Cuộc đời là của mình
Một số bạn đọc đã gửi thư chia sẻ những cảm xúc riêng tư. Người xót xa, nuối tiếc; người vui vẻ khi đang cầm lái cuộc đời mình đi đúng hướng.
“Ổn” hết cả rồi không thay đổi được nữa
Khi tốt nghiệp PTTH, tôi rất thích thi vào một trường hội họa. Từ bé tôi thích vẽ. Tôi vẽ theo mẫu, vẽ những thứ mình tưởng và ai cũng bảo rất có hồn. Tôi cũng tự thấy mình có năng khiếu và nếu học ngành liên quan hội họa thì tôi sẽ thoải mái và sáng tạo.
Thế nhưng, khi bố mẹ nói con nên thi cao đẳng sư phạm về làm giáo viên, tôi đã nghe theo. Ba năm sau, tôi về làm cô giáo cấp 2 trường làng. Cuộc sống của một giáo viên cứ êm trôi. Rồi đến “hạn” tôi phải ưng một giáo viên cùng trường, rồi cưới nhau, sinh con.
Năm nay tôi hơn 40 tuổi. Cũng ít khi tôi nghĩ lại mình sẽ như thế nào nếu chọn nghề khác (như nghề hội họa chẳng hạn). Tôi đọc diễn đàn và thấy, đúng là mình thụ động. Giật mình nhìn lại, thấy cuộc đời mình chưa bao giờ là của mình, ít nhất là trong những quyết định lớn. Bố mẹ không hề làm gì sai khi muốn con mình có cuộc sống ổn định. Nghề giáo là nghề tốt đẹp nếu hợp với khả năng và đam mê. Chồng tôi cũng vậy, anh ấy không có lỗi gì. Lỗi là do tôi. Tôi đã buông xuôi cuộc đời mình.
Cuộc sống hiện tại của tôi không có gì đáng nói cả. Nhưng trong lòng tôi không hiểu sao cứ thấy thiếu cái gì đó, thi thoảng buồn vì cái gì đó. “Cái gì đó” nghĩ kỹ thì có lẽ là trong sâu thẳm tôi vẫn tiếc nuối vì không theo nghề mình thích và không cưới người mình yêu... Cái sự thiếu đó khiến tôi càng ngày càng bình lặng, càng không bứt ra được ngoài khuôn khổ.
Nhìn lại thấy đời mình đã được sắp xếp ổn hết cả rồi. Theo lối cũ đó, con đường vạch sẵn đó, tôi không đủ sức thay đổi nữa.
Hạnh Minh (Bình Thuận)
Một số bạn đọc đã gửi thư chia sẻ những cảm xúc riêng tư
Quyết định sự học của mình theo cảm hứng
Tôi rất tâm đắc câu nói của ông Vũ Minh Châu (TGĐ Bảo Tín Minh Châu trả lời PV trên Tiền Phong số ra ngày 19/7), rằng: “Nhiều bạn đến tìm việc, tôi hỏi vì sao lại học trường đó. Các em trả lời vì thi trường này không đỗ nên thi trường khác; thấy bạn học đăng ký trường này nên đăng ký theo… Họ không có chính kiến, không có đam mê, không có định hướng…”.
Tôi là người như thế. Ra trường 3 năm rồi, cầm cái bằng công nghệ thông tin trên tay mà chẳng có chút tự tin nào. Tôi không đam mê ngành này, cũng không có năng khiếu. Trình độ vi tính của tôi chỉ nhỉnh hơn bình thường một chút. Đến đâu xin việc người ta cũng lắc đầu. Thiếu cả kinh nghiệm lẫn chuyên môn.
Ngày thi đại học, tôi thích kiến trúc, nhưng đứa bạn bảo trường đó khó lắm, khó cả đầu vào lẫn xin việc. Cứ thi tạm trường nào dễ rồi tính. Không ai định hướng, tôi đi tù mù như vậy. Giờ vẫn ăn bám bố mẹ. Một anh bạn nói: “Em phải đi học thêm ngoại ngữ. Ngoại ngữ giỏi may ra mới tìm được việc”. Tôi đành nghe theo. Tiếp tục mất phương hướng.
Lê Đức (leduc89@yahoo.com)
Không khéo thì trượt tốt nghiệp, trượt cả đại học
Thời học cấp 3, tôi như một cậu con trai nghịch ngợm. Bố bảo: “Con cứ thế này, ai mà thích được. Con gái mà tính nết không ra con gái gì cả”. Ngày đó, tôi được chọn đi thi học sinh giỏi và các thầy miễn học cho các môn khác. Tôi thấy, nếu thế thì không khéo trượt tốt nghiệp THPT, chứ chưa nói giấc mơ đại học. Tôi suy nghĩ kỹ rồi nói với bố: “Con không thi học sinh giỏi đâu. Học lệch thế sợ trượt tốt nghiệp…”. Bố quát: “Ưu ái lắm thầy mới chọn con, từ chối, người nói là kiêu, là không biết điều đấy…”.
Tôi giải thích cho bố hiểu, kiến thức học phải đều, nếu tập trung cho môn thi học sinh giỏi để lấy danh hiệu về cho mình, cho trường thì sẽ hổng các môn khác (thầy chủ nhiệm bảo các môn khác không học cũng sẽ được 5 điểm trở lên). Khi đi thi tốt nghiệp, thi đại học ai thi cho mình. Học sinh giỏi mà trượt tốt nghiệp, trượt đại học thì gia đình còn muối mặt hơn.
Bố miễn cưỡng đồng ý và ngay cả tôi khi đó cũng tiếc cơ hội đi thi học sinh giỏi. Tuy nhiên, khi ra trường đi làm tôi mới thấy đó là quyết định hợp lý.
M. L (Đài truyền hình Đồng Tháp)