Dạy con theo 2 cách khác nhau, mẹ trẻ nhận được kết quả bất ngờ

Chị Huyền cho rằng, mẹ Việt luôn nghĩ con trẻ không biết gì và thường chiều chuộng con quá mức.

Từ 0 đến 6 tuổi là khoảng thời gian quan trọng giúp trẻ em hình thành nhân cách. Tuy vậy, không ít cha mẹ Việt vì quá chiều chuộng hoặc thiếu thốn thời gian nên lơ là việc dạy con ở độ tuổi này.

Bên cạnh đó, quan điểm giáo dục sai lầm của họ cũng khiến con trẻ thiếu kỹ năng sống, khó tránh khỏi va vấp khi rời vòng tay cha mẹ. Dạy dỗ con cái đúng cách theo từng độ tuổi là điều quan trọng các bậc phụ huynh cần học hỏi. 

“Đừng tin “cha mẹ sinh con trời sinh tính” mà hãy tin vào cách dạy dỗ của chính mình”, đó là điều chị Cao Thanh Huyền (sinh năm 1984, hiện là quản lý của một trường mầm non tại Hà Nội) rút ra được từ câu chuyện của bản thân.

Bước ngoặt trong “sự nghiệp dạy con”

Chị Huyền có hai người con gái, bé lớn tên Nguyệt Khuê hơn 7 tuổi, bé nhỏ tên Minh Châu, 4,5 tuổi. Vốn là giáo viên mầm non, được học cách nuôi dạy trẻ một cách bài bản, chị luôn tin tưởng, con mình sẽ phát triển tốt.

Dạy con theo 2 cách khác nhau, mẹ trẻ nhận được kết quả bất ngờ - 1

Dạy con theo những phương pháp khác nhau, chị Huyền có được kết quả bất ngờ (ảnh: Thuy Dang)

Thế nhưng, niềm tin ấy hoàn toàn rạn nứt sau khi chị sinh đứa con đầu lòng. Chị cùng chồng và ông bà dạy con theo bản năng: không nghe lời thì dỗ dành, dỗ dành không được mắng nhiếc, mắng nhiếc không được thì dọa nạt và đỉnh điểm là đánh mắng…

Mỗi khi muốn con làm theo ý mình, các thành viên trong gia đình lại tìm cách “mua chuộc” bằng bánh kẹo hoặc điện thoại, máy tính bảng… Người lớn cho mình quyền quyết định thay con mọi việc và luôn có tư tưởng tiết kiệm thời gian: "Để người lớn làm luôn cho nhanh, chờ chúng nó sờ lần thì đến bao giờ”.

Kết quả, đứa con lớn nhà chị Huyền trở nên tự ti, nhút nhát. Dù đã lên 7 tuổi nhưng bé luôn phải để bố mẹ, ông bà nhắc nhở trong mọi việc từ ăn mặc, vệ sinh cá nhân cho đến học bài, nếu không nhắc thì không có ý thức tự giác làm.

“Nhật Khuê không nhớ chuẩn bị quần áo trước khi tắm, không nhớ giờ học bài, giờ đi ngủ và thường xuyên quên những việc mình phải làm. Ra đường, con rụt rè và tự ti, đối tượng con sợ nhất là công an và bác sĩ bởi, trước đó, mỗi khi bón cơm, ông bà thường dọa: “Không ăn bà gọi công an đến đấy" hay "Bác sỹ có dao, sợ lắm!…”, chị Huyền kể.

Nhận thấy vấn đề bất ổn ở con khi càng lớn càng phải nịnh nọt và dọa nạt nhiều hơn nhưng bà mẹ trẻ lại không tìm ra cách giải quyết. Đôi lúc chị đành tặc lưỡi: “Thôi thì cha mẹ sinh con trời sinh tính”.

Năm 2012, chị sinh người con thứ hai. Do ca mổ gặp trục trặc nên con chị bị tổn thương não, có nhiều biểu hiện lạ như: chậm lẫy, chậm nói, giao tiếp bằng mắt kém, sợ bẩn, sợ độ cao...

Con nhỏ sức khỏe kém, con lớn thì tính cách bất ổn (ở trường ngoan nhưng về nhà lại bướng bỉnh), bà mẹ trẻ lo lắng đến mất ăn, mất ngủ. Khi đứa con thứ hai dần cứng cáp, chị quyết định từ bỏ toàn bộ kiến thức mầm non đã có, đăng ký một khóa học giáo dục trẻ bằng phương pháp mới.

Lúc này chị mới biết, giáo dục cho trẻ từ độ tuổi từ 0 đến 6 là vô cùng quan trọng – trong khi phần nhiều cha mẹ Việt đều cho rằng, đây là độ tuổi trẻ không biết gì.

Chị Huyền tuyên bố với gia đình, đứa trẻ thứ hai do chị dạy dỗ theo cách riêng, không ai được tác động vào.

Chị làm mọi cách kích hoạt não cho bé, để bé vận động nhiều, rèn luyện khả năng tập trung mắt, dạy con từ những cái nhỏ nhất như: hít thở, hô hấp. Con chị, từ chỗ bị tổn thương não, mỗi tháng đi viện một lần trở nên khỏe mạnh, hoạt bát và năng nổ như những đứa trẻ bình thường.

Dạy con theo 2 cách khác nhau, mẹ trẻ nhận được kết quả bất ngờ - 2

Mới 4 tuổi nhưng bé gái thứ hai của chị Huyền đã tự làm mọi việc 

Đến tuổi đi học mẫu giáo, chị đăng ký cho con vào học trường có phương pháp giáo dục mới, cùng nhà trường dạy con theo nguyên tắc “Tôn trọng – yêu thương và độc lập”.

Đứng trước mọi việc, chị đều hỏi ý kiến con, không bao giờ ép con ăn, mặc, học và làm những việc theo ý mình. Chị để con tự làm mọi thứ, chỉ khi bé nhờ vả một cách lịch sự, chị mới giúp.

Mỗi ngày, chị dành tối thiểu cho con 30 phút chất lượng, tức là chỉ có mẹ và con, không điện thoại, không công việc. Đó là lúc hai mẹ con cùng nhau chơi, học và cùng nhau tâm sự.

“Lên 4 tuổi, cháu đã có nhu cầu tự làm mọi thứ, ngay cả ông bà là những người chiều chuộng cháu nhất, cháu cũng ít khi nhờ vả. Về đến nhà, cháu tự động bỏ giày lên kệ, cất cặp sách, vào rửa tay, rảnh thì vặt rau, rửa bát cho mẹ. Đến giờ đi tắm, cháu tự lấy quần áo, tắm xong tự mặc… Mọi thứ đều rất gọn gàng, sạch sẽ”, chị tự hào.

Thậm chí, bé nhỏ nhà chị Huyền còn thường xuyên nhắc nhở chị gái học bài, làm việc nhà. Nhìn sự khác biệt rõ rệt trong biểu hiện hàng ngày của hai con, chị thừa nhận, phó thác cho “cha mẹ sinh con, trời sinh tính” là một sai lầm.

 “Làm ơn đừng cố nhồi chữ cho trẻ”

Là người từng tiếp xúc với hai phương pháo giáo dục hoàn toàn khác nhau, cũng từng áp dụng cả hai cho chính con cái mình, chị Huyền rút ra nhiều kinh nghiệm.

Dạy con theo 2 cách khác nhau, mẹ trẻ nhận được kết quả bất ngờ - 3

Chị Huyền cho rằng, ở độ tuổi từ 0  đến 6, cha mẹ phải đặc biệt dạy kỹ năng sống cho con

Chị khẳng định, điều quan trọng nhất cần rèn cho trẻ từ 0 – 6 tuổi là văn hóa ứng xử, kỹ năng sống… chứ không phải chữ nghĩa và các phép tính.

Bà mẹ trẻ cho hay, kỹ năng sống ảnh hưởng trực tiếp đến khả năng học thuật của trẻ. Khi bé cảm thấy hứng thú với việc học, bé sẽ tiếp thu nhanh hơn. Trẻ tự lập trong sinh hoạt hàng ngày cũng sẽ có tinh thần tự học.

“Chưa kể, khi trẻ lớn lên, thiếu kỹ năng sống là thiếu hụt một mảng cực kỳ quan trọng. Làm ơn đừng nhồi nhét quá nhiều chữ nghĩa cho con, khi con đang ở tuổi hình thành nhân cách”, chị Huyền chia sẻ.

Chị cho hay, cha mẹ Việt thường mắc phải một số vấn đề trong cách dạy con là: luôn cho rằng trẻ con không biết gì, chiều chuộng con quá mức, không dành nhiều thời gian cho con, phó mặc chuyện dạy dỗ con cho nhà trường…

“Con cái chịu sự tác động chính từ gia đình, nhà trường và xã hội. Trong ba môi trường ấy, chỉ có môi trường xã hội là mình không thể kiểm soát được. Vì thế, để khi ra xã hội, để cứng cáp và bản lĩnh thì con phải được giáo dục tốt trong hai môi trường còn lại”, chị Huyền nói.   

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Thanh Thanh ([Tên nguồn])
Những chuyện gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN