Dân văn phòng đổ xô đi lễ đầu năm

Sự kiện: Giới trẻ 2024

Hà Nội - Sau buổi khai xuân tại công ty, Hạnh Ngân cùng hơn 100 đồng nghiệp lên ba chiếc xe 45 chỗ đến các ngôi chùa lớn trong nội thành.

Đầu tiên họ dừng chân ở chùa Liên Hoa, quận Hoàng Mai, gần công ty sau đó đến chùa Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm. Gần 15h, đoàn tiếp tục lên xe di chuyển đến Phủ Tây Hồ. Ở đây đường tắc, đông nghịt người nên chỉ có các lãnh đạo chen vào ban thờ chính, còn hơn 100 nhân viên vái vọng từ xa.

"Vì ở đây đông nên sinh ra chen lấn, xô bồ, cũng mất thời gian và mệt mỏi", Hạnh Ngân, 30 tuổi, nhân viên một công ty thanh toán điện tử cho hay.

Hàng nghìn người chen chân đi lễ Phủ Tây Hồ trong ngày đầu tiên đi làm sau Tết, mùng 6 âm lịch. Ảnh: Hải Hiền

Hàng nghìn người chen chân đi lễ Phủ Tây Hồ trong ngày đầu tiên đi làm sau Tết, mùng 6 âm lịch. Ảnh: Hải Hiền

Trưa mùng 6 Tết, anh Mạnh Tuấn, kỹ sư xây dựng 35 tuổi cũng cùng đồng nghiệp đi một loạt các đền, chùa ở Hà Nội để "cầu tài cầu lộc". Điểm dừng chân đầu tiên của họ là Phủ Tây Hồ. Tưởng buổi trưa vắng, song anh mất 45 phút di chuyển mới vào được sân chính và mất thêm hàng chục phút chen chúc để đến ban thờ chính. Người chen cứ chen, khấn cứ khấn, Tuấn vẫn cố gắng đọc hết lời cầu của mình mới cảm thấy toại nguyện.

Dự tính của ông bố hai con trong buổi trưa mùng 6 Tết sẽ đi thêm ba đền chùa là Tảo Sách, Vạn Niên và Trấn Quốc cùng thuộc quận Tây Hồ. Cuối tuần anh sẽ đi thêm các chùa ngoại tỉnh.

"Sau dịch bệnh mọi dự án bị trì trệ, thu nhập giảm tới 70%, nên bận đến mấy cũng phải ưu tiên đi chùa'", kỹ sư xây dựng này nói.

Nhiều dân văn phòng chen chúc dâng lễ trong ngày đi làm đầu tiên sau Tết. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Nhiều dân văn phòng chen chúc dâng lễ trong ngày đi làm đầu tiên sau Tết. Ảnh: Quỳnh Nguyễn

Khảo sát của VnExpress từ trưa mùng 6 Tết tại các chùa Vạn Niên, Thiên Niên, Tảo Sách, Phủ Tây Hồ, chùa Trấn Quốc, đền Quán Thánh (quận Tây Hồ), chùa Quán Sứ (quận Hoàn Kiếm), chùa Hà (quận Cầu Giấy) hàng nghìn người đến lễ bái đầu năm.

Ngoài những điểm có bãi gửi xe riêng, nhiều khu vực ôtô phải đỗ dưới lòng đường. Tình trạng ùn tắc kéo dài vài km trên đường Lạc Long Quân, Xuân Diệu, Đặng Thai Mai và lối rẽ quanh hồ Tây (đoạn gần Phủ Tây Hồ) buộc lực lượng chức năng phải điều phối phân luồng.

Một thành viên của lực lượng điều phối giao thông và gìn giữ trật tự quanh khu vực Phủ Tây Hồ cho biết, từ trước Tết lượng người đi lễ đã đổ về đây khá đông nhưng trong ngày mùng 6, ngày đầu tiên các công sở hoạt động trở lại, lượng người đi lễ tăng vọt, ước tính gấp rưỡi các ngày trước.

Nhà nghiên cứu văn hóa Phạm Đình Hải cho biết đi lễ đầu xuân năm mới là tín ngưỡng văn hóa truyền thống của người Việt, có sự kế thừa và không trái pháp luật.

Theo quan niệm xưa, người Việt đi du xuân trong tâm thế hoan hỉ, tận hưởng không khí mùa xuân ấm áp, nhìn ngắm vạn vật nảy nở, sinh sôi. Đi chùa đầu năm mới không chỉ để ước nguyện những điều tốt đẹp cho gia đình, người thân, bạn bè mà còn là thời gian để tìm về chốn tâm linh, hiểu thêm về văn hóa truyền thống.

"Nhưng hiện nay số người vãn cảnh thì ít, mà đến cầu cạnh, xin công danh, tiền bạc là nhiều, đặc biệt là dân công sở. Điều này khiến bản chất ban đầu của đi lễ đầu năm bị hiểu sai", ông Hải nói.

PGS. TS Đỗ Minh Cương, Viện phó Văn hóa kinh doanh, Hiệp hội phát triển Văn hóa doanh nghiệp cho biết hiện tượng dân công sở tranh thủ, thậm chí trốn việc đi lễ đầu xuân có từ nhiều năm nay.

Về cơ bản phong tục lễ đền, chùa đầu năm là tốt, để tạo tâm lý thoải mái, an yên nhưng đổ xô đi lễ lại dễ gây ảnh hưởng đến hiệu quả công việc, gây ùn tắc giao thông và xả rác bừa bãi. Để tránh tình trạng chen chúc, gây mệt mỏi, ông Cương gợi ý doanh nghiệp nên tổ chức các chuyến du lịch tâm linh trong thời gian phù hợp, tránh ùn tắc.

Bản thân người đi lễ cũng nên chọn lọc, tránh hùa theo số đông. "Đi lễ là tốt nhưng cũng cần hiểu Phật tại tâm. Mỗi người nên tu tâm tích đức, trau dồi kiến thức, kinh nghiệm làm mới bản thân, chứ không phải chỉ trông chờ vào thần linh để mong kết quả tốt đẹp", ông Cương nói.

Người dân thắp hương cầu khấn tại chùa Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm chiều mùng 6 Tết. Ảnh: Phạm Nga

Người dân thắp hương cầu khấn tại chùa Quán Sứ, quận Hoàn Kiếm chiều mùng 6 Tết. Ảnh: Phạm Nga

Hạnh Ngân cho biết đi lễ đầu năm ba chùa Liên Hoa - Quán Sứ - Phủ Tây Hồ là truyền thống của công ty 8 năm qua. Cũng như các hoạt động tập thể khác của công ty, đi lễ chùa thu hút đông đảo nhân viên tham gia.

"Đến giờ nó không đơn thuần là đi lễ đầu năm cầu mong điều tốt lành, mà đã thành văn hóa doanh nghiệp, là sự kiện tăng cường gắn kết nhân viên với công ty", cô gái làm tại đây 6 năm cho biết.

Hơn nữa cô thấy kế hoạch du xuân lễ chùa của công ty hợp lý. Trong ngày đầu tiên đi làm không phải ai cũng có tâm trạng bắt đầu công việc ngay. Chuyến đi giúp mọi người được thư giãn, vui vẻ, có một khoảng lặng cho riêng mình.

"Chúng tôi sắp xếp đi các đền chùa nội thành gói gọn trong một buổi, không mất quá nhiều thời gian, sức lực mà vẫn trọn vẹn, để ngày hôm sau có đủ sức khỏe tinh thần lẫn thể chất bắt đầu một năm mới làm việc hiệu quả", cô cho hay.

Cũng chủ đích đi lễ đầu năm sau buổi khai xuân tại công ty nhưng chị Bích Ngọc, 45 tuổi, ở quận Hà Đông buộc phải vái vọng từ cổng Phủ Tây Hồ bởi vì quá đông, không thể chen vào trong. Mất thời gian, sợ ảnh hưởng công việc nên chị đi về, dự định sẽ trở lại vài ngày nữa.

"Đi lễ cầu may nhưng bên ngoài thì bị chen lấn, xô đẩy, bên trong tâm lại bất an vì sợ bị kẻ xấu móc túi nên tôi đi về", chị nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Những thói quen này có thể không nghiêm trọng đến mức có thể hủy hoại cuộc sống của chúng ta nó có thể là trở ngại lớn trong công việc của bạn.

Chia sẻ
Gửi góp ý
Theo Quỳnh Nga - Hiền Dương ([Tên nguồn])
Giới trẻ 2024 Xem thêm
Báo lỗi nội dung
GÓP Ý GIAO DIỆN