Cuộc sống chênh vênh của người mẹ ôm con “tháo chạy” sau 20 năm bị bán

Trở về nhà, chị H. loay xoay tìm cách thích nghi với môi trường mới. Mặc dù có sự giúp đỡ của chính quyền địa phương nhưng chặng đường này không hề dễ dàng.

Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị H. đang ở.

Ngôi nhà nhỏ của mẹ con chị H. đang ở.

Loay hoay với cuộc sống mới

Thấy khách lạ bước vào nhà, chị Trương Thị H. (SN 1987), trú xóm Nước Xanh, xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ, tỉnh Nghệ An vội chạy đi thay đồ. Dù đã trở về nhà được mấy tháng nhưng chị H. ít khi ra khỏi nhà nên những bộ đồ chị mặc thường là quần áo lao động hoặc đồ ở nhà đã khá cũ.

“Do xa quê lâu ngày nên tôi vẫn chưa quen được cuộc sống ở đây. Ngoại trừ anh chị em trong gia đình, thì họ hàng và những người hàng xóm tôi cũng không nhớ được ai nên cũng không đi chơi ở đâu”, chị H. ngượng ngùng nói.

Trở về nhà sau gần 20 năm, chị H. nói tiếng Việt cũng có chút khó khăn. Hơn nữa, chị giờ đây đã trở thành một người phụ nữ từng trải chứ không còn là cô gái vô tư, xinh xắn như trí nhớ của những người nơi đây nữa.

“Chính quyền địa phương và các đoàn thể thỉnh thoảng cũng ghé đến động viên, bảo tôi cần gì thì cứ nói rồi họ sẽ hỗ trợ. Thế nhưng hiện giờ tôi cũng chưa biết nên làm gì nên thời gian gần đây chủ yếu ở nhà giúp anh trai chăn nuôi”, chị cho hay.

Sinh ra trong một gia đình nghèo dân tộc Thổ ở huyện miền núi Tân Kỳ. Cuộc sống nghèo khó khiến mẹ chị H. đành lòng dứt áo ra đi, để lại cho chồng 3 đứa con. Cũng vì vậy, chị không được ăn học đầy đủ mà từ nhỏ đã sớm lao động để kiếm thêm thu nhập cho gia đình.

Vào năm 2001, nghe lời dụ dỗ của một người bạn, chị H. bỏ nhà xuống huyện Diễn Châu để đi làm thuê. Tại đây, chị bị một phụ nữ dùng những lời mật ngọt dụ dỗ sang Trung Quốc làm thuê. Viễn cảnh có công việc nhàn hạ, lương cao, có thể gửi tiền về phụ giúp gia đình đã khiến cho cô gái trẻ bị mê hoặc.

Ngay sau khi sang Trung Quốc, H. bị bán cho một người đàn ông làm vợ. Thời điểm này H. chỉ mới 14 tuổi. Không biết tiếng, không có giấy tờ, H. đành chấp nhận cuộc sống buồn tủi nơi đất khách quê người.

“Chồng tôi chẳng đánh đập, hành hạ gì nhưng thời gian đầu luôn quản lý rất chặt vì sợ tôi bỏ trốn. Phải đến khi tôi sinh 4 người con thì gia đình chồng mới thả lỏng một chút. Lúc này tôi mới nghĩ đến chuyện tìm cách trở về quê nhà”, chị H. kể.

Thời điểm chị H. được cơ quan chức năng đưa trở về nhà trong vòng tay người thân.

Thời điểm chị H. được cơ quan chức năng đưa trở về nhà trong vòng tay người thân.

Lúc này, chị H. may mắn gặp được một người quê huyện Đô Lương, tỉnh Nghệ An đang làm ăn ở Trung Quốc. Sau khi trò chuyện, người này đăng thông tin kèm bức ảnh của chị lên Facebook, nhờ cộng đồng mạng tìm kiếm người thân giúp. Chỉ trong thời gian ngắn, những người anh của chị đã đọc được nội dung trên nên nhanh chóng liên hệ và báo cho cơ quan công an nhờ giúp đỡ.

Sau khi tiến hành xác minh, phòng Cảnh sát Hình sự Công an tỉnh Nghệ An đã phối hợp với Tổ chức Rồng Xanh giải cứu chị H.. Ngày 11/10/2020, lực lượng chức năng đã giải cứu thành công và đưa chị H. cùng con trai út về Việt Nam. Sau 14 ngày cách ly tại tỉnh Hà Giang để phòng, chống dịch Covid-19, cơ quan Công an đã bàn giao chị H. cho gia đình. Gặp lại người thân sau 20 năm xa cách, được đoàn tụ trong vòng tay của người thân, chị không dám tin đó là sự thật.

Mong ước hoàn tất giấy tờ cho con đi học

Mặc dù có tới 4 người con nhưng trong quá trình trốn chạy về quê chị H. chỉ có thể ôm theo người con trai nhỏ nhất. Cháu bé hiện đã 3 tuổi nhưng do mới về nên vẫn chưa thể nói được tiếng Việt, vì vậy chị vẫn trao đổi với con bằng tiếng Trung.

“Cháu còn nhỏ nên khi về đây thích nghi dễ dàng hơn. Cháu chơi ngoan với các anh chị và bạn bè cùng tuổi. Tôi cũng đặt tên tiếng Việt cho cháu, thế nhưng hiện vẫn chưa làm lại được giấy tờ nên chưa thể gửi cháu đi nhà trẻ được”, chị H. nói.

Do phải chạy trốn nên chị chỉ mang duy nhất người con trai nhỏ về quê.

Do phải chạy trốn nên chị chỉ mang duy nhất người con trai nhỏ về quê.

Nói về dự định tương lai, chị bảo chờ sau khi làm xong giấy tờ cho cả mẹ và con thì sẽ xin việc tại một công ty nào đó gần nhà. Quãng thời gian gần 20 năm lênh đênh đã quá đủ rồi, hiện chị chỉ mong muốn ở quê để sống bình yên thời gian còn lại.

Thiếu tá Phan Văn Vinh - Trưởng công an xã Giai Xuân, huyện Tân Kỳ cho biết: “Do hộ khẩu của chị Trương Thị H. vẫn còn nên việc làm lại giấy tờ tùy thân không khó. Ngoài ra, chúng tôi cũng thường xuyên đến nhà để động viên, giúp đỡ chị sớm hòa nhập với cuộc sống nơi đây. Còn riêng về giấy tờ của cháu bé thì hơi khó, chúng tôi đã hướng dẫn chị gửi hồ sơ sang bộ phận tư pháp”.

Mong ước của chị giờ đây là làm giấy tờ cho con để gửi nhà trẻ.

Mong ước của chị giờ đây là làm giấy tờ cho con để gửi nhà trẻ.

Giải thích thêm về việc này, ông Phan Trung Ấn – Trưởng phòng Tư pháp huyện Tân Kỳ cho hay, quá trình kiểm tra thì thời điểm sinh cháu bé ra ở nước bạn, cũng đã được làm giấy tờ là công dân Trung Quốc.

“Cháu có quốc tịch Trung Quốc, được đăng ký khai sinh ở Trung Quốc. Vì vậy, chúng tôi không thể làm được gì hơn. Việc này, chúng tôi đang hướng dẫn gia đình xuống Sở Ngoại vụ, rồi liên hệ với Bộ Ngoại giao, Đại sứ quán ở Trung Quốc để yêu cầu chuyển giấy tờ về”, ông Ấn nói.

Nguồn: [Link nguồn]

Gặp phải “sở khanh” qua mạng, người phụ nữ có đề nghị khiến hắn “tái mặt”

Người phụ nữ thử vào Facebook tìm hiểu về người đàn ông mới quen trên mạng, phát hiện điều khó tin, ngay lập tức có...

Chia sẻ
Gửi góp ý
Lưu bài Bỏ lưu bài
Theo Nguyễn Anh Ngọc ([Tên nguồn])
Phụ nữ và gia đình Xem thêm
Báo lỗi nội dung
X
CNT2T3T4T5T6T7
GÓP Ý GIAO DIỆN