhà chung, mỗi thành viên có cách riêng. Một mặt các thành viên tâm sự, tìm hiểu khó khăn và giúp đỡ họ ngay lúc đó, để tạo niềm tin, bên cạnh đó nhóm bạn còn tiếp cận chậm rãi, trải nghiệm cuộc sống của họ trong nhiều ngày.

“Áp lực của chúng mình cũng rất nhiều! Từ việc phân chia thời gian để học tập, đi làm cho chuẩn chỉnh. Sau đó phân biệt người vô gia cư thật và người vô gia cư giả, đồng thời dành thời gian trải nghiệm, đồng hành, chia sẻ từ những điều nhỏ nhặt nhất... thì mới biết được các cụ thiếu thốn nhất là điều gì”, bạn Lê Minh Sơn, thành viên nhóm “Hà Nội chung tay” cho hay.

Ông Đặng Thế Quý năm nay đã 72 tuổi, từng có nhà, sống cùng các con, nhưng phải bán đi sau một vụ hỏa hoạn. Ông chia tiền cho các con, dành phần còn lại trả nợ, mua thuốc, rồi sống cô độc bằng nghề câu cá trên sông. Sau gần chục năm ông lại mới có cơ hội ở trong căn phòng vững chắc thay vì trú ngụ trên con thuyền cũ nát, ngày nóng, đêm rét, trên sông Hồng.

“Thứ nhất, ấm ở trong lòng đã, thứ nữa là ấm ở trong căn nhà cộng vào. Rất là cảm động! Tôi chỉ mong sao có thật nhiều người như các cháu để giúp đỡ được nhiều hoàn cảnh hơn!”, ông Quý chia sẻ.

Hà Nội: Gặp gỡ nhóm bạn trẻ bỏ tiền túi thuê nhà cho người vô gia cư - 2

Ông Đặng Thế Quý từng sống trên con thuyền bỏ hoang trên bãi sông Hồng.

Ông Đặng Thế Quý từng sống trên con thuyền bỏ hoang trên bãi sông Hồng.

Cùng chung mái ấm với ông Quý là ông Phạm Bá Thành làm nghề bán rong quần áo và đồ cũ. Ông Thành được các thành viên “Hà Nội chung tay” đón về mái ấm ngay thời điểm trước tết Nguyên Đán Quý Mão. Với ông, đây là một bất ngờ lớn sau một thời gian dài phải ngủ ngoài vỉa hè, ghế đá công viên.

“Trước đây không nhà khổ lắm! Lúc đói, lúc no, muỗi đốt.. cuộc sống vất vưởng lắm! Từ khi được các cháu thuê cho căn nhà này tôi rất cảm động, nó ấm áp như một căn nhà thật sự vậy!”, ông Thành tâm sự.

Để đảm bảo an toàn, các cụ phải về nhà trước 23h và không được đi ăn xin. Bên cạnh đó, trước khi đón các cụ về nhà chung, nhóm phải xác minh nhân thân, gọi điện thoại cho người thân để xin phép, khai báo tạm vắng, tạm trú, đăng ký thông tin cá nhân với cảnh sát khu vực, tổ dân phố theo quy định.

Sau cùng, ba thành viên luân phiên chốt trực tại nhà để giám sát, kịp thời hỗ trợ các cụ trong tình huống khẩn cấp. Họ hiểu việc chăm sóc người lớn tuổi không đơn thuần là lo bữa ăn, giấc ngủ mà phải có trách nhiệm với sức khỏe, tính mạng của mỗi người.

“Thành tựu lớn nhất của “Hà Nội chung tay” là sau 3 tháng đã đưa được 3 cụ về nhà. Mong muốn lớn nhất của chúng tôi là sau này có thể mở rộng ra nhiều trung tâm hơn nữa để giúp đỡ những người yếu thế ở khu vực và nhiều tỉnh thành khác”, bạn Lê Thanh Hải cho biết.

Ba tháng có nơi ở mới, các cụ cảm thấy như "gia đình thứ hai", được yêu thương sau những tháng ngày lang bạt hè phố, bồng bềnh trên sông nước. Việc làm của “Hà Nội chung tay” thực sự mang ý nghĩa nhân văn cao cả, góp phần thiết thực cùng xã hội chăm lo cho những hoàn cảnh yếu thế. Thanh Hải, Minh Sơn, Vương Anh – tuổi họ tuy còn nhỏ nhưng việc làm lại không hề nhỏ.

Nguồn: [Link nguồn]

Câu chuyện ấm lòng mùa dịch về chàng trai MC đám cưới đưa người vô gia cư về nhà mời cơm

Mấy ngày qua, câu chuyện anh Nguyễn Duy Kiệt (31 tuổi, ngụ TP. Biên Hòa, tỉnh Đồng Nai) tận tình giúp đỡ một người vô gia cư không quen biết đã khiến cộng đồng mạng cảm kích...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thảo Ly ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN